Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2023 diễn ra từ ngày 20-29/4 (mùng 1 - 10 tháng 3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị xã trong tỉnh Phú Thọ.
Theo đó, phần lễ gồm: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 25/4/2023 (tức ngày 06/3 năm Quý Mão); Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong” ngày 29/4/2023 (tức ngày 10/3 năm Quý Mão); Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thành, thị, các địa phương, các tổ chức và cộng đồng từ ngày 20/4 - 29/4/2023 (tức từ ngày 1/3 - 10/3 năm Quý Mão).
Phần hội gồm chuỗi các hoạt động văn hoá, du lịch, thể thao: Khai mạc “Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023” và “Tuần lễ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh” tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì; Hội thảo quốc tế “Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam” tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2023 diễn ra từ ngày 20-29/4 |
Tại Thủ đô Hà Nội, từ ngày 29/4 đến ngày 3/5, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn “Ngày hội non sông thống nhất” với chuỗi các hoạt động đặc sắc có sự tham gia của khoảng 100 đồng bào thuộc 16 dân tộc thường xuyên sinh hoạt tại Làng. Ngoài ra còn có 20 đồng bào dân tộc Thái (tỉnh Sơn La); 40 đồng bào của 3 dân tộc Mông, Nùng, Tày (tỉnh Lào Cai); 40 đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng (tỉnh Thái Nguyên) được huy động để tham gia các hoạt động tái hiện lễ hội.
Cũng nhân kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 và dịp kỷ niệm 30/4-1/5, tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn (huyện Hoài Đức, Hà Nội) khởi động chuỗi sự kiện Lễ hội Aloha Summer đồng thời ra mắt hai tổ hợp vui chơi giải trí mới là Nông trại vui vẻ Happy Farm và Công viên nước Castaway Lagoon. Lễ hội Aloha Summer sẽ diễn ra từ ngày 29/4 đến 3/5/2023, đưa du khách đến với Thiên đường văn hóa Polynesia thu nhỏ và hòa cùng bầu không khí vui tươi ngập trong âm nhạc của những thổ dân phía Nam Thái Bình Dương.
Năm nay, lần đầu tiên Lễ hội Văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam được tổ chức từ ngày 28-29/4 gồm một chuỗi chương trình khoa học, thể thao, văn hóa tại TP. Hải Phòng. Còn tại Quảng Ninh, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Lễ hội Carnaval Hạ Long 2023 được tổ chức tại đường Võ Nguyên Giáp (phường Bãi Cháy) với nhiều nét mới, hứa hẹn là điểm đến sôi động, rực rỡ sắc màu…
Ngoài ra, các địa phương tại Quảng Ninh đã đưa vào khai thác những sản phẩm mới độc đáo như Tuần lễ mùa Cam Vân Đồn, 2 tuyến đường đi bộ tại xã Minh Châu, Quan Lạn (huyện Vân Đồn); cắm trại trên bãi Ba Châu, trên đảo Thanh Lân và tham quan các đảo gần bờ (huyện đảo Cô Tô), trong đó lặn biển ngắm san hô tại xã đảo Thanh Lân lần đầu tiên được triển khai phục vụ người dân, du khách trong kỳ nghỉ lễ.
Lễ hội Carnaval Hạ Long 2023 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn |
Chương trình “Mùa du lịch biển Đà Nẵng 2023" sẽ diễn ra từ ngày 28/4 đến 3/5 tại Công viên Biển Đông, Bán đảo Sơn Trà, các bãi biển Mỹ An, Mỹ Khê, T18, Nguyễn Tất Thành. Còn tại Quảng Trị, Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam năm 2023 cấp quốc gia với chủ để “Hồn dân tộc -Vị quê hương" sẽ diễn ra từ ngày 28-30/4 gồm các hoạt động như: lễ Thượng cờ và phát động Cuộc thi sáng tác biểu tượng “Ước nguyện hòa bình” Quảng Trị, Giải đua thuyền truyền thống “Thống nhất non sông” tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải (ngày 30/4).
Dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 cũng là thời điểm Sa Pa, Lào Cai khai mạc Lễ hội mùa hè Sa Pa vào ngày 29/4 tại trung tâm thị trấn với các hoạt động văn hóa, thể thao vô cùng hấp dẫn. Lễ hội Du lịch mùa hè của Sapa có các hoạt động như: Lễ hội trên mây (30/4 - 3/5) tại khu du lịch Hàm Rồng với các tiết mục biểu diễn đặc sắc như: Chương trình văn nghệ, Thi đấu các môn thể thao dân tộc truyền thống, Trình diễn văn hóa ẩm, trưng bày ảnh “Sa Pa giữa trời mây trắng”, chinh phục đỉnh núi Hàm Rồng; Tổ chức Festival Hoa Tây Bắc.
Lễ hội mùa hè Sa Pa diễn ra vào ngày 29/4 |
Tỉnh Quảng Bình cũng tổ chức chào hè với Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới diễn ra từ ngày 25/4- 1/5. Lễ hội chào mừng bao gồm các chương trình hấp dẫn sau: Diễu hành đường phố và Chèo cạn Múa bông, Lễ hội ẩm thực đường phố, tổ chức các trò chơi dân gian như: Giải kéo co, Lễ hội Cướp cù, Liên hoan các Câu lạc bộ, đội, nhóm nhảy, Giải đua thuyền truyền thống.
Năm nay là năm thứ 7 diễn ra Festival nghề truyền thống Huế với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” diễn ra từ 28/4 – 2/5 gồm các hoạt động vô cùng hấp dẫn khách du lịch nước ngoài và trong nước đến khám phá. Đây là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn, nhằm tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành nghề thủ công truyền thống.
Lễ hội Xoài tổ chức tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) với chuỗi hoạt động triển lãm, trưng bày xoài và các sản phẩm làm từ xoài, hội thảo, famtrip, hội thi ẩm thực, từ 28/4 đến 1/5. Ngoài ra 14 vườn xoài cũng sẵn sàng đón khách đến tham quan, trải nghiệm tại huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh - hai vùng đất chuyên canh xoài lớn nhất tỉnh. Xoài Đồng Tháp nổi tiếng với hai giống: xoài cát chu và xoài cát Hoà Lộc vị ngọt từ dịu đến đậm đà, mùi thơm.
Tại Cao Lãnh sẽ diễn ra Lễ hội Xoài |
Tại Cần Thơ, Lễ hội Khinh khí cầu diễn ra từ 30/4 đến 3/5 với 30 khinh khí cầu sẽ bay trên bầu trời; đêm hoa đăng khinh khí cầu tại sân vận động Cần Thơ, phố đi bộ Bến Ninh Kiều, đường Sông Hậu. Du khách cũng có thể bay trải nghiệm với khinh khí cầu thổi phồng, từ 4 đến 6 phút.
Lễ hội dự kiến có khinh khí cầu bay đi với độ cao trung bình 50 m-300 m về các khu vực phía Nam của thành phố Cần Thơ. Dịp lễ này, Cần Thơ cũng tổ chức Lễ hội Bánh dân gian tại Quảng trường quận Bình Thuỷ với khoảng 100 loại.
Bảo Thoa