Doanh nhân Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC Corp. |
Theo thông báo từ UBND TP. Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG) đã chính thức trở thành nhà đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC tại Hà Nội (CMC Creative Space Hanoi), thay cho Công ty TNHH Phát triển THT (thành viên của Daewoo E&C Hàn Quốc).
Được biết, dự án này có quy mô 1,13 ha, nằm tại ô đất B2CC3 thuộc dự án Khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây (Starlake Tây Hồ Tây), phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.789 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 626 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang “đau đầu vì tiền” và bản thân sức khoẻ tài chính của CMC không thực sự tốt, quyết định thế chân “ông lớn” tại một dự án nghìn tỷ của Chủ tịch Nguyễn Trung Chính được đánh giá là khá táo bạo. Trên thực tế, tính tới thời điểm 31/3/2023, CMC đang “ôm” một khoản nợ lên hơn 3.506 tỷ đồng, cao gấp khoảng 1,12 lần so với vốn chủ sở hữu.
Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới 77%, lên đến hơn 2.714 tỷ đồng. Ở bên kia bảng cân đối, lượng tiền và tương đương tiền chỉ đạt 376 tỷ đồng, tương đương 13,8% số nợ phải trả trong ngắn hạn của doanh nghiệp này.
Dù vậy, với những người theo dõi CMC lâu năm, quyết định này không quá bất ngờ, bởi lẽ trước nay, Chủ tịch Nguyễn Trung Chính vẫn luôn là người không ngại thử thách và con đường của CMC thì chưa bao giờ “trải đầy hoa hồng”.
Chủ tịch CMC, ông Nguyễn Trung Chính xuất thân từ vùng “đất học” Nam Định. Sau khi học hết phổ thông, ông Chính tham gia nghĩa vụ quân sự, tại đây, ông được phân vào Binh chủng Kỹ thuật thông tin. Xuất ngũ, ông Chính trở lại với con đường học vấn và trở thành sinh viên của khoa Kỹ thuật điện tử tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Quyết định này được coi là đi ngược “trào lưu” bởi sinh viên thời bấy giờ thường lựa chọn lĩnh vực “hot” là vô tuyến để đảm bảo ra trường có việc làm và kiếm được nhiều tiền. Bản thân ông Chính từng chia sẻ, khoản tiền lớn nhất mà ông kiếm được vào năm 1991, lên tới 5.000 USD/tháng, là từ việc cho thuê đất ở Tây Hồ, chứ không phải từ ngành học.
Một năm sau tốt nghiệp, kỹ sư gốc Nam Định này trở thành cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia và có cơ hội tham gia chế tạo máy tính “Make in Vietnam” - một dự án bảo mật cấp quốc gia. Chiếc máy tính được đặt tên là “máy tính bác Tô” (theo tên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), sử dụng chip 12 bit, là một sản phẩm ngang ngửa với thế giới, khi mà thời bấy giờ, công nghệ tiên tiến nhất của Intel là chip 16 bit, còn Apple thì vẫn dùng chip 8 bit.
Tuy nhiên, khi còn chưa kịp đặt hàng Đài Loan làm bo mạch chủ để nâng cấp chiếc máy tính này, một vụ cháy ở Viện Nghiên cứu đã “cướp đi tất cả”: công nghệ, dữ liệu, niềm tin, tham vọng của đội ngũ đều tan biến.
Sau đám cháy, không chỉ ông Chính mà Trưởng phòng của Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia khi ấy là ông Hà Thế Minh, cũng rơi vào cảnh thất nghiệp. Năm 1991, hai người xin thành lập Trung tâm ADCOM trực thuộc Viện để có thể tự kiếm sống. Đến năm 1993, khi Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời, bộ đôi quyết định thành lập Công ty TNHH HT&NT, với số vốn 500 triệu đồng, tiền thân của Tập đoàn Công nghệ CMC sau này.
Ông Chính chia sẻ, lúc bấy giờ, quyết định mở doanh nghiệp là vô cùng can đảm, bởi thời đó xã hội rất coi trọng những nghề nghiên cứu khoa học, còn nghề kinh doanh thì chỉ được xem là "con buôn".
Dù chuyển sang làm thương mại, nhưng theo Chủ tịch của CMC, ông cảm thấy may mắn vì vẫn có thể hoạt động trong lĩnh vực mà mình yêu thích từ thời đi học.
Ông Chính trong những ngày đầu làm “con buôn”. |
Thời gian đầu, do nguồn vốn eo hẹp, HT&NT chỉ nhập khẩu máy tính về bán. Tuy nhiên, nhờ sở hữu chuyên môn cao, những kỹ sư trẻ có thể kiêm luôn việc sửa chữa, bảo dưỡng. Từ đó, việc kinh doanh ngày càng phát triển.
Khi nguồn vốn trở nên dồi dào, hai nhà đồng sáng lập bắt đầu mở rộng quy mô, thành lập Trung tâm Tích hợp Hệ thống (tiền thân của CMC SI), Trung tâm Giải pháp Phần mềm (tiền thân của CMC Soft) vào năm 1996 và mở siêu thị bán lẻ hàng điện tử đầu tiên tại Việt Nam mang tên Blue Sky vào năm 1998. Canh cánh giấc mơ ghi tên Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới, năm 1999, hai ông thành lập Công ty Máy tính CMC (tiền thân của CMS), doanh nghiệp đầu tiên sản xuất máy tính mang thương hiệu Việt.
Đáng tiếc, mọi việc đã không diễn ra thuận lợi.
Đối với Blue Sky, mặc dù thời gian đầu rất phát triển mạnh mẽ nhưng từ khi Việt Nam áp dụng thuế VAT khiến hàng trốn thuế tràn lan trên thị trường, “super store” này không thể trụ vững trước những đối thủ cạnh tranh không lành mạnh và bị phá sản.
Còn CMS, sau 4 năm gây dựng, đã khánh thành nhà máy sản xuất có quy mô tương đương Legend của Trung Quốc (tiền thân của Lenovo ngày nay). Thế nhưng, khi giấc mơ tạo nên chiếc máy tính “Made in Vietnam” sắp thành hiện thực thì vấn đề về chính sách đã giáng một đòn nặng nề lên CMS non trẻ. Máy tính nhập nguyên chiếc được hưởng thuế 0%, còn linh kiện phải chịu thuế 5%, điều đó khiến cho việc lắp ráp máy tính không thành công như mong đợi.
Dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp của doanh nhân Nguyễn Trung Chính cũng như hành trình phát triển của CMC là vào năm 2007, khi ông cùng ông Minh quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh từ các công ty nhỏ lẻ sang mô hình tập đoàn. Trong đó, ông Minh đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, còn ông Chính giữ vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc. Giai đoạn này, doanh thu của CMC đã lên tới con số nghìn tỷ, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 70 - 80%.
Năm 2010, Tập đoàn CMC chính thức niêm yết trên sàn HOSE. Tuy nhiên, cũng chính vào thời điểm đó, do không lường trước tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, CMC bắt đầu “ngấm đòn” khi các khách hàng là các tập đoàn bất động sản suy thoái. Kết quả là, năm 2011, cổ phiếu CMG vừa chào sàn một năm đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vì CMC thua lỗ gần 105 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không gục ngã trước tình cảnh cam go, bế tắc. Ông Chính cùng tập thể lãnh đạo, nhân viên CMC đã nỗ lực không ngừng để cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2014, sự cố gắng được đền đáp, lợi nhuận của CMC bắt đầu dương trở lại, đi kèm với mức tăng trưởng gấp 16 lần năm trước, đạt hơn 23 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của CMC kể từ khi niêm yết. |
Đang đà đi lên, năm 2019, CMC bất ngờ sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận. Ngạc nhiên hơn là vào năm đó, ông Chính (lúc này đã là Chủ tịch HĐQT thay cho người bạn quá cố) đặt ra mục tiêu đưa CMC trở thành tập đoàn toàn cầu với doanh thu 1 tỷ USD và quy mô nhân sự 10.000 người vào năm 2023.
Được biết, một trong những lý do thúc đẩy vị “thuyền trưởng” của CMC quyết thực hiện kế hoạch “khủng” chỉ trong vòng 4 năm, đến từ thương vụ “thần tốc” với Samsung SDS, khi ông nhìn thấy sự tương đồng trong tham vọng giữa hai bên.
Trên thực tế, kể từ khi Samsung SDS trở thành cổ đông chiến lược của CMC, “ông lớn” công nghệ của Việt Nam đã trở lại với chu kỳ tăng trưởng. Năm 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 5.181 tỷ và 241 tỷ đồng, tương ứng với các mức tăng trưởng 6% và 15%. Bước sang năm 2021, trong bối cảnh thị trường chung bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, CMC thiết lập kỷ lục về doanh thu với 6.290 tỷ đồng, tăng hơn 21%. Lãi ròng cũng tăng trưởng mạnh mẽ 31,5%, đạt 317 tỷ đồng. Một điểm sáng nữa là mảng kinh doanh quốc tế đã bắt đầu đem lại lợi nhuận, với hơn 100 tỷ đồng, không còn là những con số âm như những năm trước đó.
Năm 2022, CMC tiếp tục lập đỉnh cả về doanh thu và lợi nhuận với kết quả lần lượt là 7.664 tỷ và 358,2 tỷ đồng. Dù ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan, song nếu xét theo kế hoạch trở thành tập đoàn tỷ đô, doanh thu và nguồn lực nhân sự của CMC hiện đạt 20%.
Ông Chính bất ngờ đặt mục tiêu phát triển thành tập đoàn 1 tỷ USD vào thời điểm CMC sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận |
Với những con số đó, nhiều người cho rằng, “nhiệm vụ” mà Chủ tịch Nguyễn Trung Chính đặt ra cho CMC là “bất khả thi”.
Tuy nhiên, vị doanh nhân này đã từng chia sẻ quan điểm về vấn đề này rằng: “Nếu bạn không có ước mơ, không đặt ra các mục tiêu cao để chinh phục nó thì cuộc đời cũng không thú vị. Và chỉ khi có mục tiêu như vậy thì mình mới phát triển và tiến bộ được. Tổ chức cũng thế thôi”.
Agribank thu về hơn 88 tỷ đồng nhờ thoái vốn tại CMC Corp (CMG) Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE), Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa ... |
CMC Corp (CMG) muốn chuyển nhượng cổ phần tại CMC Telecom cho công ty con Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu CMG đi ngang từ đầu năm 2023. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/03, giá cổ phiếu ... |
Doanh nghiệp "tay ngang" ngày ấy: L14 "bỏ chơi" chứng khoán, PET, VHC, TLH, CMC "cháy" danh mục Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa thể vượt vùng cản 1.080 - 1.100 điểm, "cuộc chơi chứng khoán" của những doanh nghiệp tay ... |
Thái Hà