Giá vé máy bay tăng vọt
Trước nhu cầu đi lại cao dịp Tết Nguyên đán 2024, các hãng hàng không đã nhanh chóng tăng cường chuyến bay và ghế ngồi để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, đã tăng thêm hơn 66.200 ghế, tương đương hơn 310 chuyến bay nội địa trong giai đoạn cao điểm Tết từ ngày 25/1 đến 24/2 (tức từ ngày 15 tháng Chạp năm Quý Mão đến 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Giá vé máy bay tăng cao không chỉ khiến người dân phải đắn đo khi đặt vé về quê ăn Tết, mà còn khiến nhiều khách du lịch băn khoăn trước dự định đi du lịch nội địa dịp Tết Nguyên đán năm nay. |
Các chuyến bay tăng cường tập trung nhiều nhất vào các đường bay nội địa giữa TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Huế, Quảng Nam, Tuy Hòa, Đà Lạt, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phú Quốc.
Không chỉ Vietnam Airlines, các hãng hàng không khác cũng đã nâng cao công suất phục vụ dịp Tết. Vietravel Airlines ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình của các chặng bay thuận chiều đã đạt trên 90%, trong đó chặng TP. Hồ Chí Minh - Quy Nhơn/Đà Nẵng vào các ngày cận Tết tỉ lệ lấp đầy đạt trên 97%. Một số chặng bay đang có lượt đặt chỗ cao là TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội/ Quy Nhơn/ Đà Nẵng; Hà Nội - Đà Nẵng.
Tuy nhiên, việc tăng cường chuyến bay và ghế ngồi không đồng nghĩa với việc giá vé máy bay giảm. Ngược lại, giá vé máy bay trong dịp Tết tăng từng ngày. Theo khảo sát, ở chặng bay đông khách nhất Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh từ 1/2/2024 đến 9/2/2024, giá vé máy bay khứ hồi của Vietnam Airlines, Bamboo Airways ở hầu hết các khung giờ đều khoảng 7 triệu đồng. Cùng chặng này, Vietjet đang mở bán giá 6,37 triệu đồng.
Chặng từ Hà Nội đi Phú Quốc trong các ngày từ 5/2 đến 15/2 (từ 26 Tết đến 6 Tết) dao động 5,6 - 10 triệu đồng/khứ hồi như vậy tăng khoảng 3 - 5 triệu đồng/khứ hồi so với ngày thường.
Không riêng chặng Phú Quốc, các địa điểm du lịch khác trong nước như Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Yên… giá vé đều có xu hướng tăng. Càng cận Tết Nguyên đán 2024 càng tăng mạnh hơn, dao động khoảng 6 - 7 triệu đồng/vé khứ hồi.
Với khách bay chiều thấp điểm, như từ TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội ngày 12/2 (mùng 3 Tết), về 17/2 (mùng 8 Tết) có giá 3,2 - 5 triệu đồng/người, giờ bay không tiện lợi.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến việc giá vé máy bay tăng cao là do nhu cầu đi lại của người dân tăng mạnh, kể từ sau thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Ngoài ra, chi phí nhiên liệu, thuế, phí và các chi phí khác cũng ảnh hưởng đến giá vé. Để tiết kiệm chi phí, các chuyên gia khuyên người dân nên chọn bay vào khung giờ thấp điểm - sáng sớm hay đêm khuya để có mức giá tiết kiệm nhất.
Đặc biệt, khách đi lại 2 chiều nên chọn bay khứ hồi. Việc này sẽ giúp dễ săn được hành trình bay tiết kiệm và tránh hết vé hay khó chọn được khung giờ bay phù hợp. Một lưu ý là hành khách phải đặt vé ở phòng vé chính hãng, đại lý vé máy bay uy tín để có mức giá tốt cũng như được hỗ trợ các dịch vụ liên quan đến hãng bay với mức phí tiết kiệm.
Giao thông đường bộ và đường sắt cũng tăng công suất
Không chỉ hàng không, giao thông đường bộ và đường sắt cũng tăng công suất để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết.
Tại các bến xe khách của Hà Nội, lượng khách dự kiến tăng khoảng 300 - 350% so với ngày thường. Để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, các bến xe đã phối hợp cùng các doanh nghiệp vận tải tổ chức bán vé điện tử, cấp lệnh điện tử đảm bảo 100% hành khách trên xe khi xe xuất bến phải có vé. Giá vé xe khách cũng tăng theo quy định, các nhà xe phải gửi đăng ký giá vé và vé trước ngày 30/1.
Do nhu cầu đi lại tăng cao, ngành Đường sắt đã tổ chức chạy thêm chuyến, giá vé tàu thậm chí còn cao hơn so với mọi năm. |
Theo đại diện Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, đi lại bằng đường sắt trong năm nay tăng nhẹ so với mọi năm. Sau hơn 2 tháng mở bán vé phục vụ nhu cầu người dân đi lại dịp Tết, hiện doanh nghiệp này đã bán hơn 207.000 vé.
Ngành đường sắt đã tổ chức chạy thêm 6 chuyến tàu từ Sài Gòn đi Hà Nội, Vinh, Phan Thiết và nối thêm toa tàu với hơn 7.000 chỗ. Cụ thể, chạy thêm tàu TN4, SE24 từ Sài Gòn đến Hà Nội ngày 30/1 (20 tháng Chạp); tàu SE14, SE16 từ Sài Gòn đến Vinh ngày 31/01 (21 tháng Chạp); tàu SPT4 từ Sài Gòn đi Phan Thiết các ngày 11, 12/02 (ngày 2, 3 tháng Giêng).
Bà Phạm Thị Anh Đào, Trạm trưởng Trạm vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, tính đến ngày 22/1, Đường sắt khu vực Hà Nội đã 3 lần tăng chuyến phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán (trước Tết 15 ngày và sau Tết 15 ngày) với 322 chuyến tàu Thống Nhất và 224 chuyến tàu địa phương.
Tính đến ngày 22/1 công ty đã bán được hơn 180.000 vé tàu Thống Nhất (tương đương 57% số lượng vé cung cấp). Hành khách chủ yếu mua vé chiều từ miền Nam ra từ ngày 23 - 28 tháng Chạp và sau Tết với tàu từ miền Bắc vào.
Đáng chú ý, dù số lượng vé cung ứng khá nhiều, người dân không gặp khó khăn khi phải mua vé tàu tết, nhưng giá vé lại cao. So với Tết 2023, vé tàu năm nay cao hơn từ 5 - 10%, tùy từng loại chỗ. Trong đó, chặng TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội trước Tết cao nhất tới 2,9 triệu đồng/chiều với loại vé giường nằm khoang 4 giường.
So với giá vé máy bay nếu mua sớm được giá rẻ, thì vé tàu thậm chí còn cao hơn khá nhiều. Tuy nhiên, do vé tàu có nhiều loại nên nếu gia đình 4 người đi khoang 4 giường nằm từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, chỉ cần mua 2 vé cho bố mẹ, còn 2 con có thể mua ghế phụ hoặc ghế ngồi cứng (giá vé khoảng 600.000 - 700.000 đồng/trẻ em) và nằm cùng giường bố mẹ để tiết kiệm. Rất nhiều hành khách lựa chọn hình thức này để tiết kiệm do mức giá trung bình chia cho 4 người giảm đi khá nhiều, còn 1,5 - 1,8 triệu đồng/vé/người.
Ngành Đường sắt cũng đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá để hỗ trợ hành khách đi tàu; đồng thời khuyến cáo người dân không mua vé qua các đối tượng trung gian “cò mồi, chợ đen”.
Đức Lâm