Chiến sự Nga-Ukraine 29/5/2024: NATO nói về thời điểm khó khăn nhất đối với Ukraine kể từ khi bắt đầu xung đột

30/05/2024 - 00:27
(Bankviet.com) Thông tin chiến sự Nga-Ukraine 29/5: NATO nói về thời điểm khó khăn nhất với Ukraine kể từ khi bắt đầu xung đột; Mỹ không muốn tình hình ở Ukraine leo thang.
Chiến sự Nga-Ukraine 26/5/2024: Ukraine thừa nhận không có đối tác nào đề nghị gửi quân tham chiến, từ chối ngừng bắn Chiến sự Nga-Ukraine 27/5/2024: Tổng thống Macron kêu gọi châu Âu chuẩn bị cho mọi kịch bản vì hòa bình ở Ukraine Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 28/5/2024: Hầu hết các nước EU đều ủng hộ mở rộng xung đột ở Ukraine

Thông tin chiến sự

Nga tuyên bố tiêm kích MiG-29 của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga thông báo, quân đội nước này đã bắn hạ 1 tiêm kích MiG-29, 1 tên lửa ATACMS và 39 UAV của Ukraine.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu, Ukraine đã tổn thất 604 máy bay chiến đấu, 24.739 UAV, 524 hệ thống tên lửa phòng không, 16.182 xe tăng và xe bọc thép.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này đẩy lui 5 cuộc phản công của quân Ukraine và gây thương vong cho 4 lữ đoàn đối phương ở khu vực Kharkiv trong ngày qua.

Nga-Ukraine
Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine tuyên bố, giao tranh tiếp diễn ở 18 khu vực trên khắp đất nước. Ảnh: AP

Giao tranh tiếp diễn ở 18 khu vực trên khắp Ukraine. Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine thông báo, tính đến thời điểm hiện tại, giao tranh vẫn đang tiếp diễn ở 18 khu vực trên khắp Ukraine.

Theo Bộ Tổng tham mưu, trong ngày qua quân đội Nga gia tăng cường độ tấn công dọc gần như toàn bộ tiền tuyến, với số lượng trận chiến tăng lên mức 108 trận trong ngày.

Tình hình căng thẳng nhất vẫn ở hướng khu định cư Pokrovske (Donetsk). Lực lượng phòng vệ Ukraine đang kìm hãm cuộc tấn công dữ dội của Nga, cũng như quyết liệt đẩy lùi các đợt tiến quân của các lực lượng đối phương”, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết.

Một số diễn biến liên quan

NATO nói về thời điểm khó khăn nhất đối với Ukraine kể từ khi bắt đầu xung đột. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, hiện nay thời điểm khó khăn nhất đã đến với Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.

Đúng, đó là sự thật, bây giờ là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc chiến”, ông Stoltenberg nói, đồng thời thừa nhận lực lượng vũ trang Nga “đang cố gắng đạt được một số thành công nhỏ”.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh, “chiến sự là điều không thể đoán trước”, nhưng NATO tuyên bố liên minh này “không mong đợi một bước đột phá lớn của Nga”.

Mỹ không muốn xung đột ở Ukraine leo thang dưới mọi hình thức. Nhà Trắng đảm bảo rằng chính quyền Mỹ không tìm cách leo thang xung đột Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào.

Tại cuộc họp giao ban thường kỳ, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đã được yêu cầu bình luận về tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, người đã mời các đồng minh xem xét lại câu hỏi liệu Ukraine có thể tiến hành các cuộc tấn công với vũ khí phương Tây nhằm vào các mục tiêu quân sự nằm trên lãnh thổ Nga hay không?

"Chúng tôi rất biết ơn các đồng minh NATO, hơn 50 quốc gia, những người đã đoàn kết và hỗ trợ Ukraine trong chiến sự. Chúng tôi không muốn tình trạng ở Ukraine trở nên trầm trọng hơn dưới mọi hình thức”, bà Jean-Pierre trả lời.

Theo bà, các đại diện cấp cao của chính quyền Mỹ đã tuyên bố rõ ràng quan điểm về việc sử dụng hỗ trợ quân sự cung cấp cho Ukraine. Ngoài ra, Thư ký báo chí Nhà Trắng tiếp tục coi điều quan trọng là Quốc hội phải thông qua các khoản phân bổ bổ sung để hỗ trợ cho Ukraine vào tháng 4 để nước này tiếp tục bảo vệ nền dân chủ.

Pháp, Đức “mở đường” để Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga. Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức cho hay, Ukraine cần được phép sử dụng vũ khí do nước phương Tây cung cấp để tấn công các vị trí quân sự bên trong lãnh thổ Nga nhưng không được tấn công các địa điểm khác.

Ukraine cần được phép sử dụng vũ khí do nước phương Tây cung cấp để tấn công các vị trí quân sự bên trong lãnh thổ Nga, những nơi mà các tên lửa Nga đã được bắn về phía lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine không được tấn công các địa điểm khác”, lãnh đạo Pháp và Đức chỉ ra.

Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, quyết định trên sẽ không khiến xung đột hiện nay ở Ukraine leo thang.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, ông đã nhất trí với Tổng thống Macron rằng chừng nào Ukraine tôn trọng những điều kiện mà các nước cung cấp vũ khí, gồm cả Mỹ, đặt ra, cũng như luật pháp quốc tế, Kiev cần được phép tự vệ.

Tổng thống Putin cảnh báo về vũ khí phương Tây. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã cảnh báo việc phương Tây cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tập kích lãnh thổ Nga có thể "gây ra hậu quả nghiêm trọng".

"Các quốc gia nhỏ ở châu Âu cần nhận thức rõ họ đang muốn làm gì. Trước khi bàn về việc tập kích lãnh thổ Nga, hãy nhớ rằng nhiều quốc gia châu Âu có diện tích nhỏ với dân số dày đặc. Sự leo thang căng thẳng có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng với họ", ông Putin nhấn mạnh.

Theo ông Putin, ngay cả khi Ukraine là bên trực tiếp thực hiện các đợt tập kích, trách nhiệm chính vẫn thuộc về các nhà thầu vũ khí phương Tây. "Họ đang muốn một cuộc xung đột toàn cầu", ông Putin cảnh báo.

Bên cạnh đó, ông Putin cũng khẳng định rằng các cố vấn quân sự phương Tây đang hoạt động ở Ukraine dưới vỏ bọc lính đánh thuê nước ngoài.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương