Thị trường hàng hoá sáng 7/9/2024: Lượng mua giảm, hàng hoá dồi dào, giá ổn định Không để gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hoá do ảnh hưởng bão số 3 Không để thiếu hàng hoá thiết yếu sau bão số 3, kể cả những nơi bị cô lập |
Quảng Ninh: Các chợ, siêu thị hoạt động bình thường dù bị hư hỏng do bão
Theo đó, tại Quảng Ninh, bão Yagi đổ bộ đã gây ảnh hưởng và làm thiệt hại nhiều cơ sở hạ tầng trong đó có hạ tầng thương mại và xăng dầu; mất điện và thông tin liên lạc không thông suốt.
Do đó, trong thời gian bão, từ trưa ngày 07/9/2024 đến hết ngày 08/9/2024, Sở Công Thương Quảng Ninh cơ bản mất liên lạc với các địa phương. Đến ngày 09/9, Sở Công Thương đã trực tiếp đi nắm bắt tình hình cung ứng hàng hóa tại các siêu thị, chợ trên địa bàn TP. Hạ Long, Thị xã Quảng Yên.
Kết quả, cơ sở vật chất tại các chợ và một số siêu thị (Siêu thị Lan Chi Quảng Yên, Go Hạ Long) mặc dù bị hư hỏng do bão nhưng các đơn vị vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo cung ứng hàng hóa. Siêu thị MM Mega Market hàng hoá phong phú (rau củ quả, thịt cá, dầu ăn, mỳ tôm, gạo đầy giá kệ), sức mua bình thường. Siêu thị Go! Hạ Long hàng hóa vẫn ổn định, sức mua của người dân tăng cao.
Siêu thị GO Hạ Long nhanh chóng khắc phục thiệt hại để hoạt động trở lại bình thường (Ảnh: Bùi Hương) |
Tuy nhiên nguồn nước dự trữ của siêu thị còn có thể đáp ứng trong 01 ngày, nếu tình trạng mất nước vẫn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc sơ chế, chế biến thực phẩm, cung ứng thực phẩm chín cho người dân dẫn đến khó khăn cho bảo quản thực phẩm tươi sống. Tại siêu thị MM Mega Market, Trung tâm thương mại Go! Hạ Long đã bố trí ổ điện hỗ trợ người dân sạc pin để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc.
Các chợ trên địa bàn TP. Hạ Long đa số đều duy trì bán các mặt hàng rau củ quả, thịt, trứng, không bán hải sản; giá thịt tại chợ Hạ Long 1 tăng 20.000/kg.
Tại Quảng Yên, mặt hàng rau xanh chủ yếu là củ quả và các loại rau súp lơ, bắp cải Đà Lạt, rau tươi của người dân không nhiều nhưng vẫn đảm bảo cung cấp cho người dân trên địa bàn.
Theo thông tin phản ánh một số địa phương, sau bão, các địa phương tiếp tục chịu ảnh hưởng của lũ, có nguy cơ bị chia cắt như Bình Liêu, Tiên Yên. Cụ thể, hiện nay, huyện Bình Liêu vẫn mất điện, mất nước, khó khăn khi liên lạc, chỉ dùng được sóng Vinaphone. Bên cạnh đó, mưa to kéo dài khiến nhiều tuyến đường, các chợ bị ngập nước.
Ở khu vực này, đến thời điểm hiện tại, chợ trung tâm vẫn hoạt động, phục vụ các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt các loại, cửa hàng tạp hoá vẫn mở, tuy nhiên số lượng không nhiều. Các mặt hàng đồ khô, bánh ngọt, đồ ăn nhanh ít dần, chưa cung ứng được thêm. Chợ trung tâm Tiên Yên đang có nguy cơ ngập lụt do lũ khu vực Bình Liêu đang kéo về Tiên Yên.
Các địa phương còn lại phản hồi hiện hàng hóa thiết yếu vẫn đang đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; tuy nhiên, nếu thời gian mất điện, mất nước kéo dài khó khăn cục bộ cho công tác bảo quản thực phẩm tươi sống.
Hà Nội: Đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu phục vụ nhân dân sau bão
Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân sau bão số 3, ngày 08/9/2024, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành văn bản số 4303/SCT-QLTM gửi UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, đơn vị kinh doanh khai thác chợ, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa bão và đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân.
Theo đó, qua nắm bắt thông tin từ các hệ thống phân phối bán lẻ, cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố, ngày 09/9/2024 cơ bản các điểm bán đã mở cửa hoạt động bình thường, đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhân dân.
Cụ thể, nguồn cung hàng hóa (nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống) tại các chợ, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn dồi dào, đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đối với mặt hàng rau ăn lá, các doanh nghiệp đã chủ động khai thác thêm nguồn hàng từ Đà Lạt, các tỉnh phía Nam để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân.
Về lượng khách đến mua sắm và giá bán, ngày 09/9/2024, lượng khách đến mua sắm tại các điểm bán đã trở lại như những ngày thường; người dân đến mua sắm đủ lượng hàng hóa tiêu dùng trong ngày. Giá bán các mặt hàng cơ bản ổn định; riêng mặt hàng rau xanh ăn lá tại các chợ có tăng so với thời điểm trước bão (do sau bão khiến rau bị ngập ngập úng, hư hỏng, người nông dân gặp khó trong thu hoạch và vận chuyển). Nhiều siêu thị trên địa bàn đang triển khai các chương khuyến mại giảm giá để thu hút khách đến mua sắm.
Lào Cai: Cung ứng đủ hàng hóa cho người dân
Tại Lào Cai, qua nắm bắt thực tế, đến 10h00 sáng ngày 09/9/2024, các chợ, siêu thị, cửa hàng tổng hợp, tiện ích, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cửa hàng gas trên địa bàn tỉnh mở cửa phục vụ người dân bình thường.
Lượng cung hàng hóa hàng thiết yếu và các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống tại các điểm bán đầy đủ, nguồn cung dồi dào. Việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa cơ bản bình thường, không xảy ra đứt gãy. Tuy nhiên hiện mưa vẫn đang tiếp diễn, các khu vực chia cắt chủ yếu vùng cao nên các gia đình tự cung tự cấp do vậy không ảnh hưởng nhiều về lương thực thực phẩm.
Trước đó, để chủ động, ứng phó với cơn bão số 3, Sở Công Thương đã có Văn bản số 1561/SCT-TM đôn đốc các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh hàng hóa, xăng dầu trên địa bàn chủ động dự trữ các mặt hàng để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Do vậy đã cung ứng đủ hàng hóa và người dân đã chủ động mua sắm, dự trữ lương thực, thực phẩm tươi sống từ trước khi bão số 3 đổ bộ, cùng với tâm lý không ra đường do lo ngại mưa bão, nên lượng khách đến mua sắm tại các chợ, siêu thị, cửa hàng đã giảm hơn; giá bán hàng hóa tương đối ổn định, không có tình trạng tăng giá, ép giá. Nhìn chung đến 7h00 sáng nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa vừa không ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hoá. Hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, tiện ích và các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh hoạt động bình thường phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.
Tại các địa phương khác như Tuyên Quang, tình hình hàng hoá của tỉnh vẫn diễn ra ổn định. Tuy nhiên do mưa lớn và Thuỷ điện Tuyên Quang mở 7 cửa xả đáy nên địa bàn thành phố Tuyên Quang và các huyện Chiêm Hoá, Sơn Dương, Hàm Yên, Yên Sơn đang trong tình trạng ngập úng. Tình hình sẽ được tiếp tục cập nhật sau 15h khi Thuỷ điện Tuyên Quang xả nốt cửa xả đáy số 8.
Tại Yên Bái, do nước Sông Hồng dâng lên, không kịp chuyển hàng nên có 1 kho hàng hoá công nghệ phẩm bị ngậm nước, ước thiệt hại trên 1 tỷ đồng..
Tại Hòa Bình, đến thời điểm hiện nay ngày 9/9 các chợ, siêu thị, nhà phân phối; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo an toàn, chưa có thiệt hại do ảnh hưởng của báo số 3. Nguồn cung, giá cả hàng hóa thiết yếu ổn định, không có hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.