Thông tin chiến sự
Nga hạ 29 UAV, tấn công 2 kho đạn của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã đánh trúng 2 kho đạn của Ukraine trong vòng 24 giờ qua, cùng 119 đơn vị pháo, nhân lực, thiết bị quân sự tại 126 khu vực.
Lực lượng phòng không Nga cũng bắn rơi 29 UAV của Ukraine khu vực chiến sự. Tỉnh trưởng Vladislav Shapsha của tỉnh Kaluga (Nga) thông báo, một UAV cũng bị bắn hạ tại tỉnh này. Ukraine không bình luận về những thông tin trên.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 12/1/2024: Nga dọa đáp trả bằng hạt nhân |
Ukraine xây dựng tuyến phòng thủ mới gần thành phố đông bắc Kupiansk. Theo đó, Ukraine đã tăng cường xây dựng công sự trong vài tháng gần đây khi bắt đầu chuyển chiến dịch sang trạng thái phòng thủ nhiều hơn.
Tuyến phòng thủ mới của Ukraine, tương tự như Nga đã xây tại miền nam và miền đông, nhằm giúp Kiev ngăn chặn các cuộc tấn công đồng thời tái tạo lực lượng trong khi Nga nắm quyền chủ động trên chiến trường.
Một số diễn biến liên quan
Nga dọa đáp trả Ukraine bằng hạt nhân. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine vào các địa điểm phóng tên lửa bên trong Nga bằng vũ khí do Mỹ và các đồng minh cung cấp sẽ có nguy cơ bị Moscow đáp trả bằng hạt nhân.
Ông Medvedev, cho biết một số chỉ huy quân sự Ukraine đang xem xét tấn công các địa điểm phóng tên lửa bên trong nước Nga bằng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp.
Tuy nhiên, ông Medvedev không nêu cụ thể tên các chỉ huy Ukraine cũng như chi tiết về kế hoạch tấn công.
“Điều này có nghĩa là gì? Điều này chỉ có nghĩa rằng họ có nguy cơ kích hoạt điều 19 trong các nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước Nga về răn đe hạt nhân. Họ cần ghi nhớ điều đó”, ông Medvedev nêu rõ. Điều 19 trong học thuyết hạt nhân năm 2020 của Nga đặt ra các điều kiện mà Tổng thống Nga sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ukraine rút lại dự luật huy động quân. Chủ tịch quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk cho biết, dự luật gây tranh cãi của Ukraine về thắt chặt các quy định huy động quân đã được trả lại cho chính phủ để tiếp tục làm việc.
Dự luật sẽ cho phép Kiev huy động thêm nhiều người vào quân đội khi cuộc xung đột với Nga sắp bước sang mốc hai năm. Dự luật đề xuất việc triệu tập điện tử và hàng loạt chế tài nghiêm khắc đối với những người không tuân thủ lệnh triệu tập. Sau cuộc họp giữa lãnh đạo quốc hội và các chỉ huy quân sự, ông Stefanchuk cho biết dự luật sẽ được chỉnh sửa lại.
Dự luật được chính phủ Ukraine đệ trình sau khi tham khảo ý kiến của quân đội và ngay lập tức thu hút sự chỉ trích từ công chúng và các chính trị gia. Các nhà lập pháp và giới phân tích cho rằng một số điều khoản của dự luật vi phạm hiến pháp và tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.
Ukraine lên tiếng về lệnh ngừng bắn với Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, lệnh ngừng bắn với Nga sẽ không thể dẫn tới đàm phán.
“Nếu cho Nga 2-3 năm ngừng nghỉ, sau đó họ sẽ quay lại tấn công chúng tôi. Chúng tôi sẽ không chấp nhận rủi ro đó. Không thể có lệnh ngừng bắn có lợi cho Nga”, ông Zelensky nói.
Theo ông Zelensky, bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng có thể cho phép Nga tập hợp lại lực lượng và tăng cường cung cấp đạn dược.
“Lệnh ngừng bắn sẽ không dẫn đến kết thúc chiến sự, không dẫn đến đối thoại chính trị với Nga hay nước nào khác. Tất cả đã được quyết định ở Ukraine và sẽ không có lệnh ngừng bắn nào có lợi cho Nga”, Tổng thống Zelensky cho hay.
Nga tăng lợi thế về pháo binh và trang thiết bị quân sự trong xung đột với Ukraine. Kênh truyền hình CBC của Canada cho biết, quân đội Nga hiện đang có lợi thế về pháo binh và trang bị quân sự trong cuộc xung đột với Ukraine và tình hình với sự hỗ trợ của Kiev có thể thay đổi khi đảng Cộng hòa lên nắm quyền ở Mỹ.
“Nga hiện chiếm ưu thế hơn Ukraine về số lượng đạn pháo. Nga đã cố gắng tăng cường sản xuất thiết bị quân sự và pháo binh, chuyển nền kinh tế sang nền tảng quân sự”, CBC viết. Ngược lại, quân đội Ukraine hiện đang thiếu đạn pháo, thiết bị và các loại vũ khí khác, nguyên nhân cũng là do thiếu sự hỗ trợ đầy đủ từ phương Tây, chủ yếu là từ Mỹ.
Mỹ thừa nhận không giám sát chặt chẽ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tổng thanh tra Lầu Năm Góc Robert Storch cho hay, Lầu Năm Góc đã không giám sát chặt chẽ việc chuyển vũ khí sang Ukraine, hơn một nửa tổng nguồn cung vẫn chưa được tính toán.
Sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Lầu Năm Góc đã cải thiện việc giám sát sử dụng vũ khí được chuyển giao cho Ukraine, nhưng nó không tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chương trình giám sát.
Theo ông Storch, lượng vũ khí trị giá khoảng 1 tỷ USD vẫn chưa được tính đến trong tổng nguồn cung 1,699 tỷ USD. Tình hình giám sát rất phức tạp do Lầu Năm Góc không lưu giữ kho vũ khí. Ngoài ra, công việc của các thanh tra viên bị cản trở bởi những hạn chế trong việc di chuyển ở Ukraine và thiếu nhân sự trên thực địa, kể cả ở các quốc gia đối tác mà vũ khí của Mỹ được vận chuyển qua.
Báo cáo do ông Storch công bố, cũng nêu rõ không thể xác định liệu có trường hợp bán lại hoặc phân phối lại viện trợ của Mỹ hay không. Đồng thời, nếu không có sự giám sát thích hợp, nguy cơ trộm cắp hoặc chuyển hướng vũ khí sang nước thứ ba vẫn còn.
Lithuania gửi thêm viện trợ cho Ukraine. Giới lãnh đạo Lithuania cho biết, nước này sẽ viện trợ cho Ukraine gói quân sự trị giá 200 triệu Euro, bao gồm đạn dược, máy phát điện trong tháng này và các xe bọc thép chở quân M577 trong tháng sau.
“Chúng tôi tiếp tục ủng hộ những người Ukraine dũng cảm bằng mọi cách từ quân sự, kinh tế và chính trị. Lithuania sẽ tham gia công tác huấn luyện cho binh sĩ Ukraine, cũng như tăng cường hợp tác trong công nghiệp quốc phòng”, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda nói.
Thanh Bình