Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận của bà Phạm Thị Thanh Tùng tại hội thảo.
Triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của ngành, với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”. Qua 2 năm triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg và Chương trình hành động của ngành ngân hàng, đến nay ngành Ngân hàng đã đạt một số kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến: Từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã ban hành 85 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó, đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp như: (i) sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo hướng mở rộng mục đích vay vốn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân, tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động cho vay, thu hồi nợ; (ii) Ban hành Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; (iii) Ban hành Thông tư tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động; (iv) Hoàn thiện cơ chế hỗ trợ các đối tượng chính sách tiếp cận vốn, gia hạn chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo; nâng mức cho vay; (v) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Đồng thời, NHNN đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai nhiều chính sách quan trọng tạo điều kiện cho chuyển đổi số ngành ngân hàng, thúc đẩy áp dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng (eKYC, Mobile Money, Fintech, thanh toán không dùng tiền mặt).
Thứ hai, thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Riêng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, cụ thể khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; chương trình cho vay thẻ thấu chi tại thị trường nông thôn (sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ); đến cuối tháng 10/2021 đã cho hơn 609 nghìn lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt trên 45,4 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt 1.956 tỷ đồng.
Thứ ba, phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân: Từ năm 2019, NHNN đã cấp phép thành lập mới 29 chi nhánh, văn phòng đại diện cho các TCTD. Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 TCTD và gần 1.200 Quỹ Tín dụng nhân dân; đã có 22 công ty tài chính (CTTC) được cấp phép hoạt động với 13 chi nhánh, 43 văn phòng đại diện và hơn 50 nghìn điểm giới thiệu dịch vụ tại tất cả các tỉnh, thành phố; có 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với khoảng 115 chi nhánh, phòng giao dịch tại nhiều tỉnh, thành phố.
Thứ tư, tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; giải đáp nhiều kiến nghị; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh “tín dụng đen”; đồng thời NHNN đã phối hợp thực hiện chuỗi chương trình “Tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”, “Tay hòm chìa khóa”, “Tư vấn tài chính”, cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” giúp người dân có đầy đủ kiến thức cần thiết, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng chính thức.
Góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”, phát triển tín dụng khu vực nông thôn
Đối với khu vực nông thôn nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều chính sách, chương trình, giải pháp tín dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân khu vực này như:
(i) Trình Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP với các chính sách khuyến khích về mức cho vay không có tài sản bảo đảm, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị, cơ chế xử lý rủi ro (cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ);
(ii) đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đặc thù và cho vay để phát triển bền vững nông nghiệp, các mặt hàng nông sản chủ lực như cho vay đóng tàu phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ, cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay tái canh cà phê, hỗ trợ sản xuất, thu mua chế biến lúa gạo, cho vay thủy sản, rau quả,...;
(iii) có chính sách trần lãi suất ngắn hạn bằng VND áp dụng đối với lĩnh vực NNNT thấp hơn lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường (hiện nay là 4,5%/năm);
(iv) NHCSXH triển khai có hiệu quả trên 20 chương trình tín dụng chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa;
(v) Ngành ngân hàng cũng triển khai tích cực nhiệm vụ được giao tại Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn tín dụng ngân hàng góp phần không nhỏ giúp hoàn thành chương trình trước thời hạn, là tiền đề để xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Với những nỗ lực trên, tính đến ngày 19/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng tốt, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25,11% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 10,21% so với cuối năm 2020 và tăng 34,5% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg (trong đó dư nợ cho vay trên địa bàn nông thôn đạt 1,92 triệu tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng dư nợ nông nghiệp nông thôn). Đặc biệt, các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay với dư nợ chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Đến cuối tháng 10/2021, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt trên 243 nghìn tỷ đồng, tăng 7,51% so với cuối năm 2020, tăng 25,2% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ, trong đó: (i) dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm chiếm 73,6%; (ii) dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt chiếm 26,4%.
Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến thu nhập của người lao động thời vụ, công nhân, người kinh doanh nhỏ,... dẫn tới tình hình tội phạm "tín dụng đen" có chiều hướng diễn biến phức tạp, NHNN và toàn ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần khôi phục sản xuất. Cụ thể:
NHNN đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thường xuyên chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay. Đến nay, mặt bằng lãi suất vay giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch.
Xây dựng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ: NHNN đã ban hành Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề; giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn; khuyến khích TCTD cho vay mới để khách hàng duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tính đến ngày 22/11/2021, các TCTD đã: (i) cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với giá trị nợ lũy kế từ ngày 23/1/2020 khoảng 580.000 tỷ đồng; (ii) miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ gần 3,81 triệu tỷ đồng; lũy kế từ ngày 23/1/2020 tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 32.600 tỷ đồng; (iii) cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt trên 7 triệu tỷ đồng. Riêng NHCSXH, đã thực hiện gia hạn nợ với dư nợ 6.305 tỷ đồng, cho vay mới đối với khách hàng với số tiền 135.198 tỷ đồng.
Thực hiện tái cấp vốn đối với NHCSXH để cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh đối với người lao động theo các Nghị quyết của Chính phủ. Đến nay, NHCSXH đã giải ngân trên 63 tỉnh, thành phố với số tiền 980 tỷ đồng đối với 1.765 khách hàng để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho 268.860 lượt người lao động. Đồng thời, NHCSXH đã đồng loạt giảm 10% lãi suất cho vay các TCTD đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân.
Với các giải pháp tích cực nêu trên, hệ thống ngân hàng với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch phủ rộng đến các thôn bản, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”, phát triển tín dụng khu vực nông thôn.
Nguyên nhân tội phạm tín dụng đen vẫn còn cơ hội phát triển
Tuy nhiên, qua trao đổi chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, mặc dù ngành ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhưng quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, tội phạm “tín dụng đen” vẫn có cơ hội để phát triển do:
Về phía khách hàng: (i) Thiếu năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh, các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ; quá trình thẩm định cấp tín dụng khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không cao. Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát như thời gian qua thì việc thẩm định cho vay lại càng khó khăn hơn do khách hàng khó chứng minh khả năng trả nợ; (ii) Thông tin do khách hàng cung cấp còn thiếu minh bạch, trong khi chế tài về trách nhiệm cung cấp thông tin của khách hàng chưa đầy đủ, việc thu thập thông tin về thu nhập của khách hàng từ các cơ quan quản lý Nhà nước về thuế, bảo hiểm xã hội,.. còn khó khăn; Khách hàng có nhiều loại giấy tờ cá nhân, hiệu lực không đồng nhất nhưng hiện chưa có cơ sở dữ liệu chuẩn về dân cư, định danh khách hàng và chưa có sự liên thông với hệ thống ngân hàng; (iii) Một số khách hàng vẫn tìm đến “tín dụng đen” do thói quen tiêu dùng hoặc phục vụ nhu cầu không hợp pháp (cờ bạc, lô đề, ma túy,…).
Về phía các TCTD: (i) Phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn và an toàn hệ thống, thủ tục cho vay, xử lý nợ, rủi ro không giống các tổ chức cung ứng “tín dụng đen”; (ii) Chi phí huy động vốn của các CTTC cao hơn hẳn so với các NHTM nên lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn nhiều lãi suất cho vay của các NHTM và lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh; (iii) Tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng tiêu dùng và chất lượng nợ của các CTTC tiêu dùng; (iv) Hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do NHNN cấp phép, hoạt động “tín dụng đen” gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng.
Tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị 12/CT-TTg
Để góp phần cùng các cấp, các ngành đấu tranh, ngăn ngừa, hạn chế “tín dụng đen”, thời gian tới, toàn ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp theo kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Chỉ thị 12, trong đó tập trung:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; hoàn thiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, chỉ đạo TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân của người dân, doanh nghiệp đặc biệt khi đại dịch COVID-19 được đẩy lùi, nền kinh tế trong nước phục hồi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phù hợp.
Thứ ba, tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo các CTTC tiêu dùng có chính sách lãi suất phù hợp, công khai minh bạch lãi suất cho vay, thực hiện các biện pháp thu hồi nợ bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Thứ năm, tăng cường công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng đến người dân một cách hiệu quả nhất.
Trên thực tế, ngành ngân hàng đã rất tích cực, nỗ lực trong việc cung ứng vốn vay, đẩy mạnh kênh cung ứng tín dụng chính thức. Tuy nhiên, để đẩy lùi tín dụng đen, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, lĩnh vực của Bộ Công An, đây là cơ sở để TCTD có đầy đủ thông tin, rút ngắn được quy trình thẩm định, giải ngân cho vay; sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông để truyền tải thông tin cơ chế chính sách, chương trình, sản phẩm, tín dụng ngân hàng tới người dân để người dân biết và hiểu được lợi ích của các kênh tiếp cận vốn chính thức, cũng như giúp họ thấy được hậu quả của “tín dụng đen”.
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ