Nghị quyết được Quốc hội thông qua gồm 3 Điều, trong đó quyết nghị: Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 616/BC-ĐGS ngày 13/5/2024 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu.
Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong Báo cáo số 616/BC-ĐGS ngày 13/5/2024 của Đoàn giám sát.
Chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất phát huy hiệu quả cao
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 899/BC-UBTVQH15 Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
UBTVQH tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), thể hiện nội dung này tại điểm a khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư...
Trường hợp không thể hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch, Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, chủ đầu tư, chủ quản dự án, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025 và đình chỉ hoặc không tiếp tục thực hiện các dự án hiệu quả thấp, chưa giải ngân.
Đối với đề nghị xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ lãi suất, chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc làm và chương trình cho vay để mua nhà, thuê mua nhà theo chính sách về nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch, ổn định đời sống và phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, UBTVQH cho biết, qua kết quả giám sát cho thấy, chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả cao và cần nghiên cứu, cân đối nguồn lực để triển khai thực hiện. Theo quy định hiện hành, các chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay nhà ở xã hội và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được tiếp tục triển khai thực hiện. Tuy nhiên, một số chính sách tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hết thời gian thực hiện và kết thúc từ 31/12/2023. Việc tiếp tục triển khai cần được đánh giá và có giải pháp tổng thể, hài hòa, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và khả năng đáp ứng của nguồn lực. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung quy định giải pháp về nội dung này tại điểm c khoản 1 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.
Đối với ý kiến ĐBQH đề nghị quy định trường hợp không thể hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch thì Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan và chủ động quyết định các giải pháp tổ chức thực hiện dự án, không nhất thiết phải báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài để giảm thủ tục trong triển khai thực hiện, UBTVQH đồng tình và cho hay, việc chủ động quyết định, tổ chức thực hiện các giải pháp để sử dụng nguồn vốn hiệu quả theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ, địa phương.
Tuy nhiên, trường hợp phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án sau thời hạn ngày 31/12/2024 theo quy định tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 liên quan đến dự toán NSNN hằng năm theo quy định của Hiến pháp, Luật NSNN, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền. Vì vậy, UBTVQH xin thể hiện như dự thảo Nghị quyết để phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội.
Chốt giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024
Quốc hội đã thông qua nghị quyết giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội từ ngày 1/7/2024 đến hết 31/12/2024.
Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm đạt mục tiêu đề ra. Chịu trách nhiệm điều hành, thực hiện nhiệm vụ thu, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo nghị quyết của Quốc hội. Đảm bảo nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán và nhu cầu cấp bách phát sinh.
Với quyết sách này, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% sẽ được giảm thuế 2% thuế VAT (còn 8%).
Trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, khai khoáng (trừ khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt...
Minh Nhật