‘Chốt’ phương án xử lý hơn 13 triệu m3 chất thải nạo vét dự án bến cảng hơn 14.200 tỷ đồng tại miền Trung

31/10/2024 - 20:14
(Bankviet.com) Tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt phương án xử lý hơn 13 triệu m³ chất thải nạo vét từ ‘đại dự án’ bến cảng Mỹ Thủy, với quy mô 10 bến và vốn đầu tư lên tới 14.234 tỷ đồng.

Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy, với tổng vốn đầu tư lên tới 14.234 tỷ đồng, vừa nhận được sự phê duyệt quan trọng từ UBND tỉnh Quảng Trị về phương án xử lý sản phẩm nạo vét. Theo đó, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng, đã thống nhất địa điểm tiếp nhận và phương án xử lý hơn 13 triệu m³ chất thải phát sinh từ quá trình thi công Giai đoạn 1 của dự án.

Chủ đầu tư là Công ty CP Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) sẽ phải đảm bảo tiến độ và công năng hoạt động của các khu chức năng khi dự án chính thức đi vào hoạt động.

Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị, khối lượng nạo vét trong giai đoạn đầu tiên của dự án bến cảng Mỹ Thủy là khoảng 13,22 triệu m³. Trong đó, hơn 988.000 m³ là cát trắng, đạt tiêu chuẩn sử dụng trong lĩnh vực kính và sản xuất khuôn đúc, trong khi phần còn lại, 12,23 triệu m³ cát, có thể dùng làm vật liệu san lấp.

Phương án xử lý sản phẩm nạo vét

Theo phương án do Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất, cát trắng sẽ được tập kết tại khu vực 25 ha của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản VICO Quảng Trị sau khi hoàn thành việc đóng cửa mỏ.

Phần còn lại sẽ được lưu trữ trong các khu vực thuộc phạm vi giai đoạn 1, 2 và 3 của dự án. Khảo sát cho thấy sản phẩm nạo vét không chứa bùn và tạp chất, do đó, phương án nhận chìm đã được loại trừ.

Phối cảnh đại dự án Cảng Mỹ Thủy
Phối cảnh đại dự án Cảng Mỹ Thủy

Hiện MTIP đang tiến hành tìm kiếm nguồn tiêu thụ cho khối lượng nạo vét khổng lồ này. Dự kiến, sản phẩm nạo vét sẽ được tập kết đến năm 2030 và điều chỉnh quy mô, chiều cao các bãi chứa theo tình hình thực tế.

Đây là bước chuẩn bị quan trọng để MTIP có thể tiến hành các thủ tục tiếp theo, bao gồm đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự kiến nộp lên Bộ Tài Nguyên và Môi trường vào quý IV/2024, lập hồ sơ xin chuyển đổi rừng, và cắm mốc giải phóng mặt bằng cho giai đoạn tiếp theo.

Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy, nằm trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 16/QĐ-TTg vào ngày 4/1/2019. Dự án có quy mô lớn, gồm 10 bến cảng, đầu tư trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2035, với tổng vốn đầu tư 14.234 tỷ đồng. Giai đoạn đầu của dự án từ 2018-2025 được phê duyệt với 4 bến, tổng vốn 6.073 tỷ đồng.

Hiện nay, MTIP đang gấp rút thực hiện các hạng mục của dự án, đặt mục tiêu hoàn thành ít nhất một bến vào cuối năm 2025. Việc xử lý hợp lý và nhanh chóng sản phẩm nạo vét là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tiến độ của dự án và không làm ảnh hưởng đến công năng hoạt động của bến cảng khi đi vào hoạt động.

Bóng dáng Sam Holding tại ‘đại dự án’

Công ty CP SAM Holdings (HOSE: SAM) đã khẳng định vai trò lớn tại dự án cảng Mỹ Thủy sau khi nắm giữ 36% cổ phần tại Công ty CP Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP). Thương vụ mua 2.154.083 cổ phần vào đầu năm 2022 với giá trị theo mệnh giá hơn 215,4 tỷ đồng đã giúp SAM Holdings có quyền kiểm soát đáng kể trong các quyết sách của dự án bến cảng quy mô lớn này.

Đến đầu năm 2023, tổng giá trị đầu tư của SAM Holdings vào dự án này đã đạt gần 720 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh giảm xuống còn 671,4 tỷ đồng vào cuối năm.

Tháng 1/2022, ông Nguyễn Minh Tùng, Phó TGĐ SAM đã được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc MTIP, thay cho ông Cho GilHyung.

Về tình hình kinh doanh, quý 3/2024, SAM Holdings ghi nhận doanh thu 918,82 tỷ đồng, tăng mạnh 76,6% so với cùng kỳ năm trước, với lợi nhuận sau thuế đạt 8,14 tỷ đồng, tăng 7,2%. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp đã giảm từ 6,9% xuống còn 5,3%, do tác động từ biến động chi phí và tình hình thị trường.

Lãi ròng hợp nhất của SAM tăng nhẹ trong quý 3/2024
Lãi ròng hợp nhất của SAM tăng nhẹ trong quý 3/2024

Chi tiết báo cáo tài chính quý 3/2024 cho thấy lợi nhuận gộp của SAM Holdings tăng 34,7% so với cùng kỳ, đạt 48,46 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm 48,3%, xuống còn 15,48 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 36,4%, xuống 13,29 tỷ đồng; và lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm còn âm 7,32 tỷ đồng. Trong kỳ, lợi nhuận hợp nhất từ hoạt động kinh doanh vẫn thấp hơn tổng chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp 5,54 tỷ đồng. SAM chỉ thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, SAM Holdings đạt doanh thu 3.177,21 tỷ đồng, tăng mạnh 118,8% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 82,65 tỷ đồng, tăng 233,8%. Như vậy, SAM đã vượt 102,8% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

Về quy mô tài sản, tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của SAM Holdings tăng 2,6% lên 6.762,2 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào các khoản đầu tư tài chính dài hạn chiếm 31,1% và các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 26,4%.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch chiều 31/10, cổ phiếu SAM của công ty dao động quanh mức 6.700 đồng/CP

Kiều Linh

Kiều Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán