Cần mạnh dạn hơn trong việc cho vay phát triển kinh tế hợp tác xã

24/04/2024 - 03:56
(Bankviet.com) Chỉ có khoảng 2% số hợp tác xã trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng. Vì thế, các ngân hàng cần mạnh dạn hơn trong việc cho vay tới đối tượng này
Tìm giải pháp phát triển kinh tế hợp tác xã Tạo đòn bẩy phát triển kinh tế hợp tác xã

Mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với tổ hợp tác, hợp tác xã hiện được áp dụng là tối đa 300 triệu đến 1 tỷ đồng. Ngoài ra, theo quy định, hạn mức cho vay không tài sản bảo đảm đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thể vay tới 2 tỷ đồng; Liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ được vay tối đa 3 tỷ đồng.

Hạn mức trên nói riêng, và việc cho vay tới đối tượng kinh tế hơp tác xã nói chung, so với nhu cầu của mô hình kinh tế tập thể hiện nay, được đánh giá là chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Thực tế cho thấy, chỉ có khoảng 2% số hợp tác xã trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng, chỉ khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của các quỹ Trung ương và địa phương; 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng.

Cần mạnh dạn hơn trong việc cho vay phát triển kinh tế hợp tác xã
Chính sách tín dụng cho đối tượng kinh tế tập thể đã được triển khai rộng khắp và được hưởng nhiều ưu đãi về lãi suất

Khó khăn về vốn đối với các hợp tác xã được Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, bà Cao Xuân Thu Vân thông tin: Số liệu khảo sát trên 300 hợp tác xã thì đến 80% hợp tác xã phải vay ở thị trường phi chính sách và hệ thống tín dụng đen với lãi suất cao, thời gian ngắn, chủ yếu phục vụ cho đáo nợ, chờ vốn tín dụng.

Thực tế, chính sách tín dụng cho đối tượng kinh tế tập thể đã được triển khai rộng khắp và được hưởng nhiều ưu đãi về lãi suất. Theo đại diện Vụ tín dụng các ngành kinh tế- Ngân hàng Nhà nước, nhóm chính sách ưu đãi lãi suất, hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên được hưởng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp hơn lĩnh vực sản xuất thông thường từ 1%-1,5%/năm, hiện đang áp dụng 4,0%/năm. Ngoài ra, đối tượng này còn được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng khi khách hàng mua bảo hiểm trong nông nghiệp.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cùng với chính sách ưu đãi, hỗ trợ về lãi suất thì đối tượng khách hàng là hợp tác xã, tổ hợp tác, Liên hiệp hợp tác xã còn được hưởng chính sách về cơ chế xử lý nợ đặc thù trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai dịch bệnh trên phạm vi rộng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; khoanh nợ).

“Hợp tác xã luôn có sự gắn bó chặt chẽ với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, luôn được cơ cấu trong chính sách ưu đãi của ngành Ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước luôn xác định, hợp tác xã là đối tượng cần quan tâm, hỗ trợ, thông qua các chính sách gián tiếp và trực tiếp. Tuy nhiên, vì sao tín dụng với hợp tác xã vẫn ở mức khiêm tốn dù cơ chế, chính sách tích cực được triển khai, đây là câu chuyện cần phân tích rất rõ”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nêu quan điểm.

Câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất vẫn là khách hàng phải đảm bảo tiêu chuẩn được vay vốn. Bởi ngân hàng huy động tiền gửi để cho vay nên cần bảo toàn nguồn vốn huy động. Đối tượng kinh tế hợp tác cũng đã được áp dụng quy định vay không cần tài sản bảo đảm trong một số trường hợp nhất định và được áp dụng chính sách lãi suất cho vay ưu đãi hơn các đối tượng khách hàng khác. Vì thế, đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn vẫn là điều kiện tiên quyết để ngân hàng sẵn sàng cho vay.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ, tín dụng nói chung và tín dụng đối với khu vực kinh tế tư nhân, cho vay hộ gia đình vẫn tăng cao. Song thực tế cho thấy, ngay cả quỹ hỗ trợ cho hợp tác xã cũng chưa phát huy được vai trò ở từng địa phương. Vì vậy, vốn không phải là yếu tố vướng mắc, mà phải giải quyết những vấn đề căn cơ ở chính nội tại của hợp tác xã.

Để khu vực kinh tế tập thể có thể tiếp cận vốn vay, đảm bảo được các tiêu chuẩn vay vốn của các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc cho rằng, cần tăng cường chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hợp tác xã, như chính sách hỗ trợ tìm kiếm thị trường, tham gia chuỗi liên kết. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hợp tác xã, đổi mới, củng cố, sắp xếp lại các hợp tác xã.

Về phía ngành ngân hàng, ông Tú thông tin thêm, “cho vay tín chấp, hay thế chấp là do quyết định của ngân hàng thương mại dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn vốn nhưng cũng không thể cứng nhắc, cần mạnh dạn hơn trong việc cho vay. Ngân hàng nhà nước đã giao quyền quyết định cho các ngân hàng thương mại trong việc này”.

Lãnh đạo Ngân hàng nhà nước khẳng định, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, thời gian tới cơ quan này sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là các hợp tác xã, nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quản lý được chất lượng tín dụng; Nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của kinh tế tập thể, hợp tác xã tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vay nói chung và hợp tác xã nói riêng như: Khảo sát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của người dân doanh nghiệp, hợp tác xã; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; tiếp tục rà soát, sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế sau khi được Chính phủ chấp thuận.

Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương