Hơn 13 triệu tài khoản đã hoàn thành xác thực sinh trắc học
Bắt đầu từ 1/7, theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, tất cả các ngân hàng, trung gian thanh toán sẽ phải áp dụng một chính sách chung đối với khách hàng cá nhân khi giao dịch trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng là phải kiểm tra dấu hiệu sinh trắc học (khuôn mặt) của người thực hiện giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc trong căn cước công dân gắn chip điện tử do Bộ Công an cấp. Điều này đồng nghĩa với việc giao dịch của khách hàng - nhất là các giao dịch lớn (từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày) đều được bảo vệ nghiêm ngặt hơn bởi đều phải do “chính chủ” tài khoản thực hiện.
Tuy nhiên, không phải tất cả các giao dịch trực tuyến đều thuộc diện bắt buộc phải xác thực bằng thông tin sinh trắc học. Cụ thể có thể kể đến như nhiều loại giao dịch cơ bản, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của đa số người dân như chuyển tiền trong nước, nạp ví điện tử có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở xuống, thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí… với tổng giá trị giao dịch trong ngày dưới 100 triệu đồng thì khách hàng vẫn thực hiện trên ứng dụng ngân hàng như trước thời điểm ngày 1/7.
Để đảm bảo tất cả khách hàng đều cập nhật được khuôn mặt trước ngày 1/7, thời gian qua các ngân hàng chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng công nghệ hiện đại, sẵn sàng kết nối hệ thống; đồng thời liên tục truyền thông, hướng dẫn kèm các minh họa cụ thể để khách hàng có thể tự thao tác và thực hiện cài đặt sinh trắc học để đáp ứng quy định mới về thanh toán, đảm bảo giao dịch được thông suốt. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã thông báo làm việc xuyên thứ Bảy, Chủ nhật để thu thập sinh trắc học tại quầy giao dịch, nỗ lực hỗ trợ khách hàng.
Từ 1/7, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking hoặc giao dịch chuyển tiền có giá trị lớn hơn 10 triệu đồng |
Nhiều người dân cho biết, việc cập nhật xác thực theo quy định mới được thao tác rất nhanh, chỉ cần làm online trong vòng 3 - 5 phút. Điều này giúp họ an tâm hơn khi thực hiện các giao dịch thanh toán số vì đã thêm một lớp bảo vệ kiên cố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp gặp khó khăn trong khâu xác thực và nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại quy định trên ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng - khẳng định, việc yêu cầu xác thực đối với giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên sẽ không làm gián đoạn trải nghiệm của khách hàng khi giao dịch. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, giao dịch 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 11% giao dịch và nhiều trường hợp một người thực hiện nhiều giao dịch nên tổng số người giao dịch hạn mức này không đến 10%. Tổng số người có giao dịch trên 20 triệu trong 1 ngày chỉ 0,56%. Có khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng.
Dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, số lượng giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng ghi nhận trong 2 ngày: Mùng 1 và mùng 2 tháng 7 lần lượt chiếm 8,8% và 8,24% tổng giá trị giao dịch trong ngày. Con số này cao hơn bình quân tháng 6 (ở mức 8%), nhưng không phải là tỉ lệ quá cao. Những giao dịch trên 10 triệu đồng gặp khó khăn hoặc trục trặc là không nhiều so với tổng giá trị giao dịch trong ngày của hệ thống ngân hàng.
Tính đến hết ngày 2/7, số lượng khách hàng đã hoàn thành xác thực sinh trắc học để sẵn sàng thực hiện giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng theo Quyết định số 2345 là hơn 13 triệu khách hàng. Các ngân hàng khẳng định, giao dịch của khách hàng vẫn được thông suốt và mọi vướng mắc (nếu có, bao gồm khi quét NFC) đang được các nhà băng nỗ lực xử lý, đồng hành cùng khách hàng.
Thanh lọc các tài khoản “rác”
Theo giới chuyên gia, với yêu cầu phải xác thực khuôn mặt cho một số giao dịch giá trị lớn, ngoài việc hạn chế tối đa rủi ro tội phạm chiếm đoạt tài khoản khách hàng, còn có thể giúp “dọn dẹp” các tài khoản “ảo”, tài khoản “rác” vốn vẫn là một trong những khó khăn trong quản lý tài khoản khách hàng của các ngân hàng thời gian qua.
Tài khoản ngân hàng rác là nguồn cơn của vấn nạn lừa đảo tài chính qua mạng tại Việt Nam thời gian qua |
Minh chứng là vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố phối hợp ngăn chặn hoạt động mua, bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên. Theo Ngân hàng Nhà nước, qua theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế cùng với phản ánh từ Bộ Công an cho thấy, thời gian qua trên địa bàn một số tỉnh, thành phố có xuất hiện tình trạng các đối tượng tội phạm dụ dỗ học sinh, sinh viên đã được cấp căn cước công dân mở tài khoản thanh toán và trả công cho người mở, sau đó chuyển lại cho các đối tượng này sử dụng. Các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố…
Trong một báo cáo công bố hồi đầu năm của Tập đoàn công nghệ Bkav cũng cho hay, tài khoản ngân hàng rác là nguồn cơn của vấn nạn lừa đảo tài chính qua mạng tại Việt Nam thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Cường, giám đốc phụ trách an ninh mạng của Bkav, cho biết: “Nguyên nhân là việc mua bán, trao đổi tài khoản ngân hàng đang diễn ra quá dễ dàng. Nhiều người đơn giản cho rằng, bán đi các tài khoản mình không sử dụng sẽ không có vấn đề gì. Song thực tế, kẻ xấu đã lợi dụng những tài khoản ngân hàng này để thực hiện các giao dịch phi pháp, giấu nguồn gốc, gây khó khăn cho cơ quan điều tra”.
Do đó, “việc thực hiện quy định phải xác thực khuôn mặt với giao dịch giá trị lớn tuy chưa “quét” được hết với các giao dịch giá trị nhỏ, nhưng cũng đã hạn chế đáng kể tình trạng lạm dụng tài khoản “rác” như trên. Qua đó, các tài khoản “rác” nếu vốn tồn tại thì cũng sẽ chỉ chuyển được tiền giá trị nhỏ, sẽ khó để các đối tượng lạm dụng cho các hoạt động phi pháp có tính chất nghiêm trọng” - một vị chuyên gia chia sẻ.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, hiện nay Luật Dân sự đã có các quy định cấm các hành vi chiếm đoạt sử dụng trái phiếu tài khoản của người khác. Tuy nhiên, thực tế có nhiều vấn đề rất khó trong việc quản lý tài khoản “rác” khi chủ tài khoản tự nguyên cho thuê, cho mượn và với những trường hợp này, nếu phát thiện thường chỉ có thể xử lý hành chính, chứ không thể xử lý hình sự.
Lãnh đạo Vụ Thanh toán cho biết thêm, việc triển khai Quyết định 2345, các tổ chức tín dụng đang rất nỗ lực để giảm thiểu rủi ro gian lận, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán cho khách hàng. Bên cạnh đó theo thống kê đến hết năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 84,7 triệu căn cước công dân gắn chip và 70,2 triệu tài khoản VNeID, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. “Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng, giúp ngành Ngân hàng triển khai định danh, xác minh chính xác khách hàng” - ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.
Cho thuê, mượn tài khoản có thể bị phạt 100 triệu đồng Theo Ngân hàng Nhà nước, các hành vi vi phạm về cho thuê, mượn tài khoản sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/NĐ-CP ngày 14/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Cụ thể, phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với các hành vi: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với các hành vi: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự |