Rút ngắn khoảng cách trong ứng dụng công nghệ

20/05/2025 - 22:00
(Bankviet.com) Công nghệ được nhìn nhận là chìa khóa không chỉ cho doanh nghiệp cải tiến năng suất mà còn là công cụ giúp cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định chính xác.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long: Nghị quyết 57-NQ/TW mở ra kỷ nguyên mới cho khoa học, công nghệ Ngành Công Thương tăng tốc chuyển đổi số, làm chủ công nghệ Khoa học công nghệ: 'Chìa khóa' để Petrovietnam phát triển bứt phá

Công nghệ trước hết phải giải được bài toán nhỏ

Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, khoa học công nghệ đang phát triển rất nhanh chóng và dần được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.

Chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế triển khai công tác quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh cho biết, một năm cơ quan quản lý thị trường kiểm tra khoảng 100.000 cơ sở kinh doanh, hồ sơ hoàn toàn viết tay dẫn đến những sai sót, tẩy xóa và thực trạng này diễn ra nhiều năm. Từ năm 2022, cơ quan quản lý thị trường ứng dụng Hệ thống xử lý vi phạm hành chính - INS. Mặc dù công nghệ đơn giản nhưng giảm đáng kể thời gian lập hồ sơ, đặc biệt có thể giúp phát hiện nhanh chóng tình trạng trùng cơ sở và tái vi phạm trong quá trình kiểm tra, xử lý.

Rút ngắn khoảng cách trong ứng dụng công nghệ
Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương. Ảnh: Thanh Tuấn

Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Linh, dù đã ứng dụng công nghệ nhưng trong công tác quản lý thị trường vẫn có 3 vấn đề nổi cộm cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa của khoa học và công nghệ.

Đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ứng dụng khoa học công nghệ để quản lý mặt hàng xăng dầu. Hiện ngành chưa thực hiện triệt để khi chưa thể biết một cách cụ thể số lượng xăng dầu trên cả nước ở trong thời điểm nhằm phục vụ cho công tác quản lý.

Thứ hai, Chính phủ cũng đã ban hành công điện xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử, mạng xã hội. Nhiệm vụ này khá khó khăn. “Chúng tôi đăng ký với Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công hệ thống công cụ để giám sát, phát hiện khi có mặt hàng, cá nhân, người kinh doanh có nghi vấn để cơ quan chức năng áp dụng biện pháp nghiệp vụ”, ông Trần Hữu Linh nói.

Thứ ba, vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng, Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Công an xây dựng dữ liệu hàng hóa làm cơ sở cho định hướng truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả. “Chúng tôi đang nỗ lực làm việc để có thể trình phương án xây dựng hệ thống truy xuất các sản phẩm ngành Công Thương quản lý”, lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước thông tin.

Với 3 khúc mắc trên, ông Trần Hữu Linh “đặt hàng” Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công cùng các đơn vị làm công tác khoa học công nghệ thuộc Bộ nghiên cứu và có giải pháp giải quyết nhằm hỗ trợ công tác quản lý thị trường.

Một vấn đề nữa, theo ông Trần Hữu Linh, thông tin trong Bộ rất nhiều nhưng nằm tản mạn, phân tán, muốn có số liệu tổng hợp rất khó. Chỉ có công nghệ mới có thể giúp xây dựng và tích hợp hệ thống dữ liệu giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thông tin đầu vào chính xác.

Để làm được điều này, Bộ cần có đầu mối để xây dựng hệ thống dữ liệu tổng thể và có lộ trình để giai đoạn đầu thực hiện hệ thống đơn giản, sau đến phức tạp, có thể đạt mức phân tích, đưa ra dự báo từ dữ liệu có sẵn. “Công nghệ rất quan trọng nhưng phải giải quyết được bài toán nhỏ sau mới đến bài toán lớn”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Phú Cường - Nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (nay là Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công), Bộ Công Thương cho biết thêm, khoảng cách giữa các đơn vị nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp còn rất lớn. Đồng thời, rất khó để doanh nghiệp triển khai kết quả nghiên cứu trong khi lại rất cần.

Ông Nguyễn Phú Cường ví dụ, để một nhà máy phân Urê công suất khoảng 500 tấn sản phẩm/ngày, dừng sản xuất một tuần để thử nghiệm phương án công nghệ mới, khi khởi động lại chi phí mất khoảng 12-14 tỷ đồng. Con số không hề nhỏ, trường hợp giải pháp công nghệ chưa đạt hiệu quả sẽ rất khó cho doanh nghiệp.

Bài toán đặt ra là làm sao để các doanh nghiệp, các đơn vị nhỏ có thể tin tưởng, đồng ý chịu thiệt ban đầu để ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất”, ông Nguyễn Phú Cường đặt vấn đề.

Cũng theo nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ, điều này cần xuất phát từ hai phía, doanh nghiệp mạnh dạn tin tưởng nhưng nhà khoa học cũng cần nghiên cứu ra những giải pháp gần gũi và thiết thực với doanh nghiệp.

Tạo cơ chế thông thoáng cho nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ

Ngoài khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng, ông Nguyễn Phú Cường cũng nhìn nhận, khó khăn trong công tác khoa học công nghệ rất nhiều nhưng quan trọng là quyết tâm để vượt qua.

Để làm được điều này, vai trò quản lý của Bộ rất quan trọng, trong đó có việc định hướng, kết nối và quảng bá kết quả nghiên cứu tới các doanh nghiệp trong Bộ. Cùng đó, giai đoạn 2025-2030 việc xây dựng các chương trình lớn cũng cần được quan tâm. “Không ai khác chính các nhà khoa học và doanh nghiệp phải bắt tay để đề xuất ý tưởng từ thực tế sản xuất”, ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Rút ngắn khoảng cách trong ứng dụng công nghệ
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị là lực đẩy mạnh mẽ cho khoa học công nghệ phát triển

Đứng ở góc độ đơn vị đào tạo, NGƯT. PGS. TS. Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhìn nhận, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là động lực mạnh mẽ cho khoa học công nghệ phát triển. Nhưng để đạt mục tiêu theo Nghị quyết, đứng ở góc độ đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần tháo gỡ những điểm khó nhất định.

Trong đó, có sự cân đối giữa khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Khoa học cơ sở có thể chưa tạo ra tài chính ngay nhưng là nền tảng để khoa học ứng dụng phát triển. NGƯT. PGS. TS. Phạm Văn Đông đề nghị Bộ cân đối ngân sách cho nghiên cứu khoa học cơ bản.

Đồng thời đề nghị, Bộ có kế hoạch đầu tư mũi nhọn cho khoa học công nghệ giai đoạn 2025-2030 trong đó ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các cơ sở đào tạo thuộc Bộ để nghiên cứu, phát triển. Tập trung tháo gỡ khó khăn tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể, xây dựng hướng dẫn cho cơ sở giáo dục đại học được chủ động bổ nhiệm các chức danh nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính; chủ động trọng dụng trả lương cho các nhà khoa học, nhất là nhà khoa học nước ngoài.

Bộ đặt hàng cho các cơ sở đào tạo để gắn với phát triển xanh, phát triển bền vững. Tập trung đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học lớn để thành lập các trung tâm đào tạo tiên tiến, nghiên cứu đổi mới sáng tạo để phát triển công nghệ chiến lược, công nghiệp nền tảng tạo cơ sở hợp tác bền chặt với doanh nghiệp nước ngoài

Cùng đó, ban hành hướng dẫn thực hiện khoán chi; đấu thầu trong hoạt động khoa học công nghệ; định giá nhiệm vụ khoa học công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ từ ngân sách nhà nước. Thực hiện định giá sản phẩm, bản quyền, chuyển giao quyền sở hữu khoa học công nghệ.

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được đánh giá sẽ tạo bước ngoặt mạnh mẽ cho phát triển khoa học và công nghệ.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương