Mạng lưới Tài chính và Ngân hàng Bền vững (SBFN) do IFC hỗ trợ vừa công bố Báo cáo tiến độ toàn cầu năm 2024 và ra mắt Cổng thông tin dữ liệu SBFN, trong đó cung cấp những tiêu chuẩn toàn diện nhất về các xu hướng và sáng kiến tài chính bền vững trên khắp 66 thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Báo cáo tiến độ toàn cầu năm 2024 nêu bật những thành tựu, thách thức và cơ hội chính trong cộng đồng SBFN trên 3 trụ cột tài chính bền vững được xác định trong Khung đo lường SBFN do các thành viên thiết lập, đó là tích hợp môi trường, xã hội và quản trị (ESG), quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu và thiên nhiên, và tài chính bền vững. Đánh giá năm nay bao gồm các ưu tiên mới xuất hiện như rủi ro liên quan đến thiên nhiên, tài chính toàn diện và các chỉ số mới về rủi ro khí hậu theo thông lệ tốt và tiêu chuẩn quốc tế.
Kể từ khi công bố Báo cáo tiến độ toàn cầu năm 2021, tất cả các quốc gia thành viên SBFN đã nỗ lực để sớm ban hành các khung quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu và thiên nhiên để chuyển những cam kết được đưa ra theo Thỏa thuận Paris thành hành động pháp lý.
Tích hợp ESG cũng nổi lên như nền tảng của tài chính bền vững với 39 quốc gia triển khai khung quản lý rủi ro môi trường và xã hội (MT&XH) trong quá trình ra quyết định đầu tư phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Bộ Tiêu chuẩn Hoạt động của IFC, đồng thời sử dụng các khung này làm công cụ để ngăn chặn hiện tượng “tẩy xanh” trong sử dụng các công cụ tài chính bền vững.
Ông Alfonso Garcia Mora, Trưởng Ban Thư ký và Phó Chủ tịch IFC phụ trách khu vực châu Âu, châu Mỹ Latinh và Caribe cho biết, tốc độ tăng trưởng kỷ lục của mạng lưới và tiến bộ to lớn của các thành viên trong việc định hình chính sách và tác động đến thị trường trong 3 năm qua báo hiệu sức mạnh to lớn của quan hệ hợp tác, đối tác và chia sẻ kiến thức nhằm thúc đẩy hệ thống tài chính hướng tới bền vững. Các thành viên SBFN đang chứng minh tầm quan trọng của việc công nhận rủi ro khí hậu và môi trường là tác nhân gây ra tính dễ bị tổn thương của hệ thống tài chính, đồng thời nêu bật tiềm năng biến những thách thức này thành cơ hội phát triển thị trường mới trong lĩnh vực tài chính bền vững.
Ngoài ra, ngày càng nhiều quốc gia thành viên SBFN áp dụng các nguyên tắc phân loại tài chính bền vững và hướng dẫn phát hành trái phiếu theo chủ đề để huy động nguồn lực tài chính cho những hoạt động giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia và toàn cầu. Đáng chú ý là 759 tỷ USD trái phiếu theo chủ đề đã được phát hành một cách rất ấn tượng tại 45 quốc gia thành viên SBFN.
SBFN bao gồm 91 cơ quan quản lý khu vực tài chính, các bộ ngành và hiệp hội ngành đại diện cho 70 quốc gia và 68.000 tỷ USD (tương đương 92%) tổng tài sản của hệ thống ngân hàng tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Hơn nữa, các nước thành viên đã ban hành hơn 400 chính sách, ghi nhận mức tăng đáng kể lên đến 107% so với báo cáo năm 2021.
Song song với báo cáo tiến độ toàn cầu, SBFN đã giới thiệu cổng thông tin dữ liệu - một công cụ năng động được thiết kế để thường xuyên theo dõi các sáng kiến tài chính bền vững ở các quốc gia thành viên. Thông qua việc cung cấp thông tin chi tiết về hành động của các thành viên SBFN, nền tảng đổi mới này cho phép giám sát tiến độ thường xuyên và nhất quán, tạo điều kiện so sánh đa chiều giữa các quốc gia, khu vực và chỉ số. Cổng thông tin dữ liệu sẽ đóng vai trò là chất xúc tác thúc đẩy học tập, chia sẻ kiến thức và trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên SBFN.
Ông Nezha Hayat, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Cơ quan Thị trường vốn Ma-rốc (AMMC), đồng thời là Đồng Chủ tịch Nhóm Công tác Đo lường SBFN, cho biết: “Việc SBFN giới thiệu cổng thông tin dữ liệu đánh dấu một mốc quan trọng trong nỗ lực chung của chúng tôi nhằm thúc đẩy tài chính bền vững. Nền tảng mang tính đổi mới sáng tạo này sẽ cho phép các thành viên của chúng tôi theo dõi tiến độ, xác định những thông lệ tốt nhất và thúc đẩy hoạt động học tập lẫn nhau, để cuối cùng sẽ đẩy nhanh hành trình hướng tới một tương lai bền vững của các thành viên".
Minh Đức