Cải cách kinh tế: Bài học và định hướng tương lai

18/11/2022 - 00:12
(Bankviet.com) Nỗ lực cải cách trong những năm qua đã góp phần mang lại cho Việt Nam những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, tạo nền tảng vững chắc. Điều này, góp phần quan trọng giúp Việt Nam vượt qua những giai đoạn khủng hoảng, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 vừa qua.

Các chuyên gia quốc tế trao đổi bài học và kinh nghiệm cải cách, gợi mở định hướng cải cách trong tương lai

Đây là những nhận định được các chuyên gia đưa ra trong Hội nghị tổng kết “Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform): Kết quả, bài học và định hướng tương lai” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Điều phối Chương trình Aus4Reform phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, đạt được những kết quả như vậy, trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đã liên tục thực hiện các cải cách kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm cụ thể nhằm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể hóa, các nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đặt những mục tiêu đầy khát vọng  đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hóa và thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương đều cho rằng, thời gian tới, Việt Nam có nhiều việc để đạt được các mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh nguồn lực còn có hạn, các chuyên gia này khuyến nghị: “Việt Nam cần xác định ưu tiên là cải cách”.

Cụ thể hơn, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị, Việt Nam cần 4 ưu tiên cải cách từ này đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đó là: Tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình; nâng cao chất lượng thể chế (chú trọng phối hợp chính sách và thực thi); nâng cao tính độc lập, tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế; tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn gắn tăng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu.

“Với 4 cải cách kinh tế ưu tiên đó, khả năng cao sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và bao trùm”, TS.Cấn Văn Lực tin tưởng và lưu ý: “với mỗi cải cách cần đặt mục tiêu cụ thể và điều kiện thực hiện, trong đó phải bố trí nguồn lực, đồng thời có lộ trình thực hiện rõ ràng”.

TS.Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, điều quan trọng là quá trình cải cách phải có một tầm nhìn rõ ràng.

Từ bài học và kinh nghiệm cải cách của Australia và trên thế giới, GS. Christopher Findlay (Đại học Quốc gia Australia) cho biết, động lực cải cách có thể được duy trì nhờ các yếu tố, đó là: năng lực lãnh đạo và khả năng xây dựng liên minh ủng hộ cải cách. Tốc độ cải cách nhanh hay chậm còn do chính quyền địa phương, do cơ quan các cấp quá trình phối hợp giữa các cơ quan.

Ngoài ra, động lực cải cách còn đến từ: các cam kết quốc tế, hay hợp tác quốc tế (ví dụ như các hiệp định RCEP và CPTPP); các lựa chọn chính sách kinh tế vĩ mô tạo điều kiện thuận lợi cho sự điều chỉnh; khung chính sách cạnh tranh và  sự chú trọng đến sức mạnh thị trường

“Cải cách cần được duy trì liên tục và mạnh mẽ. Bởi những thách thức về thay đổi cơ cấu liên tục xuất hiện, do sự tiến bộ về công nghệ - chưa bao giờ hoàn thiện. Do đó, năng lực thích ứng là quan trọng”, GS. Christopher Findlay chia sẻ và cho biết thêm: “Định hướng, ý chí và quyết tâm cải cách của Việt Nam rất rõ nét”.

Chương trình Aus4Reform, được Chính phủ Australia tài trợ, nhằm hỗ trợ các cơ quan Việt Nam thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững. Chương trình được thực hiện từ tháng 11/2017 tới tháng 11/2022, với số tiền tài trợ 6,5 triệu đô la Australia.

Aus4Reform là chương trình thứ ba trong chuỗi chương trình/dự án hỗ trợ hơn một thập kỷ qua của Chính phủ Australia dành cho cải cách kinh tế Việt Nam bao gồm Chương trình hỗ trợ kỹ thuật Hậu gia nhập WTO (2008-2014), Dự án hỗ trợ Tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (2014-2017) và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (2017-2022).

Linh Ly

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ