Các ngân hàng “xanh” hay “nâu” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

05/06/2021 - 23:12
(Bankviet.com) Các số liệu cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2020, 60 ngân hàng lớn nhất thế giới từ châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ tiếp tục đầu tư gần 3,8 nghìn tỷ đô la vào các dự án nhiên liệu hóa thạch. Hầu hết các quốc gia đang bỏ lỡ các mục tiêu của Thỏa thuận Paris trong một thời gian dài.

Bất chấp những nỗ lực của các nhà lãnh đạo thế giới bằng việc ký kết Thỏa thuận Paris vào năm 2015, các ngân hàng lớn trên toàn cầu vẫn tiếp tục tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch. Theo báo cáo Ngân hàng với hỗn loạn khí hậu năm 2021, tổng cộng 3,8 nghìn tỷ đô la đã được đổ vào các dự án phát thải carbon từ năm 2016 đến năm 2020. Báo cáo cũng cho thấy, mặc dù 2020 là một năm thảm họa đối với ngành nhiên liệu hóa thạch toàn cầu, nhưng nguồn tài chính của các ngân hàng cho ngành này trong năm ngoái vẫn cao hơn so với năm 2016. Các tổ chức cho vay  đã đầu tư vào các ngành gây ô nhiễm như than, hắc ín và dầu.

Patrick McCully, chuyên gia phân tích năng lượng tại Reclaim Finance, một trong những tổ chức phi chính phủ tham gia xuất bản báo cáo, cho biết: “Các ngân hàng vẫn chưa chuẩn bị nghiêm túc về việc đặt ra ranh giới đỏ rõ ràng cho các khách hàng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và cũng chưa sẵn sàng từ bỏ những khách hàng này nếu họ không "không đáp ứng các tiêu chí chuyển đổi nghiêm ngặt". Ông nói và nhấn mạnh sự cần có các quy định chặt chẽ hơn của chính phủ, 

Noel Quinn, Chủ nhiệm nhóm đặc nhiệm sáng kiến ​​thị trường bền vững khu vực tài chính và Giám đốc điều hành nhóm của HSBC, trong một tuyên bố báo chí cho biết: “Chúng ta phải thiết lập một khuôn khổ minh bạch và mạnh mẽ để giám sát tiến độ so với mục tiêu”.

Các ngân hàng vẫn tài trợ cho các dự án gây ô nhiễm

Điều 2.1c của Thỏa thuận Paris đề cập đến sự liên kết của các dòng tài chính công và tư cần thiết để ứng phó thành công vấn đề biến đổi khí hậu. Một trong những mục tiêu cốt lõi là làm cho các dòng tài chính phù hợp với các mục tiêu về phát thải khí nhà kính thấp và tăng cường khả năng thích ứng với khí hậu. Điều này có thể mở rộng các nguồn lực tài chính để tăng cường phản ứng toàn cầu đối với mối đe dọa hiện hữu của sự nóng lên toàn cầu. Nhưng những phát hiện từ báo cáo này cho thấy các ngân hàng vẫn chưa điều chỉnh mục tiêu phát thải carbon của họ để có thể giúp tiến gần hơn đến một tương lai xanh.

Để mang lại những nỗ lực chung và phối hợp các cam kết giữa các tổ chức tài chính, Liên minh tài chính Glasgow vì mạng lưới 0 (GFANZ) đã được thành lập trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu vào tháng 4 năm nay. Liên minh do Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Hành động Khí hậu và Tài chính, Mark Carney làm Chủ tịch. Trước thềm Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc, được gọi là COP26, tổ chức vào tháng 11 năm nay, liên minh mới GFANZ đặt mục tiêu tập hợp các sáng kiến hiện có và các sáng kiến mới để thảo luận một diễn đàn chiến lược thống nhất nhằm đẩy nhanh mục tiêu hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050.

43 ngân hàng bao gồm Lloyds Banking Group, NatWest, Barclays, Citi, Morgan Stanley, HSBC và Santander từ 23 quốc gia khác nhau đã tham gia GFANZ. Tổng cộng, có 160 ngân hàng lớn nhất thế giới, nhà quản lý tài sản và định chế tài chính lớn  quản lý khối tài sản trên 70 nghìn tỷ đô la. Carney gọi GFANZ là “tiêu chuẩn vàng cho các cam kết bằng  trong lĩnh vực tài chính”. Ông nói thêm, “GFANZ sẽ đảm bảo hệ thống tài chính hoạt động cùng nhau để mở rộng, phát triển sâu hơn và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0”.

GFANZ có kế hoạch tăng cường các nỗ lực chống biến đổi khí hậu hiện có và tạo thêm động lực cũng như hỗ trợ giữa các bên trong khu vực tài chính để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Kế hoạch nhằm mục đích cung cấp phối hợp kỹ thuật và chiến lược về các cách thức các công ty có thể thực hiện các bước để phù hợp với một tương lai phát thải ròng bằng 0. Các thành viên của GFANZ dự kiến ​​sẽ phối hợp các nỗ lực hướng tới quá trình khử cacbon nhanh hơn của nền kinh tế bằng cách sử dụng các mục tiêu dựa trên khoa học, đặt ra các mục tiêu giữa năm 2030 và cam kết báo cáo và giải trình minh bạch.

Các nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới cũng đã thành lập một nhóm có tên là sáng kiến ​​các nhà quản lý tài sản net zero vào tháng 12/2020 để hỗ trợ biến đổi khí hậu bằng cách thiết lập các mục tiêu phát thải carbon. Sáng kiến ​​này đã phát triển về số lượng và tài sản với 87 chữ ký và 37 nghìn tỷ đô la tổng tài sản. Ngay cả khi các mục tiêu này theo các sáng kiến ​​khác nhau phù hợp với các cam kết của Thỏa thuận Paris, chúng vẫn thiếu quy hoạch và các quy định chặt chẽ hơn. Những mục tiêu này chỉ đưa ra mục tiêu cuối cùng nhưng thiếu một lộ trình rõ ràng để đạt được mục tiêu đó. Khu vực tài chính được khuyến khích công bố công khai các mục tiêu của riêng mình đối với Thỏa thuận Paris, tuy nhiên điều đó không bắt buộc và cũng không bị phạt khi vi phạm pháp luật. Các chính phủ là trung tâm của việc thực thi các quy định hỗ trợ các sáng kiến ​​xanh và định hướng khu vực tài chính hướng tới một nền kinh tế hậu carbon. Đây không phải là tập trung quyền lực mà là thể hiện chức năng lập kế hoạch của chính phủ và điều phối chiến lược toàn quốc hướng dẫn các bên cho vay chuyển sang đầu tư các hoạt động và dự án carbon thấp.

Các nước tụt hậu so với các cam kết trong Hiệp định Paris

Ngày 12/12/2015, 196 quốc gia đã ký Thỏa thuận khí hậu Paris lịch sử với cam kết sẽ hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 2, tốt nhất là 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. 6 năm sau, COP26 được tổ chức, tuy bị chậm so với kế hoạch do đại dịch COVID-19. Các bên ký kết dự kiến ​​sẽ trình bày và bàn thảo về những nỗ lực của mình nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thường được gọi là những đóng góp do quốc gia quyết định (NDC).

Năm 2017, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris mặc dù là quốc gia phát thải carbon lớn thứ hai thế giới. Ông Joe Biden sau khi được bầu làm Tổng thống vào đầu năm nay đã khôi phục cam kết của Mỹ đối với thỏa thuận và đưa ra một số mệnh lệnh hành pháp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Gần đây, Nhà Trắng dưới chính quyền của Tổng thống Biden đã triệu tập Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trực tuyến với sự tham dự của 40 nhà lãnh đạo toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh nhằm mục đích làm mới cam kết của Mỹ về các vấn đề biến đổi khí hậu, cho thấy rằng Mỹ đang nỗ lực thể hiện vị thế “cầm cương” cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu và đồng thời thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ các nhà lãnh đạo thế giới khác về vấn đề toàn cầu này.

Cam kết từ các quốc gia khác có thể kể đến như: Tổng thống Jair Bolsonaro cam kết chấm dứt nạn phá rừng bất hợp pháp ở Brazil vào năm 2030 và hướng tới việc đạt được trung tính carbon vào năm 2050; Thủ tướng Justin Trudeau cam kết Canada sẽ cắt giảm lượng khí thải từ 40% đến 45% vào năm 2030 so với mức năm 2005, một bước nhảy vọt so với cam kết trước đó là 30%; Tổng thống Moon Jae In cho biết Hàn Quốc sẽ ngừng cấp vốn công cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài và sớm có kế hoạch đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn đối với việc giảm phát thải.

Trung Quốc đã tham gia Hiệp định Paris vào năm 2016 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 cùng với Mỹ. Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra một tuyên bố đáng ngạc nhiên rằng Trung Quốc sẽ đạt được trạng thái trung hòa carbon trước năm 2060 và sẽ cắt giảm hơn 65% lượng khí thải CO2 trên một đơn vị GDP vào năm 2030.

Mỹ đứng thứ hai sau Trung Quốc về lượng phát thải khí nhà kính (GHG). Lượng khí thải carbon của công dân Mỹ gấp khoảng ba lần mức trung bình toàn cầu. Ở Mỹ, biến đổi khí hậu là một vấn đề gây chia rẽ giữa các chính trị gia. Cho đến nay, Mỹ thiếu một chính sách khí hậu mạnh mẽ ở tầm liên bang. Các thành viên của Đảng Cộng hòa đã ngăn chặn các nỗ lực và hành động của chính phủ Đảng Dân chủ nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Sau khi đắc cử cương vị Tổng thống,  ông Biden đã lật ngược quyết định năm 2019 của chính quyền Trump về việc rút khỏi Thỏa thuận Paris. Ông Biden thậm chí còn tuyên bố rằng Mỹ sẽ đạt được mức giảm 50 -52% so với mức phát thải khí nhà kính năm 2005 vào năm 2030.

Đánh giá mang tính định hướng song lộ trình còn mờ nhạt

Các nhà lãnh đạo thế giới, các tổ chức tài chính, ngân hàng và các bên liên quan khác liên tục đưa ra những đánh giá quan trọng về biến đổi khí hậu và các mối đe dọa hiện hữu trong tương lai. Điều này dẫn đến việc hình thành một số hiệp hội về biến đổi khí hậu như Climate Action 100+, Net Zero Asset Managers Initiative. “Net zero” là một từ mới nhưng mục tiêu này là vô nghĩa nếu các ngân hàng không có lộ trình rõ ràng và tiếp tục nấp dưới lớp vỏ của các khoản tín dụng carbon. 

Tuy không trực tiếp đóng góp vào việc phát thải khí nhà kính, song việc tài trợ cho các dự án và công ty tiếp tục sản sinh phát thải khí nhà kính có vai trò gián tiếp. Do đó, các ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng vì họ - những nhà tài chính -  thúc đẩy các ngành công nghiệp độc hại như than, dầu và khí đốt, do đó làm chậm một cách có ý thức quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng sang tăng trưởng kinh tế dựa trên năng lượng tái tạo.

Chúng ta đang sớm tiến đến điểm không thể quay lại. Nếu vẫn tiếp tục, sẽ không chỉ là khó khăn mà còn tốn kém về tài chính để ngăn chặn tác động thảm khốc trên diện rộng của biến đổi khí hậu. Hàng tỷ đô la sẽ được chi ra để đảo ngược thiệt hại và xây dựng lại hệ sinh thái, cùng với muôn vàn đau khổ của con người.

(Nguồn: TAB)

Hải Yến

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ 

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ