Các ngân hàng cho vay hơn 468 nghìn tỷ đồng nửa đầu năm 2021

23/06/2021 - 00:08
(Bankviet.com) Tính theo số tuyệt đối, mức tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 6 kể trên tương đương việc các ngân hàng đã bơm ròng hơn 468.800 tỷ đồng ra nền kinh tế qua kênh cho vay...

Theo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến giữa tháng 6 đã đạt 5,1%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng cùng kỳ năm 2020 là 2,26%.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục dồi dào và ổn định, tỷ lệ dự trữ bắt buộc Ngân hàng Nhà nước áp dụng tại các ngân hàng thương mại cũng có dôi dư, cho thấy thanh khoản của toàn nền kinh tế, các ngân hàng vẫn rất ổn định.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng chú trọng tăng trưởng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo báo cáo, đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 5,1% so với cuối năm 2020. Nếu so với mức tăng cùng kỳ năm 2020 là 2,26%, mức tăng nửa đầu năm nay đã cao hơn gấp đôi, bất chấp tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp. Nếu tính theo số tuyệt đối, mức tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 6 kể trên tương đương việc các ngân hàng đã bơm ròng hơn 468.800 tỷ đồng ra nền kinh tế qua kênh cho vay.

“Với mức tăng trưởng nửa năm như vậy, con số tăng trưởng tín dụng kế hoạch 12% cho năm nay có thể đạt được. Nếu dịch được khống chế tốt thì có thể mở rộng tín dụng”, ông Tú khẳng định.

Để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay… cho khách hàng. Nhiều doanh nghiệp được cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tính đến ngày 31/5, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 257.600 khách hàng với dư nợ hơn 1,277 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn cho vay mới với lãi suất thấp hơn đầu năm 2020 là hơn 3,5 triệu tỷ đồng cho 480.893 khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu để hỗ trợ người lao động do doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất.

Thời gian tới, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.

"Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ", đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.

PV

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán