Tờ báo Der Tagesspiegel của Đức đăng tải, Liên Hợp Quốc đã xác định quy mô thiệt hại các tòa nhà dân cư ở Dải Gaza vượt quá quy mô của cuộc xung đột ở Ukraine.
“Có nhiều đống đổ nát ở Dải Gaza hơn ở Ukraine”, ấn phẩm Der Tagesspiegel dẫn lời lãnh đạo Trung tâm điều phối Hành động bom mìn của Liên hợp quốc (UNMAS) Mungo Birch đăng tải.
Thiệt hại do cuộc xung đột khiến Dải Gaza mất khoảng 2 thập kỷ để hồi phục. Ảnh: Getty |
Theo đó, tổng khối lượng tàn tích cần dọn dẹp là 37 triệu tấn. Đồng thời, việc loại bỏ đống đổ nát rất phức tạp do số lượng lớn vật liệu nổ chưa nổ chưa được vô hiệu hóa.
Trước đó, đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc, Vasily Nebenzya đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về việc phát hiện các ngôi mộ tập thể ở Dải Gaza.
Trong khi đó, tờ Bloomberg dẫn lời Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc dành cho các quốc gia Ả Rập, Abdullah al-Dardari đánh giá việc xây dựng lại Dải Gaza sau cuộc chiến sẽ mất khoảng hai thập kỷ.
Cụ thể, chi phí dài hạn để tái thiết Gaza sau khi xung đột giữa Israel và Hamas kết thúc có thể lên tới 50 tỷ USD và phải mất gần 20 năm xây dựng và tái thiết.
Ông al-Dardari nói: “Chi phí tái thiết đang tăng lên theo cấp số nhân sau mỗi ngày giao tranh”. Ở thời điểm hiện tại, cần ít nhất 2 tỷ USD để cung cấp nhà ở tạm thời và các dịch vụ cơ bản khác cho những cư dân bị ảnh hưởng do xung đột tại Dải Gaza.
Còn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo chiến dịch trên bộ của Israel nhằm vào Rafah, thành phố có 1,5 triệu dân tị nạn ở Gaza, sẽ khiến nhiều người thiệt mạng.
"Chúng tôi lo ngại sâu sắc rằng chiến dịch toàn diện nhằm vào Rafah có thể dẫn tới các cuộc tắm máu và làm suy yếu hơn nữa hệ thống y tế vốn đã nát vụn tại đây", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus viết trên mạng xã hội X ngày 3/5, đề cập kế hoạch của Israel nhằm tiến quân vào thành phố Rafah ở phía nam Dải Gaza.
Israel vẫn đang chuẩn bị lực lượng tiến đánh thành phố Rafah. Ảnh: AP |
WHO cũng cảnh báo Israel tấn công Rafah sẽ làm gia tăng đáng kể tỷ lệ tử vong và dịch bệnh: "Làn sóng tị nạn mới sẽ khiến tình trạng quá tải thêm trầm trọng, hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận thực phẩm, nước và các dịch vụ y tế, vệ sinh, làm gia tăng dịch bệnh, nạn đói và khiến nhiều người thiệt mạng hơn. Hệ thống y tế ở đây không thể ứng phó thương vong gia tăng đột biến sau khi Rafah bị tấn công".
Theo WHO, 3 bệnh viện còn hoạt động một phần tại thành phố sẽ không còn an toàn với bệnh nhân, nhân viên y tế và nhà hoạt động nhân đạo khi xung đột leo thang. Xung đột bùng phát đồng nghĩa với việc những cơ sở này có thể phải sớm đóng cửa.
"Chúng tôi kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn lâu dài và có hiệu lực ngay lập tức, dỡ bỏ những trở ngại với hoạt động hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp ở Dải Gaza", WHO tuyên bố.
Phát ngôn viên Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), Jens Laerke trước đó cũng cho rằng chiến dịch trên bộ nhằm vào thành phố Rafah có thể gây ra "thảm cảnh tàn sát": "Cuộc tấn công như vậy sẽ là đòn giáng thảm khốc với các cơ quan đang gặp khó trong cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza. Mọi chiến dịch trên bộ đều sẽ gây ra nhiều đau khổ và chết chóc hơn".
Rafah là thành phố cực nam ở Dải Gaza, có khoảng 1,5 triệu người đang trú ngụ sau khi chạy nạn tới từ các khu vực khác tại vùng lãnh thổ do chiến sự Hamas - Israel. Thủ tướng Israel nhiều lần tuyên bố sẽ đưa quân vào Rafah để xóa bỏ tàn dư của Hamas, bất chấp cảnh báo từ cộng đồng quốc tế về nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo.
Mỹ, đồng minh lớn nhất của Israel, cũng yêu cầu Tel Aviv không mở chiến dịch trên bộ vào Rafah cho tới khi có kế hoạch phù hợp, đáng tin cậy để bảo đảm không xảy ra thương vong lớn về dân thường.
Khi gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tái khẳng định quan điểm của nước này là không ủng hộ Israel tấn công Rafah, đồng thời kêu gọi Tel Aviv tăng cường nỗ lực khơi thông dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.
Theo số liệu của cơ quan y tế tại Dải Gaza, xung đột đã khiến 34.622 người thiệt mạng và 77.867 người bị thương tính đến ngày 3/5, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.