Cảnh báo sớm, giảm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp

26/10/2023 - 17:05
(Bankviet.com) Trước xu thế bảo hộ đang gia tăng, công tác cảnh báo sớm về điều tra phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.
Xu hướng bảo hộ thương mại đang diễn ra như thế nào? Doanh nghiệp cần nâng mức độ quan tâm hơn đối với phòng vệ thương mại

Gia tăng áp lực

Tổng số các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do các nước khởi kiện tính đến nay là 234 vụ việc. Riêng trong 9 tháng năm 2023, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Điều này phù hợp với thực tế xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, đây đang là áp lực cho cả doanh nghiệp và Chính phủ trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế cũng như thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do.

Cảnh báo sớm, giảm thiệt hại từ các vụ điều tra phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp đối diên với các vụ kiện phòng vệ thương mại (Ảnh: TTXVN)

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tác động tới xuất khẩu. Nếu các doanh nghiệp xử lý không tốt, hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao, làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu. Mặt khác, nếu bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao đối với một doanh nghiệp cụ thể có thể làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh, đe dọa sự phát triển của doanh nghiệp.

Còn ở cấp độ quốc gia, nếu nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong cùng một ngành bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao, ngành sản xuất đó sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, có thể kéo theo những tác động kinh tế, xã hội tiêu cực đối với nhiều ngành sản xuất khác có liên quan cũng như đối với các địa phương có cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, đánh giá về năng lực ứng phó của doanh nghiệp trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho hay, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam thường phải đối mặt với một số hạn chế như đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa nắm rõ về pháp luật phòng vệ thương mại, các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia vào các vụ việc điều tra về phòng vệ thương mại.

Đặc biệt, theo ông Chu Thắng Trung, nhiều doanh nghiệp thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp để có thể theo dõi, chuẩn bị ứng phó một cách linh hoạt; hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu còn chưa hoàn thiện. Hơn thế, việc tham gia điều tra đòi hỏi các doanh nghiệp phải phân bổ nguồn lực tài chính cũng như con người trong thời gian khá lâu (thường là hơn 1 năm). Ngoài ra, còn có những trở ngại khác như ngôn ngữ khi các thông tin liên quan đến vụ việc đều sử dụng tiếng bản địa, những yêu cầu về hợp pháp hóa lãnh sự, cung cấp nhiều thông tin, số liệu, tài liệu... phục vụ điều tra trong thời hạn ngắn từ cơ quan điều tra nước ngoài.

Đẩy mạnh công tác cảnh báo

Từ thực tiễn đặt ra, công tác cảnh báo sớm đã và đang được Cục Phòng vệ thương mại đẩy mạnh, đồng thời coi đây là một trong các hoạt động trọng tâm. Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại – ông Chu Thắng Trung cho biết, thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. “Trên thực tế, các hoạt động này đã đưa ra dự đoán tương đối chính xác, giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả trong nhiều vụ việc”- ông Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh việc đưa ra các cảnh báo xuất khẩu, công tác cảnh báo sớm còn bao gồm nhiều hoạt động được triển khai một cách đồng bộ và thường xuyên như: Đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng vệ thương mại một cách tổng quát và chuyên sâu cho các đối tượng liên quan như doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tại trung ương và địa phương… Phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại, như là các thay đổi trong chính sách phòng vệ thương mại trên thế giới, thay đổi về xu hướng phòng vệ thương mại hay các thông lệ quốc tế mới về phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp, hiệp hội liên quan có sự cập nhật kịp thời.

Theo ông Chu Thắng Trung, các hoạt động trên đã sớm được thiết kế một cách đa dạng, bài bản trong nhiều năm qua để các bên liên quan có thời gian thích nghi, xây dựng nền tảng nhận thức, kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu, dần dần tiệm cận và hướng tới xử lý hiệu quả các vụ việc nước ngoài điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. "Cục cũng tăng cường phổ biến các quan điểm nhất quán của Đảng và Chính phủ về việc kiên quyết đấu tranh, không tiếp tay cho các hành vi trốn thuế phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ của Việt Nam khi xuất khẩu" - ông Trung nhấn mạnh.

Đánh giá về công tác cảnh báo sớm của Bộ Công Thương, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, do tăng trưởng xuất khẩu, gỗ và sản phẩm gỗ đang là mặt hàng thường xuyên đối diện các nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại từ các quốc gia. Vì vậy, ngoài sự chủ động của ngành, việc Bộ Công Thương có những cảnh báo, khuyến cáo kịp thời cho doanh nghiệp hết sức quan trọng, giúp không ít doanh nghiệp gỗ tránh được các vụ kiện cũng như những bất lợi nếu bị điều tra.

Thời gian tới, ông Chu Thắng Trung cho biết, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để đưa ra những dự báo từ sớm, từ xa giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về phòng vệ thương mại cũng sẽ được tăng cường trên cơ sở phối hợp với các hiệp hội, địa phương nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục triển khai thực thi pháp luật phòng vệ thương mại một cách công khai, minh bạch, công bằng; tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại mới khi có đề nghị của ngành sản xuất trong nước, rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực đối với hàng nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương