Đó là nhận định của ông Lê Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng, Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tại hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới” vừa diễn ra.
Ông Lê Quốc Hưng cho biết, đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam là phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng. Năm 2023, với quy mô tín dụng đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, tỷ lệ tín dụng/GDP đạt khoảng 130%, thuộc nhóm các nước có tỷ lệ này cao nhất; trong khi đó, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt khoảng 6,66 triệu tỷ đồng, so với GDP đạt khoảng 65,2%; quy mô thị trường trái phiếu đạt khoảng 35,77% GDP (trái phiếu chính phủ đạt khoảng 23% GDP, trái phiếu doanh nghiệp đạt 12,77% GDP); toàn ngành bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế chưa đầy 7,5% GDP.
Khó khăn bên ngoài khiến vấn đề nội tại của nền kinh tế bộc lộ rõ hơn
Khái quát bối cảnh kinh tế thế giới giai đoạn 2019-2024, Phó Vụ trưởng, Vụ Dự báo, Thống kê cho biết, có nhiều diễn biến khó lường, rủi ro gia tăng như đại dịch COVID-19. Hầu hết các nước tại các khu vực đều cho thấy sự kiệt quệ. Sau khi kết thúc đại dịch COVID-19 thì lại tiếp tục có xung đột chính trị, ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng đa quốc gia. Lạm phát tiếp tục bùng lên trên phạm vi toàn cầu. Giá năng lượng và một số giá cả hàng hóa như lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu cũng tăng với mức kỷ lục, năm 2022 tăng 8,73%, cao hơn mức kỷ lục trước đó là 6,37%.
“Những diễn biến không thuận lợi này tạo ra rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế, thậm chí xảy ra đổ vỡ hàng loạt ngân hàng và định chế tài chính lớn trên thế giới. Những diễn biến này đòi hỏi các quốc gia phải thận trọng trong các quyết sách để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống của chính ngành Ngân hàng”, ông Lê Quốc Hưng nói thêm.
Năm 2024, xu hướng điều chỉnh lãi suất điều hành từ các ngân hàng trung ương đã trở nên phổ biến hơn nhưng lạm phát hạ nhiệt không nhanh như kỳ vọng khiến một số ngân hàng trung ương lớn có xu hướng duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Thống kê cho thấy, tính đến ngày 15/8/2024, có 120 lượt điều chỉnh lãi suất chính sách của các ngân hàng trung ương, trong đó có 19 lượt điều chỉnh tăng, 101 lượt điều chỉnh giảm.
Căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp cũng làm rủi ro lạm phát tăng trở lại, ngăn cản tiến trình nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Hiện, thị trường đang kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ hạ lãi suất lần đầu khoảng 25 điểm cơ bản vào kỳ họp tới.
Phó Vụ trưởng, Vụ Dự báo, Thống kê cho rằng bối cảnh quốc tế nêu trên đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế trong nước. Đợt bùng phát dịch COVID-19 năm 2020-2021 tác động và gây khó khăn mọi mặt đến tình hình kinh tế chính trị xã hội, việc giãn cách xã hội gây ảnh hưởng chuỗi sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Tới quý II/2022, khi dịch bệnh cơ bản được khống chế thì lại tiếp tục ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị và xu hướng đồng USD, đô la Mỹ lên giá mạnh khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước bị đình trệ. Đặc biệt, việc FED duy trì chính sách lãi suất ở mức cao đã gây không ít khó khăn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
“Những khó khăn bên ngoài làm cho những vấn đề nội tại của nền kinh tế bộc lộ rõ hơn và các thị trường tài sản tài chính đều bộc lộ những rủi ro như thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, vàng… đe dọa sự ổn định của các thị trường nói riêng, từ đó ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nền kinh tế cũng như hệ thống tổ chức tín dụng”, ông Lê Quốc Hưng phân tích.
Giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN
Trong hoàn cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 2,87% năm 2020 và 2,55% trong năm 2021. Dù đây là mức tăng trưởng thấp nhưng cũng vẫn giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế ít ỏi trên thế giới có tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Số liệu thống kê 7 tháng đầu năm 2024 cho thấy, các chỉ số tích cực hơn. Hoạt động sản xuất công nghiệp cũng đã tăng trở lại với PMI đạt mức cao. Điều đó cho thấy, Việt Nam đã vượt qua những thách thức và đạt được thành công với những kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh không mấy thuận lợi.
Để có được kết quả đó, có đóng góp không nhỏ của ngành Ngân hàng. Ông Lê Quốc Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ theo xu hướng thận trọng, linh hoạt, hiệu quả và bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước, quốc tế, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Cụ thể, NHNN đã điều tiết hợp lý, đảm bảo thanh khoản của các TCTD, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, chủ động chính sách tiền tệ và kiểm soát lạm phát, sẵn sàng nguồn vốn hỗ trợ phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách của từng thời kỳ, cụ thể: Từ năm 2019-2022 NHNN đã điều chỉnh giảm 1,75-2,25% các mức lãi suất điều hành; giảm 0,8-1,5% lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng; 2% lãi suất cho vay ngắn hạn.
Trong năm 2023, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất 4 lần các mức lãi suất với mức giảm từ 0,5-2%/năm. 6 tháng đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ kinh tế, đồng thời, NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Cùng với đó, NHNN cũng đã hoàn thiện các văn bản pháp lý cho hệ thống ngân hàng và các hoạt động ngân hàng nói chung. Từ tháng 1/2019 - tháng 6/2024, NHNN ban hành 198 văn bản, trong đó có 2 Luật, 12 Nghị định, 4 Quyết định của Thủ tướng và 180 Thông tư.
Đóng góp tích cực trên nhiều khía cạnh
Với những giải pháp đồng bộ của NHNN, lãi suất cho vay bình quân với các giao dịch phát sinh mới của NHTM đã giảm mạnh trong năm 2023 và tiếp tục xu hướng giảm trong các tháng đầu năm 2024.
“Việc điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt trong khuôn khổ chung của chính sách tiền tệ phù hợp thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát trong 5 năm 2019-2024 là một trong những thành công lớn nhất của ngành Ngân hàng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, lạm phát toàn cầu tăng cao”, Phó Vụ trưởng, Vụ Dự báo, Thống kê khẳng định.
Từ năm 2019 đến nay, lạm phát tổng thể được kiểm soát dưới 4% (2019: 2,79%; 2020: 3,23%; 2021: 1,84%; 2022: 3,15%; 2023: 3,25%), góp phần quan trọng trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội cho người dân. Đây là thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây, đạt đỉnh trong năm 2022 (8,73%), với sự gia tăng của giá năng lượng, lương thực - thực phẩm, nguyên, vật liệu sản xuất.
Ông Lê Quốc Hưng khẳng định, chính sách tiền tệ đã có những đóng góp tích cực trên nhiều khía cạnh như: Lãi suất được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng giai đoạn, vừa hỗ trợ kiểm soát lạm phát trong giai đoạn áp lực (năm 2022), vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn lạm phát toàn cầu bớt căng thẳng hơn (2023-2024); điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, ổn định thị trường ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế được khắc phục về căn bản, các mục tiêu về tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng dư nợ tín dụng, hay tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đều có khả năng đạt được
Tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng dư nợ tín dụng cuối năm 2019 đạt 5,87%, đến cuối tháng 7/2024 chỉ còn khoảng 3,4%; tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán cuối năm 2019 đạt 8,35%, đến cuối tháng 7/2024 còn 6,29% cho thấy tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế, tính cả trên góc độ tiền vay lẫn tiền gửi đều tiếp tục được cải thiện; phấn đấu tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán dưới 5% ở năm 2030.
Nhìn chung, giai đoạn từ năm 2019 đến tháng 6/2024, mặc dù phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động nhưng tỷ giá USD/VND về cơ bản diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt; qua đó, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Cùng với đó, ông Lê Quốc Hưng cũng cho biết, vốn tín dụng ngân hàng luôn được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho sản xuất, kinh doanh, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
“Giai đoạn 2007-2011, có những thời điểm tín dụng tăng rất cao (51,54% năm 2007, 37,53% năm 2009, 31,19% năm 2010), nhưng từ năm 2012 đến nay và đặc biệt trong 5 năm gần đây, tín dụng đã đạt mức tăng trưởng phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế (khoảng 13,48%/năm), cho thấy hiệu quả phân bổ vốn tín dụng đã tăng lên rõ rệt. Tăng trưởng tín dụng thấp hơn, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn đạt được thành tựu đáng ghi nhận, là minh chứng rõ cho sự gia tăng của hiệu quả phân bổ vốn tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế”, Phó Vụ trưởng, Vụ Dự báo, Thống kê phân tích.
Trên cơ sở các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đề ra, hàng năm Ngân hàng Nhà nước xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm và trong năm rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình tài chính, khả năng quản trị điều hành, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của tổ chức tín dụng và tình hình thực tế.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
“Giai đoạn 2019-2024, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được đảm bảo, ngay cả trong tình huống khó khăn nhất. Ngành ngân hàng đứng vững và vượt qua các thời điểm nhạy cảm, đảm bảo an toàn hoạt động cho cả hệ thống”, ông Lê Quốc Hưng nhấn mạnh.
Minh Nhật