Bằng nghệ thuật điêu khắc ánh sáng, nghệ nhân Bùi Văn Tự (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đem đến cho công chúng chân dung của 12 nhà khoa học, danh họa, nhạc sỹ nổi tiếng trên thế giới như: Albert Einstein, Nikola Tesla, Leonardo da Vinci, Ludwig van Beethoven...
|
Chân dung các vĩ nhân được tái hiện bằng những chất liệu đơn xơ kết hợp với nghệ thuật ánh sáng |
Hiện những tác phẩm này đang được nghệ nhân Bùi Văn Tự giới thiệu đến khán giả tại tỉnh Ninh Bình, cùng gần 100 tác phẩm điêu khắc ánh sáng kể câu chuyện về các giai đoạn phát triển của con người.
|
Du khách được xem và nghe kể câu chuyện về các giai đoạn phát triển của con người bằng những tác phẩm điêu khắc ánh sáng |
|
Sự kết hợp tài tình giữa nguyên liệu và ánh sáng để tạo ra những bức chân dung người nổi tiếng của nghệ nhân Bùi Văn Tự |
Bằng cách tận dụng các nguyên liệu, qua đôi tay khéo léo cùng sự kết hợp tài tình với ánh sáng, nghệ nhân Bùi Văn Tự đã tạo ra những bức chân dung người nổi tiếng là những danh họa, nhạc sĩ thiên tài của thế giới. Lúc đầu trông có vẻ kì dị nhưng khi được chiếu đèn vào, những tác phẩm ấy lại trở nên lung linh, huyền ảo. Bóng chiếu của những tác phẩm ấy hiện ra là chân dung của 12 nhà khoa học, danh họa, nhạc sỹ như: Albert Einstein, Nikola Tesla, Leonardo da Vinci, Ludwig van Beethoven...
|
Chân dung của mỗi vĩ nhân là một kiệt tác độc bản |
Nghệ nhân Bùi Văn Tự chia sẻ, chân dung của mỗi người là một kiệt tác độc bản của tạo hóa: Thời gian, không gian và tâm thức. Vì vậy, việc thể hiện một tác phẩm chân dung không chỉ đơn thuần là mô tả lại các thông số giải phẫu trên gương mặt. Người nghệ sĩ cần thể hiện những nét cá tính của nhân vật và những thăng trầm của cuộc đời họ.
|
Chân dung thiên tài Leonardo da Vinci là họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ… |
|
Chân dung Ludwig Van Beethoven được tạo từ khúc gỗ lũa và ánh sáng |
Theo nghệ nhân Bùi Văn Tự, đối với nghệ thuật điêu khắc ánh sáng, ánh sáng đóng vai trò quan trọng. Ánh sáng cần phải được lựa chọn đúng và đặt đúng vị trí thì mới tôn lên hết vẻ đẹp của tác phẩm. Những loại đèn spotlight được sử dụng phổ biến bởi loại hình này dùng ánh sáng chiếu thẳng vào tác phẩm điêu khắc để tạo nên một bức tranh nghệ thuật.
|
Rất nhiều phế liệu được Bùi Văn Tự đưa vào kết hợp với nhau để tạo thành những bậc vĩ nhân trên thế giới |
Giống như việc xây một ngôi nhà luôn cần một bản thiết kế trước, điêu khắc ánh sáng cần phải có ý tưởng, có nguồn cảm hứng trước khi làm một tác phẩm. Từ đó sẽ phác thảo bố cục của một tác phẩm khi hoàn thiện. Anh Tự sử dụng ánh sáng ngay khi bắt đầu điêu khắc, vừa chiếu đèn, vừa chạm trổ sao cho ra đúng sản phẩm mà mình đã lên ý tưởng. Trong quá trình sáng tác, anh Tự có lúc tắt đèn, có lúc bật đèn để xác định góc độ và sự biến dạng mỗi chất liệu. Thí dụ, gốm sau khi tạo hình xong sẽ đến công đoạn sấy khô, làm men rồi mới tạo ra thành phẩm. Còn gỗ sau khi điêu khắc xong thì có thể làm sạch bằng cách đánh giấy ráp để tác phẩm chỉn chu hơn. Tùy từng sản phẩm và chất liệu cụ thể, trung bình từ 1 đến 6 tháng, anh Tự sẽ hoàn thành tác phẩm. Bao gồm việc lên ý tưởng, tìm nguyên liệu, tạo hình và bổ sung chữ, thơ để tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh.
|
Chân dung nhà bác học Alfred Bernhard Nobel là sự kết hợp giữa vỏ pháo gỗ lũa và ánh sáng |
Nghệ nhân Bùi Văn Tự luôn quan niệm, mỗi một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ánh sáng đều là một người bạn, là tri kỷ của mình. Anh dành hết tâm huyết và thời gian cho nó, vì vậy mỗi tác phẩm của anh đều hàm chứa những thành tố giống như con người, đó là: Thân-Tâm-Tuệ. Trong đó, Thân ở đây là kỹ thuật chế tác, hay có thể xem là hình ảnh khắc lên gỗ. Tâm là cảm xúc, tâm hồn người nghệ nhân, là phần bóng hiện lên tường còn Tuệ là tư duy, sáng tạo. Trong điêu khắc, phần Tuệ được tượng trưng bởi ánh sáng, ngọn đèn. Ngọn đèn soi vào Thân sẽ thấy được Tâm. Đó là giá trị cốt lõi của nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.
Đến với không gia trưng bày nghệ thuật điêu khắc ánh sáng của nghệ nhân Bùi Văn Tự, người xem sẽ thấy những khúc gỗ, cuộn dây điện, bóng đèn hỏng, cái ống bơ và cả phế liệu tạọ thành những bậc vĩ nhân trên thế giới.
|
Nghệ nhân Bùi Văn Tự muốn lan tỏa niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nghệ thuật và tạo cảm hứng học tập cho các bạn trẻ |
Thông qua những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ánh sáng, nghệ nhân Bùi Văn Tự muốn lan tỏa niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nghệ thuật và tạo cảm hứng học tập cho các bạn trẻ. Anh cũng mong muốn trong thời gian tới có điều kiện và cơ hội để sáng tạo thêm nhiều những tác phẩm điêu khắc ánh sáng có giá trị, giới thiệu được những sản phẩm độc đáo đến với đông đảo người yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế.