Các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua tích trữ, giá vàng thế giới sẽ biến động ra sao?

05/04/2024 - 02:44
(Bankviet.com) Do lãi suất tăng và các cấm vận kinh tế, các ngân hàng trung ương đang đẩy mạnh mua và tích trữ vàng. Điều này có thể đẩy giá vàng lên cao trong thời gian tới.
Giá vàng tăng mạnh trong quý 1/2024, chuyên gia lý giải nguyên nhân Lạm phát tại Mỹ tác động đến giá vàng như thế nào? Giá vàng thế giới chạm mốc 2.300 USD/ounce, trong nước vàng nhẫn 999.9 bán ra 72,32 triệu đồng/lượng

Tính từ đầu năm nay giá vàng thế giới đã tăng khoảng 11%, thậm chí đã đạt mức kỷ lục 2n294,99 USD/ounce vào đầu giờ sáng ngày thứ 3, 03/4/2024 (giờ Mỹ). Theo trang Reuters, giá vàng đã được thúc đẩy bởi xu hướng đầu tư vàng trong thời điểm kinh tế khó khăn, cũng như bởi sức mua mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương.

Nhu cầu của các ngân hàng trung ương đang thúc đẩy giá vàng thế giới như thế nào?
Người dân mua vàng tại Thượng Hải, Trung Quốc. Nguồn ảnh: Qilai Shen, Bloomberg.

Thực tế, theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương toàn cầu đã mua ròng 19 tấn vàng trong tháng 2, tháng tăng trưởng thứ 9 liên tiếp. Nhận xét về giá vàng, nhà phân tích cấp cao tại WGC - ông Krishan Gopaul, nói: “Bất chấp nhu cầu từ các ngân hàng trung ương chậm lại trong tháng 2, giá vàng năm nay đã có một khởi đầu thuận lợi và xu hướng mua vàng vẫn tiếp tục trong thời gian tới.”

Trên thực tế, vàng không còn có ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị tiền tệ từ sau thế kỷ 20. Tuy vậy, kể từ cuộc khủng khoảng tài chính năm 2008, vàng lại đang dần lấy lại vị thế quan trọng trong hệ thống tiền tệ toàn cầu, khi các ngân hàng trung ương ngày càng tăng dự trữ vàng. Theo giáo sư Meghnad Desai, Đại học Kinh tế London (Anh), tuy việc vàng lại “lên ngôi” là một thay đổi đáng kể, nhưng thực chất là kết quả từ nhiều chính sách kinh tế khác nhau.

Tại sao mua vàng lại trở thành xu thế của các ngân hàng trung ương?

Đối với một số ngân hàng trung ương, sức mua vàng tăng có thể do tác động từ hành động tăng lãi suất và nhu cầu cân đối ngân sách. Khi lãi suất tăng lên, các ngân hàng trung ương buộc phải trả lãi suất dự trữ ngân hàng cao hơn mức họ kiếm được từ các khoản thanh toán lãi suất, tạo ra một số khoản lỗ trong cân đối ngân sách. Lạm phát và lãi suất cao hơn cũng làm giảm giá trị thị trường của trái phiếu chính phủ do các ngân hàng trung ương nắm giữ, tạo ra khó khăn trong việc cân đối ngân sách.

Vì vậy, theo một số nhà kinh tế, việc dự trữ vàng có thể giúp khắc phục một số khoản lỗ trong cân đối ngân sách của các ngân hàng trung ương. Theo ông Willem Middelkoop - người sáng lập Quỹ Khám phá Hàng hóa Hà Lan, đây là một lựa chọn hợp lý hơn, so với việc yêu cầu chính phủ tái cấp vốn. Chia sẻ với Diễn đàn các định chế tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF), ông cũng đưa ra ví dụ về việc lượng vàng dự trữ của Ngân hàng Liên Bang Đức đã tạo nền tảng vững chắc cho việc cân đối ngân sách của nước này.

Ngoài ra, dự trữ vàng cũng là cách một số ngân hàng trung ương chống lại sức ép từ các đợt cấm vận và trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây. Theo WGC, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang là ngân hàng mua vàng lớn nhất trên toàn cầu, với hơn 225 tấn vàng được mua vào năm 2023. Ngược lại, đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm 7% vào năm 2023, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết. Năm 2014, sau sự kiện Nga sát nhập bán đảo Crimea, Nga cũng đã bán hết trái phiếu Kho bạc Mỹ sau khi Mỹ áp đặt trừng phạt lên nước này.

Nhu cầu của các ngân hàng trung ương đang thúc đẩy giá vàng thế giới như thế nào?
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh: Bloomberg

Các ngân hàng trung ương có ảnh hưởng gì đến giá vàng?

Theo thông tin từ công ty đầu tư vàng American Bullion (Mỹ), các ngân hàng trung ương có thể điều chỉnh giá vàng bằng 4 cách khác nhau.
Đầu tiên, các ngân hàng có thể tạo ra thay đổi về cung và cầu bằng cách tham gia thị trường với tư cách là người mua hoặc người bán.
Thứ hai, các ngân hàng trung ương có thể cho thuê vàng hoặc bán vàng cho các ngân hàng tư nhân, qua đó có thể đẩy giá vàng xuống.
Thứ ba, việc các ngân hàng tham gia vào các các hợp đồng kỳ hạn cũng có thể có tác động đến giá vàng. Cuối cùng, các ngân hàng trung ương có thể đưa ra những tuyên bố và dự báo, qua đó ảnh hưởng đến tâm lý thị trường vàng.

Ngoài ra, các nhà phân tích kỳ vọng lãi suất ngân hàng trung ương phục hồi sẽ tác động đến giá vàng trong năm tới - mặc dù đây không phải là yếu tố duy nhất. Ông Russ Mold, giám đốc đầu tư tại công ty môi giới chừng khoán AJ Bell (Anh), cho rằng việc cắt giảm lãi suất dự kiến trong năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ làm việc mua sắm và tích trữ vàng trở nên hấp dẫn hơn. Việc cắt giảm lãi suất cũng có thể làm giám giá trị đồng đô la Mỹ - đơn vị định giá vàng, làm vàng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương toàn cầu. Tuy nhiên, ông cho rằng vấn đề nợ công dai dẳng đang là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến đợt tăng giá vàng gần đây.

Trong thời gian tới, các nhà phân tích tại công ty quản lý tài sản Incrementum AG (Lichenstein) đang kỳ vọng nhu cầu của ngân hàng trung ương sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy thị trường vàng toàn cầu. Họ cũng dự báo rằng rằng lượng dự trữ vàn của các ngân hàng có thể tăng gấp đôi trong thập kỷ tiếp theo. Chia sẻ với tạp chí Investors Chronicle, đại diện Incrementum AG phát biểu: “Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế không quá ấn tượng, nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn sẽ mạnh mẽ và bền bỉ”.

Các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua tích trữ, giá vàng thế giới sẽ biến động như thế nào?
Giá vàng thế giới ghi nhận vào thời điểm 17h34, ngày 04/4/2024

Ghi nhận tại thời điểm 17h34 ngày hôm nay (4/4/2024), giá vàng thế giới đang ở mức 2292,99 USD/ounce, giảm 6,62 USD so với phiên mở cửa trước. Trên sàn Comex, giá vàng tương lai đang ở mức 2.312 USD/ounce, giảm 3 USD so với cùng kỳ.

Nhu cầu của các ngân hàng trung ương đang thúc đẩy giá vàng thế giới như thế nào?
Giá vàng niêm yết của công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn, ghi nhận vào 16h ngày 04/4/2024

Cũng ghi nhận vào lúc 17h34 ngày 04/4/2024, giá vàng 9999 của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn giảm thêm 300 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra. Cụ thể, giá vàng chiều mua đang ở mức 79,3 triệu đồng/lượng, giá vàng chiều bán đang ở mức 81,3 triệu đồng/lượng.

Như vậy, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng quốc tế tiếp tục giảm nhẹ, dù vẫn còn ở mức cao. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 (ngày 3/4) và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính thêm một lần nữa yêu cầu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế.

Một trong các giải pháp đang được cân nhắc là thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Nếu điều này xảy ra, giá vàng SJC trong nước có thể giảm xuống thấp, tiệm cận mức giá với vàng thế giới, do vậy, nhà đầu tư và người dân nên thận trọng giao dịch vàng miếng ở thời điểm này.

Phú Quý

Theo: Báo Công Thương