Các chuyên gia của Công ty Bảo mật Kaspersky tóm tắt 3 mối đe dọa chính với những trẻ em trong thế giới số hiện nay. Đầu tiên, người lạ có thể lừa đảo, tống tiền tình dục. Thứ hai, bạn bè gây nguy cơ bạo lực, xâm hại tình dục. Cuối cùng, bản thân trẻ có thể chia sẻ quá mức, nhắn tin khiêu dâm, tải xuống/chia sẻ nội dung bất hợp pháp.
Theo nghiên cứu do UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc), ECPAT International (Tổ chức Chấm dứt mại dâm, khiêu dâm và buôn bán trẻ em nhằm bóc lột tình dục) và Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế) thực hiện, chỉ 36% người dùng Internet độ tuổi từ 12-17 ở Việt Nam nắm được cách làm thế nào để trở nên an toàn trên mạng. Trong năm qua, 1% người dùng Việt Nam ở độ tuổi này là nạn nhân của bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng.
Một báo cáo của Kaspersky cũng tiết lộ những người trong độ tuổi từ 11-26 có xu hướng chia sẻ quá mức, cho rằng họ hiểu biết về bảo mật trực tuyến nhưng lại dễ bị lừa đảo nhất.
Khoảng 55% người tham gia khảo sát thừa nhận đưa thông tin cá nhân như tên, ngày sinh và địa điểm lên mạng xã hội. 72% không thể xác định được các vụ lừa đảo và 26% thú nhận trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo.
Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của Kaspersky cho biết: “Hiện tại, các bậc cha mẹ nuôi dạy những đứa trẻ “siêu kết nối” (hyper-connected) và mối quan tâm lớn của phụ huynh là liệu con họ có trở thành mục tiêu của tội phạm mạng hay không. Không ai có thể đổ lỗi cho các em vì trẻ em trong thời đại ngày nay có nhiều nguy cơ bị người lạ dụ dỗ, bị bắt nạt trên mạng và thậm chí bị đánh cắp thông tin cá nhân ở trường học”.
Chuyên gia của Kaspersky đưa ra một số biện pháp dành cho phụ huynh để nuôi dạy con trẻ hiệu quả và an toàn hơn trong thế giới số.
Đầu tiên, nên nói chuyện thường xuyên với con. Trong nghiên cứu toàn cầu do Kaspersky thực hiện dựa trên ý kiến của 8.793 phụ huynh có con từ 7-12 tuổi, 58% phụ huynh thừa nhận dành tổng cộng chưa đến 30 phút để nói về an toàn trên Internet.
Vì vậy, các bậc phụ huynh nên dành 10 phút mỗi ngày trước khi đi ngủ để thảo luận về một ngày của con, bao gồm cả hoạt động trực tuyến của chúng. Cần khuyến khích con chia sẻ về mặt tích cực và tiêu cực mà chúng gặp phải trên mạng. Điều này giúp bình thường hóa cuộc trò chuyện về bảo vệ Internet, góp phần vào cách tiếp cận an toàn, thông minh của trẻ trên không gian mạng. Hơn nữa, các bậc phụ huynh có thể bớt đi thời gian “kiểm tra” tình trạng hiện tại của con.
Tiếp theo, các bậc phụ huynh chỉ cảm thấy tự tin khi nói chuyện với con mình về thế giới mạng chỉ khi họ thật sự hiểu nó. Hãy dành thời gian để đọc các xu hướng, trò chơi và kênh mới nổi để hiểu cách chúng có thể ảnh hưởng đến hoạt động trực tuyến của con.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần thiết lập các quy tắc cơ bản rõ ràng, phù hợp với lứa tuổi của con về những gì được làm và không được phép làm trên mạng. Đồng thời, hãy giải thích lý do các quy tắc này được áp dụng và giúp con nhận thức được hậu quả của những việc không nên làm, chẳng hạn như thời điểm mà con không nên sử dụng công nghệ hoặc truy cập đến một địa chỉ cụ thể hay những vấn đề liên quan đến việc chia sẻ một bức ảnh trực tuyến sẽ tồn tại mãi mãi trên Internet và có khả năng tác động đến cuộc sống cũng như nghề nghiệp trong tương lai của con.
Biện pháp bảo vệ con thứ ba là sử dụng phần mềm kiểm soát đáng tin cậy để thiết lập khuôn khổ cho những gì có thể chấp nhận được liên quan đến hoạt động trực tuyến của con. Bộ lọc kiểm soát của phụ huynh có thể được thiết lập cho các cấu hình máy tính khác nhau, cho phép cha mẹ tùy chỉnh các bộ lọc theo từng đứa trẻ.
Công nghệ giúp phụ huynh kiểm soát được thời gian, thời lượng truy cập cũng như hạn chế nội dung độc hại tiếp cận trẻ em.
Bảo Nhi