Sau đợt tuyển dụng rầm rộ, Vingroup vừa chính thức 'kéo cần' cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

16/07/2025 - 21:57
(Bankviet.com) Sau đợt tuyển dụng quy mô lớn, Vingroup vừa âm thầm kích hoạt bước đi chiến lược quan trọng cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
Chuyển động

Sau đợt tuyển dụng rầm rộ, Vingroup vừa chính thức 'kéo cần' cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Thu Hà 16/07/2025 14:41

Sau đợt tuyển dụng quy mô lớn, Vingroup vừa âm thầm kích hoạt bước đi chiến lược quan trọng cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Theo thông tin được cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed – doanh nghiệp do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập đã chính thức hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ thêm gần 9.000 tỷ đồng, nâng tổng vốn từ 6.000 tỷ lên 15.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, cơ cấu cổ đông tại VinSpeed vẫn giữ nguyên dù quy mô vốn được mở rộng đáng kể.

Đường sắt cao tốc Bắc-Nam
Chiến dịch tuyển dụng của Vínpeed nằm trong kế hoạch triển khai các tuyến đường sắt cao tốc nội địa, bao gồm TP HCM – Cần Giờ và Hà Nội – Quảng Ninh

Theo dữ liệu doanh nghiệp, riêng trong tháng 6 và đầu tháng 7, ông Phạm Nhật Vượng đã hai lần góp vốn vào VinSpeed bằng 135,6 triệu cổ phiếu VIC – mã cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup. Ước tính theo giá thị trường tại thời điểm chuyển giao, lượng cổ phiếu này tương đương khoảng 12.750 tỷ đồng. Cổ phiếu VIC đã có đà tăng mạnh từ đầu năm 2025, tăng tới 180% và chạm mốc 113.600 đồng/cổ phiếu vào phiên giao dịch ngày 16/7.

Hiện tại, ông Vượng trực tiếp nắm giữ 51% cổ phần tại VinSpeed. Các cổ đông còn lại bao gồm Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) với 35%, Vingroup sở hữu 10%, và hai người con của ông Vượng – Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng mỗi người nắm giữ 1%.

Cùng với động thái tăng vốn, VinSpeed cũng đang tích cực tuyển dụng nhân sự quy mô lớn. Nhiều vị trí được mở tuyển, từ giám đốc tài chính dự án, kỹ sư BIM cấp cao, trưởng phòng BIM, cho đến chuyên gia công nghệ và nhân sự phụ trách chuyển giao kỹ thuật.

Đại diện công ty cho biết chiến dịch tuyển dụng nằm trong kế hoạch triển khai các tuyến đường sắt cao tốc nội địa, bao gồm TP HCM – Cần Giờ và Hà Nội – Quảng Ninh. Đối với tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, VinSpeed hiện vẫn đang chờ quyết định chính thức từ phía Chính phủ liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư.

Được biết, VinSpeed được thành lập vào tháng 5/2025, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng đường sắt, sản xuất đầu máy, toa xe và các thiết bị kỹ thuật liên quan. Đây là một trong những doanh nghiệp tư nhân hiếm hoi tại Việt Nam tuyên bố theo đuổi chiến lược phát triển toàn diện cho ngành đường sắt cao tốc – lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài và phức tạp về kỹ thuật.

Ngay sau khi ra mắt, VinSpeed đã nộp đề xuất đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư lên đến 61,35 tỷ USD, tương đương khoảng 13% GDP của Việt Nam tính đến cuối năm 2024. Theo phương án tài chính của doanh nghiệp, VinSpeed sẽ trực tiếp thu xếp 20% tổng mức đầu tư (tương đương khoảng 12,27 tỷ USD), trong khi phần còn lại – chiếm tới 80% – đề xuất được vay từ nguồn vốn nhà nước không lãi suất, thời hạn 35 năm.

Sau khi hết hạn vay, công ty sẽ hoàn trả toàn bộ vốn vay gốc cho nhà nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia độc lập, thời gian hoàn vốn cho dự án này có thể lên tới 70 năm, vượt xa khung đầu tư thông thường đối với hạ tầng giao thông.

Bên cạnh cơ chế tài chính ưu đãi, VinSpeed cũng đề xuất một số chính sách đi kèm, trong đó có việc được chỉ định thực hiện một số dự án phát triển đô thị và bất động sản tại các khu vực xung quanh ga đường sắt – nhằm tạo thêm nguồn thu phụ trợ và tăng hiệu quả đầu tư tổng thể.

Ngoài VinSpeed, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã thể hiện rõ tham vọng với tuyến đường sắt cao tốc mang ý nghĩa lịch sử của quốc gia. Trong đó, Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cũng đã chính thức gửi đề xuất tham gia đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam trị giá khoảng 61,35 tỷ USD (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).

Ngoài ra còn có Liên danh Mekolor – Great USA với cam kết tự huy động 100 tỷ USD, đề xuất hoàn thành tuyến trong 5 năm. Xây dựng Thăng Long Quốc gia và Vận tải Đường sắt Việt Nam (VNR) cũng đã gửi hồ sơ sơ bộ.

Nhiều nhà thầu hàng đầu như Đèo Cả, Fecon, Lizen… cũng đang tích cực chuẩn bị về nhân lực, công nghệ tín hiệu, thi công ngầm và chuyển giao vũ khí thiết bị để sẵn sàng tiếp cận các cấu phần của dự án

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán