Doanh nghiệp sản xuất đường: Khó khăn chồng chất Sản xuất đường trong nước thiếu hụt lớn so với nhu cầu |
Theo đó, những người trồng mía đã đề nghị một cuộc họp với Bộ Thương mại Thái Lan về động thái này, và xảy ra khả năng buôn lậu sang các nước khác để bán với giá cao hơn. Mới đây, Nội các Thái Lan đã thông qua quy định về giá đường để giảm bớt chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng, sau thông báo của Hội đồng Mía và Đường rằng họ sẽ tăng giá đường xuất xưởng thêm 4 baht/kg, đã có hiệu lực từ ngày 28/10. Hội đồng cho rằng chi phí sản xuất của các nhà sản xuất cao hơn do giá mía tăng vì hạn hán.
Ảnh minh họa |
Thái Lan có thể bị kéo vào một cuộc tranh chấp khác với các nhà sản xuất và xuất khẩu đường lớn như Brazil, quốc gia trước đây đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các biện pháp của Chính phủ Thái Lan nhằm trợ cấp cho hoạt động trồng mía và sản xuất đường, khiến những người bán khác trên thị trường toàn cầu gặp bất lợi.
Năm 2018, Chính phủ Thái Lan cuối cùng đã nhượng bộ và đồng ý để giá đường do thị trường quyết định. Quyết định của nội các Thái Lan nhằm ngăn chặn việc tăng giá đường có thể bị các quốc gia khác coi là một nỗ lực nhằm can thiệp vào thị trường thông qua việc kiểm soát giá. Thái Lan có thể gặp phải tình trạng buôn bán đường trái phép nhiều hơn dọc biên giới do giá đường ở nước ngoài cao hơn.
Giá đường trên thị trường toàn cầu là 25-27 cent một pound, tăng mạnh so với mức 16-17 cent một pound trước đó.
Sự gia tăng này được cho là do tình trạng hạn hán trên toàn thế giới cũng như quyết định của Ấn Độ giảm xuất khẩu đường xuống 600.000 tấn trong năm nay. Tại Thái Lan, lượng đường tiêu thụ là 2,5-3 triệu tấn. Số lượng này thấp hơn hạn ngạch bán trong nước vì người Thái có xu hướng ăn ít đường hơn vì lý do sức khỏe và có sẵn nhiều loại đường thay thế.
Somporn Isvilanonda, học giả cấp cao tại Viện Mạng tri thức Thái Lan, không đồng tình với việc chính phủ điều tiết giá đường và kiểm soát xuất khẩu vì điều này sẽ khiến Thái Lan mất cơ hội bán hàng trên thị trường toàn cầu, tạo gánh nặng không công bằng cho người tiêu dùng. Học giả này cho rằng việc điều chỉnh giá đường khi chi phí sản xuất tăng lên như phân bón, nhân công và nhiên liệu có thể không công bằng đối với nông dân trồng mía. Mức tăng 4 baht được cho là quá cao và không công bằng, một nửa trong số đó được chuyển đến Quỹ Mía và Đường để khuyến khích nông dân cắt mía tươi mà không đốt, nhằm giảm vấn đề bụi siêu mịn PM2.5. Điều này được cho là không công bằng vì nó đẩy gánh nặng lên người tiêu dùng.
Các nhà phân tích đề xuất sử dụng khoản tăng hai baht cho R&D để tăng năng suất cho nông dân trồng mía, chẳng hạn như phát triển các giống mía hoặc hệ thống tưới nhỏ giọt để giảm chi phí sản xuất. Nếu chi phí sản xuất giảm trong khi năng suất trên mỗi rai tăng, nông dân trồng mía cuối cùng sẽ có thêm thu nhập.
Việc Chính phủ quy định giá đường trong nước và giám sát xuất khẩu vượt quá 1 tấn nhằm kiểm soát lạm phát và duy trì an ninh lương thực sẽ khiến Thái Lan bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu đường vào thời điểm giá đạt mức cao nhất trong 13 năm vì về điều kiện El Niño. Giá đường trên thị trường thế giới vượt quá giá trong nước. Căn cứ vào mức tiêu thụ đường trong nước, tỷ lệ tiêu thụ trong nước so với xuất khẩu nên là 25:75 đối với đường sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, do chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát bán lẻ nội địa, điều này có nghĩa là Thái Lan sẽ mất cơ hội xuất khẩu 75% sản lượng. Thị trường đường toàn cầu đang thiếu hụt do hạn hán, đặc biệt tại các nước nhập khẩu ròng như Indonesia, Philippines và Malaysia. Năm nay, Indonesia nhập khẩu tới 5 triệu tấn đường.
Giá xuất xưởng của đường cát là 19 baht/kg, trong khi giá đường toàn cầu được niêm yết ở mức 25 baht/kg, điều này có thể dẫn đến xuất khẩu bất hợp pháp. Trước đây trợ cấp xuất khẩu được thực hiện để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế, khiến giá bán lẻ trong nước tăng cao.
Tổng cục Nội thương Thái Lan khẳng định các biện pháp kiểm soát giá đường, giới hạn giá xuất xưởng và giá bán lẻ cũng như các yêu cầu xuất khẩu mới được coi là phù hợp hiện nay. Chính phủ đặt mục tiêu giảm chi phí sinh hoạt và đảm bảo người dân không phải chịu gánh nặng quá mức. Trước đây Bộ đã đề xuất khi điều chỉnh giá đường xuất xưởng, giá thị trường thế giới không phải là một yếu tố vì Thái Lan là nước xuất khẩu đường lớn. Có tới 7,5 triệu tấn được xuất khẩu hàng năm, trong khi chỉ có 2,5 triệu tấn được tiêu thụ trong nước. Vì vậy, việc tham khảo giá thị trường thế giới để tính giá xuất xưởng trong nước là không nên.
Ngoài ra, quyết định của Ủy ban Mía và Đường tăng giá đường xuất xưởng thêm 4 baht/kg, một nửa trong số đó là vì mục đích môi trường, gây gánh nặng cho người tiêu dùng, dẫn đến chi phí cao hơn cho họ. Cơ quan này cần tìm kiếm các phương tiện hỗ trợ tài chính khác từ chính phủ để giải quyết các vấn đề môi trường.
Bộ Thương mại Thái Lan gần đây đã đồng ý thành lập một ủy ban công tác do Yanyong Phuangrach, cựu thư ký thường trực thương mại và là cố vấn cho Bộ trưởng Thương mại Phumtham Wechayachai đứng đầu, để quản lý sự cân bằng giữa ngành mía đường và ngành đường. Ủy ban dự kiến sẽ đưa ra giải pháp phù hợp trong vòng một tháng, trước khi bắt đầu vụ thu hoạch mới. Bộ sẵn sàng thu hồi quyết định của Ủy ban Trung ương về Giá Hàng hóa và Dịch vụ tuyên bố đường là sản phẩm được kiểm soát nếu đạt được giải pháp thích hợp.
Duy Hưng (tổng hợp)