Chuyển đổi số: Cơ hội, thách thức và giải pháp để phát triển kinh tế số Giải pháp tối ưu cho chuyển đổi số logistics, quản lý chuỗi cung ứng |
Phóng viên Báo Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với CEO Accesstrade Đỗ Hữu Hưng để hiểu hơn về vấn đề này.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tiến trình chuyển đổi số của ngành Công Thương nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng hiện nay?
Trong suốt 20 năm qua, câu chuyện chuyển đổi số được đề cập rất nhiều. Tuy nhiên, câu hỏi nhiều người vẫn băn khoăn bỏ ngỏ về đích đến chuyển đổi số là gì và hành trình của nó như thế nào?
CEO Accesstrade Đỗ Hữu Hưng |
Theo tôi, câu chuyện chuyển đổi số không chỉ ngành Công Thương nói chung mà các doanh nghiệp nói riêng đều cần phải làm điều này.
Bởi, nhìn về những năm 2000 trở về trước, những công ty số 1 thế giới đa phần là công ty về năng lượng, bán lẻ… hay những tập đoàn chuyên sản xuất các trang thiết bị chiếu sáng như được sáng lập bởi Thomas Edition. Thế nhưng, sau khoảng 10 năm trở lại đây, các công ty đang dần thống trị lại mang tên Facebook, Apple, Alphabet….
Đến ngày hôm nay, không chỉ có những doanh nghiệp lớn kể trên, mà gần như 80% trong khoảng Top 40 doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới đều là những công ty công nghệ. Còn những công ty năng lượng, những công ty bán lẻ thì đang dần dần bị lùi về phía sau.
Nguyên nhân dẫn đến các tập đoàn, công ty về công nghệ đang dần chiếm ưu thế hiện nay, tất cả các doanh nghiệp kể trên đều mang đặc trưng có Digital ADN (cấu trúc kỹ thuật số). Chúng ta sẽ nhận thấy rằng, tất cả những doanh nghiệp nào có Digital ADN thì đều có sự phát triển vô cùng mạnh mẽ. Ngược lại, những doanh nghiệp không có Digital ADN thì đang gặp rất nhiều khó khăn và không chỉ hiện tại mà trong tương lai.
Ông có thể nói rõ hơn về những đặc trưng mà Digital ADN mang lại cho doanh nghiệp chuyển đổi số hiện nay không, thưa ông?
Một doanh nghiệp số hay còn gọi là Digital Enderprise (doanh nghiệp kỹ thuật số) - thuật ngữ được thế giới định nghĩa cũng như khẳng định - là đích đến của quá trình chuyển đổi số. Ngoài ra, chúng ta có thể nhận thấy, đặc trưng của một doanh nghiệp số là ứng dụng công nghệ để số hóa toàn bộ doanh nghiệp của mình và biến năng lực cạnh tranh cốt lõi từ trong nội bộ lẫn bên ngoài.
Các doanh nghiệp này có 3 đặc trưng rất thú vị. Đầu tiên đó là mở rộng không biên giới. Ví dụ từ câu chuyện của Amazon hay Facebook, Tiktok. Họ có thể phát triển mà không bị giới hạn bởi các biên giới. Hai là, họ vận hành cực kì thông minh. Thông qua công cụ quản lý kinh doanh thông minh, nhiều chủ doanh nghiệp có thể điều hành cả một hệ thống lớn mà không cần phải xem báo cáo, hay thông qua bộ phận tham mưu, bộ phận truyền thông… Ba là, hiệu suất vô cùng cao. Những doanh nghiệp: Facebook, Google… doanh thu một năm khoảng vài trăm tỷ đô la nhưng lợi nhuận chiếm khoảng 40%. Ngược lại với những công ty bán hàng truyền thống có thể doanh thu vài ngàn tỷ đôla nhưng có khi lợi nhuận rất thấp, chỉ có vài %.
Hiện nay lợi thế ở những công ty tận dụng công nghệ số là những doanh nghiệp thường kết nối với khách hàng qua Internet, qua video. Từ đó, chính những khách hàng sẽ đóng vai trò quảng bá, truyền thông sản phẩm cho những doanh nghiệp đó thay vì sử dụng quảng cáo trên tivi như những doanh nghiệp truyền thống. Tất cả doanh nghiệp số hiện nay đều nhận ra vai trò to lớn của khách hàng. Họ cạnh tranh bằng cách xây dựng một hệ sinh thái số hoàn chỉnh.
Theo ông, đâu là điểm khác biệt giữa một doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp số, cũng như ông có thể chỉ ra những giá trị từ chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp?
Có thể nhìn thấy rất rõ một số điểm khác biệt giữa doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp số. Thứ nhất, phải kể đến là khách hàng của những doanh nghiệp truyền thống thì đa phần là đơn thuần, còn doanh nghiệp số thì rất đa dạng.
Việc chuyển đổi số không phải là câu chuyện của công nghệ mà đó là câu chuyện về chiến lược và cách tư duy mới |
Thứ hai, mô hình kinh doanh truyền thống trước kia chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực. Còn những doanh nghiệp số có rất nhiều những mô hình kinh doanh khác nhau.
Thứ ba, nguồn lực trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của nội bộ, nhân sự nội bộ, nguồn vốn nội bộ. Còn những công ty số thì họ lại sử dụng nguồn lực ở bên ngoài.
Thứ tư, quản trị trước đây thường rất cảm tính, phụ thuộc vào một số người đứng đầu, vào cảm xúc của người đứng đầu. Còn những doanh nghiệp hiện nay thì quản trị phụ thuộc vào dữ liệu, data, hệ thống và văn bản.
Thứ năm, văn hóa ngày xưa thì rất đóng và khó cởi mở, còn những doanh nghiệp hiện nay rất sáng tạo và liên tục.
Cuối cùng, để xây dựng một doanh nghiệp số hoàn chỉnh, tôi cho rằng, bên cạnh câu chuyện chiến lược thì doanh nghiệp số cần có hai phần rất quan trọng. Đầu tiên phải kể đến là hệ thống kênh bán online từ Facebook, từ Google, sau đó là hệ thống chuyển đổi từ App, Web… để làm sao có thể tự động, hệ thống có thể bán cả triệu đơn hàng.
Ngoài những yếu tố nên trên, quan trọng cần có một nền tảng công nghệ. Nếu như không có công nghệ đó thì chúng ta không thể nắm bắt được các thông tin và ra quyết định.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng hiện nay đa phần doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu, được gọi là Coordination innovation (điều hành linh hoạt và tập trung). Đặc biệt khó nhất là chúng ta cần phải xây dựng được một đội ngũ nhân lực về số và một văn hoá số.
Nhìn tổng thể, việc chuyển đổi số không phải là câu chuyện của công nghệ mà đó là câu chuyện về chiến lược và cách tư duy mới. Thêm nữa, chuyển đổi số doanh nghiệp không phải là chúng ta đầu tư công nghệ thông tin và không chỉ nâng cao những vấn đề về hạ tầng mà quan trọng là nhận thức về mặt chiến lược. Điều cuối cùng là năng lực cạnh tranh và sự tự thân vận động để trưởng thành của chính mỗi doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Nga (thực hiện)