Châu Âu chuyển mạnh sang điện gió và điện mặt trời sau cuộc xung đột Ukraine - Nga

06/08/2024 - 02:04
(Bankviet.com) Điện gió và điện mặt trời chiếm tỷ lệ kỷ lục là 30% nhu cầu năng lượng toàn khu vực châu Âu trong khi dầu, khí đốt và than đá đóng góp tổng cộng 27% điện năng.
Năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ đi về đâu? Hoa Kỳ đối diện 3 thách thức lớn trong phát triển năng lượng mặt trời Các dự án năng lượng sạch trong khuôn khổ AZEC cần tiếp cận theo cơ chế thị trường

Theo phân tích của Viện nghiên cứu Ember, điện gió và điện mặt trời chiếm tỷ lệ kỷ lục là 30% nhu cầu năng lượng toàn khu vực châu Âu. Dầu, khí đốt và than đá đóng góp tổng cộng 27% điện năng - giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Châu Âu chuyển mạnh sang điện gió và điện mặt trời sau cuộc xung đột Ukraine - Nga
Bãi đỗ xe có mái che sản xuất điện mặt trời ở Pháp. Ảnh: DP

Đây là cột mốc đáng chú ý khi xét đến thời điểm hai năm trước, châu Âu đang chạy đua nhập khẩu khí đốt vì Nga cắt nguồn cung sau khi xung đột nổ ra tại Ukraine. Giá khí đốt tăng vọt và nhu cầu đi xuống. Tuy nhiên, nhu cầu đang có dấu hiệu phục hồi và được thay thế bằng năng lượng tái tạo. Thủy điện đã trở lại sau khi hạn hán giảm bớt ở một số khu vực của EU, với sự kết hợp của điện gió và điện mặt trời, năng lượng tái tạo đóng góp một nửa sản lượng điện cho EU trong nửa đầu năm.

"Những cột mốc quan trọng này chỉ ra định hướng rất rõ ràng", Chris Rosslowe, nhà phân tích tại Ember, nói với Business Insider. "Câu hỏi không phải là liệu năng lượng tái tạo có thống trị mạng lưới điện của châu Âu hay không mà là khi nào điều đó sẽ xảy ra".

Xu hướng này đặt ra câu hỏi về việc xây dựng nhanh chóng các nhà ga xuất khẩu khí đốt, được gọi là nhà ga LNG, tại Mỹ và Canada, để vận chuyển nhiều nhiên liệu hơn đến châu Âu. Ember phát hiện rằng trong năm nay, sản lượng khí đốt tại EU đã giảm 14% so với cùng kỳ năm 2023, ngay cả khi nhu cầu điện tăng lên. Năng lượng tái tạo gia tăng đã đẩy nhiên liệu hóa thạch ra khỏi các quốc gia như Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan và Bỉ.

Trong một báo cáo riêng, Ember dự báo tình trạng dư thừa nguồn cung LNG toàn cầu vào năm 2026 và nhu cầu khí đốt của EU sẽ giảm đáng kể vào năm 2030.

"Mục tiêu ngắn hạn là đa dạng hóa các nguồn cung khí đốt ở châu Âu khi Nga xung đột Ukraine", Sarah Brown, Giám đốc chương trình châu Âu của Ember, cho biết. Bà nói thêm rằng việc xuất khẩu LNG hàng loạt từ những nơi như Mỹ, đã bỏ qua thực tế rằng nhu cầu khí đốt đang giảm nhanh chóng ở châu Âu.

"Nguồn cung LNG toàn cầu, bao gồm các dự án đang hoạt động và đang được xây dựng, vượt xa nhu cầu dự kiến", bà Brown cho biết.

Châu Âu chuyển mạnh sang điện gió và điện mặt trời sau cuộc xung đột Ukraine - Nga
Năng lượng tái tạo gia tăng đã đẩy nhiên liệu hóa thạch ra khỏi các quốc gia như Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan và Bỉ. - Ảnh: DP

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, vào năm 2023, Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, vượt qua Úc và Qatar. Châu Âu là điểm đến chính cho các mặt hàng xuất khẩu này và nhu cầu dự kiến sẽ tăng trong năm nay. Các chuyến hàng đến Châu Á cũng đang tăng lên. 5 nhà ga LNG mới đang được xây dựng tại Mỹ và hơn 10 nhà ga nữa có thể đang được lên kế hoạch, chúng tùy thuộc vào kết quả đánh giá tác động của chính quyền Biden đối với khí hậu.

Nhưng ngành khí đốt có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ tiềm năng ở các nước châu Âu như Đức, quốc gia bổ sung công suất điện gió và mặt trời nhiều nhất trong số các thành viên EU trong nửa đầu năm. Đức cũng đã đóng cửa 15 nhà máy điện than vào tháng 4 và nhập khẩu thêm điện hạt nhân từ Pháp.

Rosslowe cho biết quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức phản ánh các quyết định chính sách được đưa ra cách đây vài năm. Vào năm 2021, Chính phủ đã đặt mục tiêu tham vọng hơn để giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm việc loại bỏ than vào năm 2030 và thay đổi một số quy trình cấp phép để đẩy nhanh kế hoạch xây dựng các dự án năng lượng gió và mặt trời

Báo cáo của Ember cho biết, mặc dù chưa rõ mức độ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm như thế nào ở châu Âu, nhưng một loạt các dự án năng lượng gió và mặt trời đang được triển khai cho thấy ngưỡng chuyển giao này có thể là vĩnh viễn.

Thế Duy

Theo: Báo Công Thương