Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho Dự án nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance cho Tập đoàn SK (Hàn Quốc). |
Ngày 22/9/2023, tại Hải Phòng, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho Dự án nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance cho Tập đoàn SK (Hàn Quốc). Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư là 500 triệu USD.
Buổi lễ có sự hiện diện của Giám đốc điều hành SKC Park Won-cheol và lãnh đạo TP. Hải Phòng.
Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance được đầu tư xây dựng trên lô đất CN5.5G2 có diện tích 32.089 m2, thuộc khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng I (thuộc khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải). Khi đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ sản xuất các loại vật liệu phân hủy sinh học bao gồm nhựa PBAT, PBS, PBATS.
Theo SKC, nhựa PBAT chất lượng cao với độ bền được nâng cao, tương đương với nhựa truyền thống, có thể được sử dụng để sản xuất vật liệu màng đóng gói cũng như vật liệu không dệt dùng cho tã lót, khẩu trang,…
Giai đoạn 1 của Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance của SKC sẽ được khởi công từ giữa tháng 12/2023 và hoàn thành xây dựng nhà máy trong 9 tháng. Dự kiến cuối năm 2024, nhà máy này sẽ đạt khoảng 35.000 tấn sản phẩm và sau khi mở rộng giai đoạn 2, công suất toàn dự án sẽ là 70.000 tấn/năm. Theo Tập đoàn SK, đây là mức công suất lớn nhất từ trước đến nay đối với một cơ sở sản xuất vật liệu phân huỷ sinh học.
SKC cũng cho biết, SK TBMGeostone - liên doanh sản xuất vật liệu phân hủy sinh học giữa doanh nghiệp này với TMB của Nhật Bản, cũng sẽ xây dựng cơ sở sản xuất tại Hải Phòng, với công suất lên tới 36.000 tấn/năm.
Phát biểu tại Lễ trao Giấy chứng nhận, ông Park Won-cheol, Giám đốc điều hành Tập đoàn SKC (thuộc Tập đoàn SK) cho biết, Tập đoàn SK đã rót khoảng 3 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 trở lại đây và họ quyết định lựa chọn Hải Phòng bởi lẽ đây là một trong những thành phố có cơ sở hạ tầng hiện đại, có cơ chế thu hút đầu tư tốt.
“SKC là doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc, sở hữu công nghệ hiện đại, vì vậy chúng tôi quyết định mang công đó tới đây để sản xuất vật liệu phân hủy sinh học và đặt nền móng cho khoản đầu tư đầu tiên ở Hải Phòng, đồng thời đã thực hiện đúng cam kết ký với Hải Phòng từ tháng 6 vừa qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi nhiều hơn nữa doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Hải Phòng. Trong tương lai, hy vọng sự phát triển của chúng tôi sẽ đóng góp vào sự phát triển của Hải Phòng hơn nữa”, ông Park chia sẻ.
Được biết, SKC là một công ty sản xuất vật liệu hóa học của trực thuộc Tập đoàn SK, chaebol lớn thứ ba tại Hàn Quốc. Đồng thời, dự án của SKC tại Hải Phòng cũng là dự án đầu tư trực tiếp đầu tiên của Tập đoàn SK tại Việt Nam.
Hiện nay, SK là tập đoàn kinh tế đa ngành nghề có giá trị vốn hóa thị trường gần 63 tỷ USD, đứng thứ ba tại Hàn Quốc sau Samsung và LG, với thế mạnh trong các lĩnh vực năng lượng, dược phẩm - y tế, logistics và công nghệ thông tin truyền thông (ICT).
Tại Việt Nam, SK được biết đến với các thương vụ M&A “đình đám”. Doanh nghiệp này từng đã đầu tư 470 triệu USD mua 9,4% cổ phần của Masan Group và “mạnh tay” chi 1 tỷ USD cho 6% cổ phần Vingroup. Vào cuối năm 2011, SK tiếp tục chi thêm 340 triệu USD để mua 4,9% cổ phần của The CrownX - công ty con của Masan, sở hữu Masan Consumer Holding (MCH) và Wincomerce.
Trong mảng dược, theo báo cáo tài chính quý I/2023, Tập đoàn này nắm 64,79% vốn của một công ty sản xuất thuốc lớn là Imexpharm (IMP). Bên cạnh đó, SK cũng tuyên bố đầu tư 100 triệu USD vào chuỗi nhà thuốc Pharmacity.
Ngoài các thương vụ lớn trên, một công ty con khác của SK là SK Energy còn nắm hơn 5% cổ phần của PV Oil, trị giá gần 30 triệu USD. Trong lĩnh vực năng lượng, thành viên của SK Group là SK Hynix, hiện cùng với Samsung Electronics là 2 trong số 3 nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới.
Thái Hà