“Gà đẻ trứng vàng” của Techcombank lập kỷ lục lợi nhuận
Một công ty con của Techcombank vừa báo lãi quý kỷ lục, IPO quy mô lớn dự kiến diễn ra trong năm nay.
Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), đơn vị thành viên của Techcombank, ghi nhận lợi nhuận trước thuế cao nhất trong lịch sử hoạt động từ trước đến nay, đạt 1.733 tỷ đồng trong quý II/2025.
Theo báo cáo tài chính quý II/2025, TCBS đạt tổng doanh thu hoạt động 2.690 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cơ cấu doanh thu, thu nhập từ hoạt động cho vay chiếm tỷ trọng lớn nhất với 844 tỷ đồng, tương đương 31,3% tổng doanh thu hoạt động. Đây là mảng kinh doanh tiếp tục mang lại nguồn thu ổn định cho TCBS trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động.
Các khoản chi phí trong kỳ cũng tăng đáng kể. Cụ thể, chi phí hoạt động tăng 44%, chi phí tài chính tăng 61%, và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng doanh thu tốt, TCBS vẫn duy trì lợi nhuận cao.
Tính đến hết tháng 6/2025, lũy kế doanh thu hoạt động của TCBS đạt 4.688 tỷ đồng, tăng 9,7% so với nửa đầu năm 2024. Lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 3.043 tỷ đồng, cũng tăng 9,7% cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của TCBS đạt 65.134 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay ký quỹ chiếm phần lớn với 33.192 tỷ đồng, góp phần nâng tổng khoản vay lên khoảng 33.805 tỷ đồng, tăng 30,4% và là mức cao nhất trong lịch sử của công ty.
Về cơ cấu tài chính, nợ vay tài chính ngắn hạn chiếm toàn bộ với tổng giá trị 27.437 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của TCBS đạt 30.063 tỷ đồng, tăng 14,3% sau 6 tháng.
Ngày 5/7 vừa qua, ĐHĐCĐ của TCBS đã thông qua kế hoạch IPO, theo đó công ty sẽ bán tối đa 231 triệu cổ phần ra công chúng, tương đương 11,1% vốn điều lệ. Sau đợt IPO, vốn điều lệ của TCBS tăng từ 20.801 tỷ đồng lên 23.113 tỷ đồng. Mức giá chào bán cụ thể hiện vẫn chưa được công bố.
Về phương án sử dụng vốn sau IPO, khoảng 70% số tiền huy động được sẽ được đầu tư vào hoạt động tự doanh, bao gồm các mảng như cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm đầu tư khác. Khoảng 30% còn lại sẽ được phân bổ cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi như môi giới chứng khoán, giao dịch ký quỹ và ứng trước tiền bán chứng khoán.
Trước đó, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết TCBS đang làm việc với 1-2 nhà đầu tư lớn tiềm năng cho giai đoạn pre-IPO, với phản hồi ban đầu rất tích cực. Ông Hồ Hùng Anh nhấn mạnh, sau khi IPO, việc sử dụng vốn hiệu quả để duy trì ROE cao là ưu tiên hàng đầu.
Ngày 10/6, TCBS đã hoàn tất chào bán hơn 118,8 triệu cổ phần riêng lẻ, thu về hơn 1.188 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên gần 20.802 tỷ đồng - cao nhất ngành chứng khoán. Chủ tịch Nguyễn Xuân Minh mua hơn 106,1 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên 8,09%.
Nhiều lãnh đạo cấp cao khác của TCBS cũng tham gia mua cổ phần trong đợt phát hành này. Thương vụ IPO sắp tới của TCBS được kỳ vọng sẽ tạo “cơn sốt” mới, trong bối cảnh thị trường đang khan hiếm các thương vụ chào sàn lớn. Theo ước tính, từ 2025-2027, tổng giá trị các thương vụ IPO có thể đạt 47,5 tỷ USD, chưa bao gồm doanh nghiệp Nhà nước.