Hoạt động rầm rộ nhưng gần như thiếu các quy định pháp luật liên quan, thế nhưng những điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép vẫn được xây dựng, hoạt động trong suốt thời gian dài. Trong khi đó, một số địa phương vẫn tâm lý lơ là, chậm xử lý.
Điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép của ông Lê Đức Thọ (xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) dù đã bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động. Ảnh: Minh Tân |
Tiềm ẩn nguy cơ
Tại Quảng Trị, hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện như: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Đakrông đều xuất hiện các điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép có trang bị cân xe tải. Chỉ cần bãi đất trống, cân tải trọng, máy gắp… là có thể mở các điểm thu mua và đa phần các điểm thu mua này nằm ở các vùng có diện tích rừng trồng lớn, trên các tuyến giao thông thuận lợi.
Dù chưa có thống kê, kiểm tra cụ thể của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhưng qua thông tin mà chúng tôi có được, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 40-50 điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép. Tùy theo địa điểm, quy mô, mỗi ngày các điểm thu mua này xuất đi từ 50-200 tấn gỗ nguyên liệu đi các tỉnh khác tiêu thụ.
Xe chở gỗ tràm quá khổ, quá tải từ quốc lộ 15 vào một điểm thu mua trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Ảnh: Minh Tân |
Để đối phó với các cơ quan chức năng, vào thời điểm buổi trưa và chiều tối là thời điểm hoạt động của các loại xe tải chở gỗ tràm đến các điểm thu mua trái phép. Đa phần các loại xe vận chuyển gỗ đến các điểm thu mua trái phép này đều có dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn giao thông, quá khổ, quá tải.
“Chỉ cần từ giữa trưa cho đến tối là hàng loạt xe tải chở gỗ tràm lưu thông từ các đường nhánh ra quốc lộ 15, xe chất cao hết cỡ, rồi sợ nhất là cả cây tràm dài phía sau thùng xe. Cảnh sát giao thông cũng tuần tra, kiểm soát nhưng được mấy hôm thì đâu lại vào đấy”, bà Đ.T.P (khối 2, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh) lo lắng nói.
Chỉ cần dọc theo các tuyến quốc lộ 15 (đường Hồ Chí Minh) từ Quảng Bình vào Quảng Trị là cảnh hàng loạt xe tải, container chở gỗ tràm lưu thông vào buổi trưa và chiều tối. Hầu hết các loại xe tải đều được độ chế để chở khối lượng lớn, nhiều xe còn chở vượt quy định 1,5-2m phía sau thùng xe rồi nhanh chóng tập kết vào các điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép hoặc nhà máy chế biến dăm gỗ.
Một điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép ngay bên tuyến quốc lộ 15 (đoạn qua xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Minh Tân |
Ngay sát quốc lộ 15, một điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép (thuộc địa bàn xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) không hề bảng hiệu đang hoạt động tấp nập phía bên trong. Chiếc máy gắp hoạt động liên tục đưa gỗ lên xe container. Ước có hàng nghìn khối gỗ đang được tập kết bên trong. Trong khi đó, bên ngoài quốc lộ 15, các xe chở gỗ tràm được lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra sơ bộ rồi nhanh chóng rời đi.
Còn tại địa thị trấn Bến Quan (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), ngay bên tuyến quốc lộ 15, ghi nhận vào những ngày đầu tháng 9/2023, cơ sở thu mua gỗ rừng trồng trái phép của hộ ông Nguyễn Thành Linh vẫn hoạt động tấp nập dù đã bị UBND huyện Vĩnh Linh yêu cầu tạm dừng.
Trong bãi thu mua, sau khi qua cân khối lượng, 7 chiếc xe tải, máy cày đang chờ bốc gỗ chuyển qua xe container để vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Việc hoạt động ra, vào liên tục của các loại xe chở tràm tại điểm thu mua này luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 15.
Chậm xử lý
Theo quy định, muốn đặt điểm thu mua gỗ có trang bị cân xe tải thì cơ bản phải đảm bảo các tiêu chí về đăng ký ngành nghề kinh doanh, kê khai thuế, công tác phòng cháy, chữa cháy, kiểm định chất lượng cân, được cấp phép đấu nối quốc lộ… Không đảm bảo đúng quy định, thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn, các điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép, nhà máy sản xuất dăm gỗ trái phép tiềm ẩn nhiều nguy cơ cũng như gây ra nhiều hệ lụy.
Theo ông Võ Thái Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, hệ thống trạm cân trên địa bàn tỉnh khá nhiều và không ít trạm cân hoạt động trái pháp luật, không kê khai thuế. Đặc biệt, có lúc cạnh tranh không lành mạnh, tạo nên thị trường bất ổn cho việc sản xuất gỗ rừng trồng.
Một điểm thu mua, tập kết gỗ rừng trồng trái phép tại địa bàn huyện Vĩnh Linh với hàng chục nghìn tấn gỗ. Ảnh: Minh Tân |
Không chỉ vậy, với việc đầu tư thấp vì không hoàn thiện các thủ tục, quy định của pháp luật, như: Phòng cháy, chữa cháy, đấu nối vào quốc lộ… nên có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép và các đơn vị được cấp phép. Thậm chí có nơi có dấu hiệu bảo kê, gây áp lực khiến doanh nghiệp làm ăn hợp pháp khó thu mua gỗ rừng trồng, sản xuất đình trệ.
Khi chúng tôi xác minh điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép của ông Lê Đức Thọ (thôn Hòa Bình, xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), Chủ tịch UBND xã Sen Thủy cho biết, đã tạm đình chỉ nhưng vẫn biết điểm thu mua này hoạt động ngay sau đó. Thậm chí, Chủ tịch xã còn gợi ý đưa số điện thoại của của chủ điểm thu mua gỗ rừng trồng Lê Đức Thọ để chúng tôi “gặp gỡ”.
Cơ sở thu mua gỗ rừng trồng sản xuất dăm trái phép trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Ảnh: Minh Tân |
Còn trên địa bàn huyện Lệ Thủy, dù chưa có thống kê cụ thể con số các điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép nhưng cũng có hàng chục điểm thu mua trái phép hoạt động âm ỉ. Chưa kể, trên địa bàn huyện này có 4/5 nhà máy chế biến dăm gỗ hoạt động trái phép. Dù UBND huyện Lệ Thủy đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm. Tuy nhiên, các nhà máy dăm này vẫn ngang nhiên hoạt động với lượng lớn dăm gỗ nhưng địa phương chưa thực sự xử lý quyết liệt.
Điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép của hộ ông Nguyễn Thành Linh, UBND huyện Vĩnh Linh đã yêu cầu tạm dừng hoạt động điểm thu mua này vẫn ngang nhiên hoạt động. Ảnh: Minh Tân |
Chỉ riêng tại địa bàn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, qua kiểm tra của địa phương tại 5 điểm thu mua gỗ rừng trồng, thì cả 5 điểm đều chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như thiếu các thủ tục, quy định liên quan. UBND huyện đã yêu cầu tạm dừng hoạt động đến khi hoàn thiện hồ sơ đối với 3/5 điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép. Bất chấp chỉ đạo của các ngành chức năng, địa phương, các điểm thu mua trái phép này vẫn âm ỉ hoạt động gây bức xúc cho người dân trên địa bàn.
Liên quan đến tình trạng các trạm cân thu mua gỗ rừng trồng bất hợp pháp, 14/7/2023 UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương nhằm rà soát, xử lý tình trạng trên. Trong đó, yêu cầu UBND các địa phương rà soát, xử lý dứt điểm các trạm cân thu mua gỗ rừng trồng bất hợp pháp trên địa bàn trước ngày 30/8/2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những điểm thu mua gỗ rừng trồng vẫn ngang nhiên hoạt động nhưng không hề có động thái quyết liệt của địa phương cũng như các cơ quan chức năng.
thanhtra.com.vn