Chỉ sử dụng margin khi có kinh nghiệm, am hiểu thị trường và doanh nghiệp mà mình đầu tư

10/11/2022 - 02:32
(Bankviet.com) Theo các chuyên gia, bối cảnh thị trường biến động tiêu cực đã cho thấy sự rủi ro khi sử dụng margin (thường được gọi là đòn bẩy tài chính) để đầu tư chứng khoán, đặc biệt là đối với những người tay ngang, ít kinh nghiệm.

Bất chấp những nhịp giảm của thị trường chứng khoán trong quý III/2022, dư nợ cho vay margin đã bất ngờ tăng 15.100 tỷ đồng, tương đương 10,9% so với cuối quý II/2022, theo số liệu của FiinTrade tổng hợp từ 55 công ty chứng khoán lớn.

Chỉ sử dụng margin khi có kinh nghiệm, am hiểu thị trường và doanh nghiệp mà mình đầu tư

Giới chuyên gia lý giải mức tăng của margin đột biến là do trước các nhịp phục hồi của chỉ số VN-Index trong tháng 7 và tháng 8, nhà đầu tư - đặc biệt là các cá nhân (thành phần chiếm đến 90% cơ cấu thị trường) - đã sử dụng đòn bẩy tài chính với kỳ vọng kiếm lời, hoặc gỡ vốn sau hai quý đầu năm thị trường liên tục biến động tiêu cực.

Tuy vậy, trên thực tế chỉ số chính đã giảm mạnh trong tháng 9/2022 và đóng phiên tháng này ở mức 1.132,1 điểm, giảm 24,4% so với hồi đầu năm. Một nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường chứng khoán chia sẻ, nhịp giảm tháng qua đã khiến loạt nhà đầu tư vay margin "đu" theo sóng hồi đều bị bán giải chấp (force-sell).

Thực tế, không chỉ nhà đầu tư nhỏ mà nhiều lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp cũng bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu. Bên cạnh đó, hiện tượng này cũng không chỉ xuất hiện trong mấy tháng gần đây mà đã xảy ra từ quý đầu năm, trong bối cảnh thị trường bắt đầu giảm điểm mạnh.

Trường hợp điển hình là ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư LDG (HoSE: LDG) vào ngày 28/10 đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp 713.000 cổ phiếu LDG, giảm sở hữu từ 11,29% về còn 11% vốn điều lệ.

Việc ông Hưng bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu LDG diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này liên tục bị bán tháo và giảm mạnh. Cụ thể, từ ngày 7/1-28/10, cổ phiếu LDG giảm 79,6% từ 27.300 đồng về 5.560 đồng/cổ phiếu.

Đây không phải lần đầu ông Hưng bị bán giải chấp cổ phiếu. Trong đợt biến động mạnh của thị trường chứng khoán hồi tháng 3/2022, Chứng khoán Mirae Asset cũng đã bán giải chấp hơn 2,5 triệu cổ phiếu LDG của ông Hưng.

Ngoài ông Hưng, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Apax Holdings và ông Lê Thống Nhất, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Danh Khôi (NRC) cũng từng bị thông báo bán giải chấp cổ phiếu.

Tuy nhiên, phía NRC sau đó lên tiếng cho biết ông Lê Thống Nhất vẫn duy trì tỷ lệ vốn sở hữu tại công ty là 12,08% vốn điều lệ (tại ngày 13/5) và việc bán giải chấp không diễn ra. Tương tự, phía Apax Holdings trao đổi báo giới cho hay các bên liên quan đã đàm phán về việc duy trì tỷ lệ ký quỹ, bổ sung tài sản đảm bảo.

Trường hợp khác là ông Nguyễn Tuấn Anh, Thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HoSE: HDC), đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thiên Anh Minh. Cụ thể, từ ngày 25-26/10, ông Nguyễn Tuấn Anh và Thiên Anh Minh đã bị bán giải chấp với cùng số lượng là 105.000 cổ phiếu HDC. Đây là lần thứ 4 ông Tuấn Anh và Thiên Anh Minh bị công ty chứng khoán “force-sell”.

Trước đó, từ ngày 21-24/10, vị này và doanh nghiệp bị bán giải chấp lần lượt 73.000 cổ phiếu và 68.000 cổ phiếu HDC; ở phiên 13/10 họ cũng bị bán giải chấp lần lượt 34.900 và 32.900 cổ phiếu HDC. Còn hồi tháng 6/2022, ông Tuấn Anh và Thiên Anh Minh cũng đã thông báo bán ra cùng số lượng 200.000 cổ phiếu HDC với lý do tương tự. Tuy nhiên, sau đó hai giao dịch này đã không diễn ra với lý do “giữ tài sản”.

Một số trường hợp khác phải kể đến là bà Nguyễn Thị Minh Thu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (HoSE: DRC) được Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) thông báo bán giải chấp 10.000 cổ phiếu, nhưng sau đó mua lại thành công từ phiên 10/10 - 21/10. Hoặc ông Đinh Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) bị công ty chứng khoán bán giải chấp 24.500 cổ phiếu trong phiên 24/10.

Theo các chuyên gia, bối cảnh thị trường biến động tiêu cực đã cho thấy sự rủi ro khi sử dụng margin (thường được gọi là đòn bẩy tài chính) để đầu tư chứng khoán, đặc biệt là đối với những người tay ngang, ít kinh nghiệm.

Thông thường, nhà đầu tư giao dịch chứng khoán sẽ có 2 loại tài khoản: tài khoản thường và tài khoản margin. Trong đó, tài khoản margin sẽ dùng để vay từ công ty chứng khoán để mua cổ phiếu. Khi thị trường lao dốc hay cổ phiếu nào đó tụt dốc, thường các công ty chứng khoán sẽ bán giải chấp cổ phiếu của nhà đầu tư đã vay margin. Hoặc, trong trường hợp công ty chứng khoán công bố cắt margin cổ phiếu, những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu (có sử dụng margin) phải lựa chọn giữa bán ra hoặc nạp thêm tiền vào tài khoản margin cho công ty chứng khoán; nhà đầu tư cũng có thể thực hiện đồng thời cả 2 phương án. Thời gian để nhà đầu tư xử lý margin dao động trong khoảng từ 2 - 5 phiên giao dịch.

“Không nhà đầu tư nào mong muốn cổ phiếu bị bán giải chấp, bởi một khi bị “force-sell”, nhà đầu tư sẽ chịu thiệt hại rất nặng”, một chuyên gia chứng khoán nhấn mạnh.

Do đó, các công ty chứng khoán đều khuyến nghị nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ tỷ lệ ký quỹ tài khoản trước những biến động của cổ phiếu đang nắm giữ. Bên cạnh đó, nhà đầu tư chỉ nên sử dụng margin khi đã có kinh nghiệm lâu năm, am hiểu thị trường và doanh nghiệp mà mình đầu tư; không nên margin vào những cổ phiếu có tính đầu cơ.

Nhà đầu tư cũng được khuyến nghị chỉ sử dụng margin khi thị trường có xu hướng tăng rõ ràng, nhưng ở mức độ vừa phải, tạo một biên độ an toàn cho tài khoản.

Phiên giao dịch ngày 10/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao ...

Nhận định chứng khoán ngày 10/11/2022: Giao dịch cẩn trọng và tránh mua đuổi

Thị trường ghi nhận phiên tăng điểm thứ 2 trong bối cảnh áp lực bán có phần gia tăng, thanh khoản giảm và thấp hơn ...

Đừng buông xuôi tài khoản cho 4 chữ "đầu tư dài hạn"

Đầu tư dài hạn không phải mua với mục tiêu giao dịch ngắn hạn và khi lỗ nhiều thì giữ với mục tiêu dài hạn. ...

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán