Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024

04/11/2023 - 17:13
(Bankviet.com) Chính phủ vừa có nghị quyết về đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội liên quan việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) như đề nghị của Bộ Tài chính.

Theo đó, cơ quan này sẽ tiếp thu các ý kiến của thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định, chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.

Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024
Đề xuất giảm thuế VAT không phải cho tất cả các mặt hàng

Chính phủ giao bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng, ký tờ trình của Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp Quốc hội.

Tại tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã đề nghị bổ sung nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Theo tờ trình, năm 2023 Quốc hội đã ban hành nghị quyết 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đề ra giải pháp giảm thuế VAT 2% với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 10%, áp dụng từ ngày 1-2-2022 đến hết 31-12-2022.

Theo đó, đến năm 2023, trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội ban hành nghị quyết 101/2023 cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT, áp dụng từ 1-7 đến hết ngày 31-12.

Theo Chính phủ, giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, trên cơ sở cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Chính phủ cho rằng cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất tiếp giải pháp cho năm 2024.

Tiếp tục xem xét giảm thuế giá trị gia tăng 2%, xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.

Theo đó, Chính phủ đề nghị giảm 2% thuế VAT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm thuế VAT sau thời điểm 30-6-2024.

Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 theo quy trình một kỳ họp.

Trước đó, theo đề xuất của Bộ Tài chính chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Góp ý về đề xuất giảm thuế này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng đã được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, tác động tích cực đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP và Nghị định 44/2023/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện nhưng trên thực tế, việc phân loại hàng hóa, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau vẫn còn nhiều lúng túng.

Cũng theo VCCI, nhiều trường hợp DN tra cứu phụ lục của Nghị định 15 và 44 nhưng không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Có doanh nghiệp hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan nhưng các cơ quan này cũng không thế "nói chắc" loại hàng hóa nào được giảm thuế 2% vì sợ sai.

Cũng có doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng.

Từ thực tế trên, VCCI đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc phương án giảm thuế GTGT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.

Mỹ giảm tốc độ tăng trưởng của trái phiếu Chính phủ

Doanh số bán trái phiếu Chính phủ dài hạn theo kế hoạch đang ít hơn so với dự kiến của hầu hết các đại lý ...

Quốc hội dành cả ngày hôm nay (3/11) thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, cả ngày hôm nay 3/11 Quốc hội sẽ thảo luận tại ...

Khánh Linh (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán