1. Kịch bản của đối tượng lừa đảo
Nắm được tâm lý của phụ huynh mong muốn cho con tham gia chương trình “Trạng nguyên Tiếng Việt” do VTV tổ chức, các đối tượng lừa đảo đã lập nhóm “hỗ trợ” qua kênh chat Messenger của mạng xã hội Facebook, trong đó có các tài khoản mạo danh là điều phối viên của VTV và “bộ phận hỗ trợ giải ngân” của CIC. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo này là đưa ra nhiều hình ảnh được thiết kế tinh vi, các thông tin “nửa đúng, nửa sai” gây nhiễu, khiến nhiều bậc phụ huynh dễ dàng tin tưởng. Khi nạn nhân đã sập bẫy, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán các khoản tiền như phí tham gia chương trình, phí hệ thống, hoặc các chi phí phát sinh khác. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được tiền, các đối tượng liền đưa ra thông báo do phụ huynh nhập “mã lệnh” sai dẫn đến tình trạng tiền bị treo trên hệ thống; và để được giải ngân thì phải thực hiện chuyển khoản đúng cú pháp, dẫn đến việc phụ huynh tiếp tục chuyển tiền nhiều lần với mong muốn lấy lại được số tiền đã mất trước đó. Theo ghi nhận, một số phụ huynh đã bị lừa, đặc biệt có trường hợp đã chuyển số tiền lên tới hàng tỉ đồng.
2. Khuyến cáo từ CIC
CIC khẳng định, đây là hành vi mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành động trên là trái pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, đến hình ảnh, uy tín của CIC.
Ở Việt Nam, hoạt động thông tin tín dụng của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do CIC làm đầu mối tổ chức, thực hiện. CIC thực hiện nhiệm vụ thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng nhằm mục đích ngăn ngừa rủi ro tín dụng và phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của NHNN theo quy định của pháp luật. Khách hàng lưu ý, CIC không có chức năng giải ngân hay làm trung gian thanh toán cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
CIC khuyến cáo người dân:
- Nâng cao ý thức cảnh giác, cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân (chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân) cho các bên cung cấp dịch vụ; chỉ chia sẻ thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ đáng tin cậy.
- Khi thấy cuộc gọi, tin nhắn xưng là đại diện cơ quan, tổ chức mời gọi, yêu cầu, đe dọa, ép buộc thực hiện việc chuyển tiền hoặc các việc khác thì tuyệt đối không vội tin, không làm theo.
- Khi sử dụng các sản phẩm/dịch vụ online, kiểm tra rõ các thông tin về sản phẩm dịch vụ và đơn vị cung cấp thông qua website chính thức của đơn vị và các nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
- Khi phát hiện bị lừa đảo hoặc nghi ngờ bị các đối tượng giả danh CIC lừa đảo, để đảm bảo an toàn, quý khách hàng cần thực hiện: Liên hệ Hotline CIC: 1800.585.891 (từ 8:00 - 17:00, từ thứ Hai đến thứ Sáu); thông báo kịp thời các cơ quan chức năng theo quy định.
3. Thông tin thêm về tình trạng lừa đảo gian lận
Theo Báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023 do Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (
GASA) và Dự án xã hội chống lừa đảo phối hợp công bố, năm 2023, có gần 16 tỉ
USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỉ USD toàn cầu. Hoạt động lợi dụng không gian mạng để tiến hành phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến (chiếm 57% tổng số tội phạm mạng năm 2023) gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi và phức tạp, gây ảnh hưởng đến nhiều người trên nhiều phương diện.
Năm 2023, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) - Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP. Trong đó, tỉ lệ lừa đảo thuộc lĩnh vực
tài chính chiếm 91% (tăng 64,78% so với cùng kỳ năm 2022). Mặc dù các cơ quan chức năng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa ra cảnh báo về tội phạm công nghệ cao và vấn nạn lừa đảo, nhiều giải pháp cũng đã được triển khai quyết liệt, tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều người dân sập bẫy các đối tượng này.