'Kiến trúc sư' trái phiếu Trần Sơn Hải và bản thiết kế mới tại Ba Huân

11/04/2025 - 02:51
(Bankviet.com) Được ví như "kiến trúc sư" cho hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu liên quan ORS, ông Trần Sơn Hải sau thời gian im ắng, đang trở lại với cuộc chơi hấp dẫn.
BOJ sẽ tăng lãi suất nếu đạt mục tiêu lạm phát Ngân hàng có thể thuê ngoài hoạt động giao dịch trái phiếu Thị trường phát hành trái phiếu cấp cao của Mỹ chao đảo

"Kiến trúc sư" hàng chục nghìn tỷ trái phiếu

Ông Trần Sơn Hải, "kiến trúc sư" thầm lặng cho những thương vụ trái phiếu doanh nghiệp vạn tỷ, người am hiểu thị trường tài chính như lòng bàn tay đã rời Chứng khoán Tiên Phong (ORS) giữa lúc cơn địa chấn trái phiếu bắt đầu lộ rõ sức tàn phá. Từ đó đến nay, ông gần như biến mất khỏi truyền thông, khỏi các vị trí quyền lực công khai, khiến cộng đồng tài chính không khỏi băn khoăn rằng Trần Sơn Hải đang ở đâu và cuộc chơi nào mới đang khiến ông thực sự quan tâm?

Ngược lại quá khứ, độ vài năm trước, cái tên Trần Sơn Hải được xem là biểu tượng cho một lớp doanh nhân tinh anh trong giới tài chính ngân hàng. Ông sở hữu cốt cách của chiến lược gia, vừa bản lĩnh trong hành động, vừa thâm sâu trong toan tính. Sinh năm 1977, ông Hải có cơ duyên trui rèn tại những "chiếc nôi" của tri thức và thực tiễn, từ Boston Consulting Group, đến Standard Chartered Việt Nam, rồi về đầu quân cho TPBank. Mỗi nơi ông đi qua đều để lại dấu ấn của một người không chỉ giỏi nghề, mà còn nhìn được xa, thấy được rộng.

'Kiến trúc sư' trái phiếu Trần Sơn Hải và bản thiết kế mới tại Ba Huân
Ông Trần Sơn Hải, "kiến trúc sư" thầm lặng cho những thương vụ trái phiếu vạn tỷ tại ORS

Năm 2019, TPBank hoàn tất phi vụ thâu tóm Công ty Chứng khoán Phương Đông và tái định danh thành Công ty Chứng khoán Tiên Phong - ORS. Sau thời khắc chuyển giao ấy, giới chủ ngân hàng không ngần ngại, tin cậy điều động Trần Sơn Hải, lúc đó là Giám đốc Khối đầu tư và Khách hàng doanh nghiệp lớn sang cầm lái, tiếp quản đơn vị thành viên mới này.

Tại ORS, ông Trần Sơn Hải ngồi vào chiếc ghế Tổng Giám đốc, vị trí cao nhất trong bộ máy điều hành và mau chóng trở thành "cánh tay phải" đắc lực cho Đỗ Anh Tú, Chủ tịch HĐQT ORS, đồng thời là em trai Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú. Trong thời kỳ bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2020 - 2022, ông Trần Sơn Hải đã không đứng ngoài thời cuộc.

Ngược lại, ông chính là người chủ động họa nên chiến lược "bám trend" táo bạo nhất. Các quyết sách của ORS dưới tay ông đã biến công ty chứng khoán này thành mắt xích chủ chốt trong chuỗi vận hành huy động vốn hàng chục nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Cái khó là phải uốn nắn dòng tiền để không đơn thuần chảy ngẫu hứng, mà được dẫn dắt theo ý chí của "người thiết kế".

Để kiến tạo một cỗ máy "bom tấn" như thế, ông Hải hiểu rõ một mình đơn độc là không đủ sức. Ông cần chiêu mộ những cộng sự cùng tần số, quy tụ những đối tác giàu tiềm lực và trong số đó, Tập đoàn Bamboo Capital của đại gia Nguyễn Hồ Nam hiện lên như một mảnh ghép lý tưởng.

Kể từ đó, liên minh giữa Bamboo Capital và hệ sinh thái tài chính quanh TPBank - ORS bắt đầu lộ rõ những mối gắn kết chặt chẽ, tinh vi. Một mặt, Bamboo Capital trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các công ty thành viên như Tập đoàn Xây dựng Tracodi (TCD), rót hàng nghìn tỷ đồng đổi lấy hàng chục triệu cổ phiếu TPBank, tương đương chừng 3% cổ phần tại nhà băng này. Mặt khác, dòng tiền từ TPBank được chảy ngược về Bamboo Capital hay Tracodi, thông qua các pháp nhân trung gian như ORS hoặc Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Việt Cát. Các giao dịch nghìn tỷ cứ đan cài lẫn nhau tạo thành mạng lưới ngầm, còn các cổ phiếu, tín dụng và lợi ích luân chuyển theo thiết kế đã được tính toán từ trước.

Theo thống kê 2021 - năm mà thị trường trái phiếu sôi động nhất trong lịch sử, chỉ riêng Bamboo Capital, với sự hậu thuẫn vững chắc từ TPBank và ORS, đã huy động thành công số tiền lên tới cả chục nghìn tỷ đồng. TPBank đóng vai trò ngân hàng yểm trợ, trực tiếp cho Bamboo Capital vay 1.027 tỷ đồng, gồm 132 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 895 tỷ đồng nợ dài hạn. Song song, ORS dưới sự điều phối của ông Trần Sơn Hải, tham gia làm bên thu xếp, đại lý lưu ký, tư vấn phát hành... trong đại đa số khối nợ gần 8.900 tỷ đồng trái phiếu được ghi nhận đến cuối năm 2021.

Tuy nhiên, đấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Phía sau Bamboo Capital là cả hệ sinh thái doanh nghiệp liên kết chặt chẽ như rễ chùm trong lòng đất. ORS trên cương vị là bên thu xếp phát hành, đã phối hợp nhịp nhàng với các chủ thể huy động vốn như: Công ty Cổ phần BCG Land, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Helios, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gia Khang, Tracodi, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Thành Nguyên, và đặc biệt là Công ty Cổ phần Tập đoàn R&H, tạo nên guồng quay hoàn hảo, đưa đẩy dòng vốn không ngừng luân chuyển qua những pháp nhân mang hình hài khác nhau, nhưng dường như cùng quy tụ về một "chỗ trũng" - Bamboo Capital.

Ước tính chỉ riêng trong năm 2021, tổng lượng trái phiếu được nhóm doanh nghiệp này huy động đã vượt mốc 20.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 800 triệu USD, đủ sức gây choáng ngợp ngay cả với những "tay chơi" lão luyện trên thị trường vốn.

Nhưng cuộc chơi nào cũng đến lúc phải khép lại. Mấy ai có thể ngờ, thị trường trái phiếu đang cao trào lại bất ngờ bị dập tắt ngay đầu năm 2022, mở ra giai đoạn thanh lọc gắt gao dưới bàn tay cứng rắn của các cơ quan quản lý nhà nước. Hàng loạt đại án khuấy đảo dư luận như Trịnh Văn Quyết (FLC), Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh), Trương Mỹ Lan (Vạn Thịnh Phát) bị phanh phui, lần lượt phơi bày mảng tối phía sau các thương vụ trái phiếu hàng nghìn tỷ, khiến toàn thị trường rơi vào trạng thái khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng.

'Kiến trúc sư' trái phiếu Trần Sơn Hải và bản thiết kế mới tại Ba Huân
Ông Nguyễn Hồ Nam - nhà sáng lập Bamboo Capital

ORS, với hoạt động cốt lõi xoay quanh phát hành và thu xếp trái phiếu, nhanh chóng trở thành nạn nhân trực tiếp. Kết quả kinh doanh lao dốc, doanh nghiệp chao đảo. Nhưng ORS không chỉ mất phong độ vì thị trường thay đổi, mà còn vì sự rút lui đột ngột của chính người đã xây nên đế chế trái phiếu - ông Trần Sơn Hải, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật lúc bấy giờ. Rời ghế điều hành từ tháng 7/2022, ông vẫn lưu lại trong Hội đồng quản trị thêm một thời gian, trước khi chính thức khép lại toàn bộ vai trò vào tháng 4/2023.

Cũng kể từ đây, ông Trần Sơn Hải dần trở thành cái bóng lặng lẽ trong giới tài chính. Không ồn ào, không còn xuất hiện trên truyền thông, ông chỉ để lại dấu vết mờ nhạt qua một vài vị trí "hậu trường", khi thì là thành viên HĐQT Công ty Vinahud, nơi có sự hiện diện của Nguyễn Hồ Nam - cổ đông lớn với 22,8% cổ phần. Lúc khác, lại xuất hiện với vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Dược phẩm Nam Hà, đại diện cho nhóm cổ đông lớn đến từ Tập đoàn R&H, nắm khoảng 40% cổ phần tính đến năm 2022.

Nhưng dù có ở đâu chăng nữa, sự hiện diện của ông chỉ như đốm sáng le lói rồi... tắt lịm. Phải mất mấy năm im ắng, gần đây, cái tên Trần Sơn Hải mới xuất hiện trở lại trên bản đồ doanh nghiệp với một vai trò điều hành đầy trọng trách.

Lần này, ông không tái xuất trong giới tài chính, mà tại địa hạt hoàn toàn khác, đó là Công ty TNHH Công nghệ cao Ba Huân Thạnh Hóa, một đơn vị thành viên của thương hiệu thực phẩm lâu đời bậc nhất TP. Hồ Chí Minh - Ba Huân, gắn liền với tên tuổi của "nữ hoàng trứng gia cầm" Phạm Thị Huân.

Cuộc chơi mới tại Ba Huân

Việc ông Trần Sơn Hải vừa ngồi vào ghế "chỉ huy" tại Ba Huân Thạnh Hóa, quan sát profile làm việc của ông Hải, không thể phủ nhận ngành nông nghiệp thực phẩm có phần mới mẻ, ít kinh nghiệm đối với vị tân giám đốc. Nhưng, Ba Huân đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, tham vọng mở rộng quy mô, hiện đại hóa sản xuất, và chuẩn bị triển khai các dự án chăn nuôi công nghệ cao, điển hình là trang trại gia cầm tại tỉnh Long An.

Những dự án như vậy không thể vận hành bằng tầm nhìn kỹ thuật thuần túy mà cần dòng vốn lớn, cấu trúc tài chính bài bản, cho nên người đủ năng lực để "thiết kế" dòng tiền đi đúng hướng, chắc hẳn không ai vượt qua được chuyên gia tài chính ngân hàng Trần Sơn Hải.

'Kiến trúc sư' trái phiếu Trần Sơn Hải và bản thiết kế mới tại Ba Huân
"Nữ hoàng trứng gia cầm" Phạm Thị Huân

Bên cạnh đó, ít ai biết rằng, Ba Huân không phải là một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Trần Sơn Hải và ngành thực phẩm. Ông Hải đến Ba Huân trong vai trò đối tác chiến lược, thay vì là một anh giám đốc được thuê về điều hành, trong trường hợp chỉ đánh giá thoáng qua. Thực chất, nhiều năm qua, Ba Huân đã trở thành một trong những dự án đầu tư quan trọng của gia đình ông.

Năm 2022, bà Phạm Thị Huân đã xác nhận với báo giới về việc chuyển nhượng một lượng lớn cổ phần của Công ty Ba Huân cho một đối tác trong nước, với giá trị giao dịch không được tiết lộ. Chỉ biết, người mua là gia đình của ông Trần Việt Hưng (sinh năm 1985) - nhân vật mà ít lâu sau được "nữ hoàng trứng gia cầm" trao quyền Tổng Giám đốc Ba Huân cho đến thời điểm hiện tại.

Không ai khác, ông Trần Việt Hưng chính là người em út, trong gia đình có ba anh em của ông Trần Sơn Hải - anh cả và ông Trần Việt Hà - anh thứ. Do đó, nhiều người trong giới đồn đoán rằng, sự chuyển dịch cổ phần âm thầm, sự lên nắm quyền của người em út, cùng với sự trở lại bất ngờ của người anh cả, tất cả không phải là ngẫu nhiên. Đó rất có thể là những bước đi nằm trong một kế hoạch dài hơi, được chuẩn bị kỹ lưỡng và kiên nhẫn triển khai, mà Ba Huân chỉ là điểm khởi đầu cho tham vọng sâu rộng hơn của ba anh em nhà Trần Sơn Hải.

'Kiến trúc sư' trái phiếu Trần Sơn Hải và bản thiết kế mới tại Ba Huân
Ông Trần Việt Hưng - Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân

Trong gia đình ông Hải, ông Trần Việt Hưng sở hữu hơn một thập kỷ kinh nghiệm điều hành tại Singapore, từng giữ nhiều vị trí quản lý cấp cao trước khi quay về tiếp quản Ba Huân. Sự mát tay trong vận hành, cùng tư duy bài bản và chuẩn quốc tế, đang được thể hiện rõ trong từng bước đi gần đây của Ba Huân.

Trong khi đó, ông Trần Sơn Hải lại là bậc thầy của thị trường vốn, hiểu rõ cách thiết kế dòng tiền, cấu trúc tài chính và huy động nguồn lực. Với uy tín đã được kiểm chứng, cùng mối quan hệ sâu rộng trong giới ngân hàng và đầu tư, ông đủ khả năng giúp Ba Huân tiếp cận những "kho lương" mới với chi phí vốn hợp lý, phục vụ cho các kế hoạch mở rộng dài hạn.

Đó là chưa kể đến ông Trần Việt Hà, người anh thứ trong gia đình, hiện đang là một "đại gia” lĩnh vực kinh doanh nhiên liệu và dầu nhờn. Ông Việt Hà điều hành hai doanh nghiệp trọng yếu là Công ty Cổ phần Nhiên liệu và Dịch vụ Thanh Giang và Công ty Cổ phần Dầu nhờn S.T.S. Công ty Thanh Giang do ông Việt Hà nắm giữ trên 96% cổ phần, ghi nhận doanh thu thường niên gần 100 tỷ đồng, một con số ổn định trong ngành hàng khắt khe về kỹ thuật lẫn dòng tiền...

Đáng chú ý, phía sau ông Việt Hà là người vợ - bà Phạm Thị Bích Dược, từng là đồng nghiệp cũ của Trần Sơn Hải tại Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam. Không chỉ góp phần kết nối mạng lưới mối quan hệ tài chính ngân hàng, bà Dược cũng có thời gian tham gia vào công tác điều hành tại Công ty Thanh Giang, là "gạch nối" quan trọng trong quá trình gây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên Báo Công Thương đã nhiều lần liên hệ với ông Trần Sơn Hải và ông Trần Việt Hưng qua số điện thoại cá nhân. Tuy nhiên, cả hai đều không đưa ra phản hồi.

Hoa Đông

Theo: Báo Công Thương