Chu kỳ suy thoái sẽ sớm đi qua
Theo ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BSC), định tính chu kỳ của nền kinh tế là một điều hiển nhiên. Chúng ta không thể lẩn tránh chu kỳ ấy, nhưng vấn đề là chúng ta có nhận thức rõ đang ở trong một chu kỳ như thế nào, để từ đó có những quyết sách phù hợp.
Ông Trần Thăng Long - CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BSC) |
“Tôi nghĩ rằng với những điều kiện hiện tại thì Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ vượt qua chu kỳ suy giảm này tốt nhất. Bởi lẽ, ngoài vấn đề độ trễ về chính sách, tăng trưởng GDP hai quý đầu năm so với cùng kỳ năm trước đã là 6,4%. Thêm vào đó, thành phần của GDP Việt Nam thì tỷ lệ GDP đến từ dịch vụ và đến từ sản xuất công nghiệp và xây dựng khoảng 70%, cho thấy một mức độ bền vững cao hơn so với các giai đoạn trước đây", ông Long trao đổi trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8.
Lưu ý thêm, ông Long dẫn chứng: Các yếu tố khác liên quan đến đầu tư vào sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, đến khối đầu tư FDI cũng đều khá khả quan so với khu vực chung cũng như so với thế giới. Lạm phát ở Việt Nam cũng ở mức độ rất vừa phải so với các quốc gia khác.
Một điểm cũng rất quan trọng là Việt Nam có cơ cấu dân số khá trẻ và năng động, đảm bảo cho quá trình tăng trưởng của tiêu dùng trong nước. Ngoại trừ thời gian dịch bệnh nổ ra thì tiêu dùng luôn luôn tăng trưởng ở mức trên 12-13%/năm. Đây là một động lực rất quan trọng để giúp cho Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt, kể cả trong trường hợp các quốc gia khác bắt đầu đi vào vùng suy thoái.
"Chúng tôi đánh giá rằng, năm 2022 có thể là một năm GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng rất mạnh và từ 2023 trở đi, kể cả khi suy thoái, tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn sẽ duy trì ở mức cao trên 5%, cao hơn rất là nhiều so với các quốc gia khác”, ông Long nhận định.
Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, theo ước tính của BSC, kết quả kinh doanh năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết cũng tăng trưởng khá tốt với mức trung bình tăng trưởng lợi nhuận trên 20%, mức khá so với trung bình của nhiều năm cũng như so với các quốc gia khác trong khu vực.
Nhà đầu tư nên làm gì lúc này?
Đồng quan điểm, ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp, Đại học Bristol (Anh) cho rằng Việt Nam cũng có các vấn đề tương tự như các nước, như chu kỳ kinh tế. Nhưng khó có thể nói rằng Việt Nam sẽ phải suy thoái như các nước. Đó là một câu chuyện khác bởi chúng ta có tăng trưởng kinh tế cao, có khó khăn hơn về xuất khẩu nhưng chúng ta vẫn có tăng trưởng xuất khẩu.
“Đừng quên là Trung Quốc trước đây có chính sách Zero Covid - một giai đoạn mà người dân siết chặt chi tiêu, nhưng khi mở lại thì người dân sẽ gia tăng chi tiêu lên và đó cũng là một tấm nệm về tiêu dùng. Vì những yếu tố này nên tôi nghĩ Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng dương và hiện nay chi tiêu rất thấp nên vẫn còn dư địa để giải quyết về mặt chính sách. Làm thế nào để chi tiêu công được tốt hơn, thúc đẩy về đầu tư hạ tầng... Những yếu tố đó vẫn có thể đẩy chúng ta qua khỏi giai đoạn khó khăn, không đi vào suy thoái”, ông Tuấn nhìn nhận. “Trong bối cảnh đó, chúng ta không thể đoán được một cách chắc chắn diễn biến của thị trường chứng khoán sẽ như thế nào... Câu chuyện hiện nay là lượng tiền mặt trên thị trường ở mức cao nhất trong lịch sử hơn 15 năm trở lại đây ở các quỹ đầu tư. Có nghĩa là có một lượng tiền rất lớn đang sẵn sàng đầu tư vào thị trường”.
Khuyến nghị hành động tiếp theo, ông Trần Thăng Long cho rằng nhà đầu tư nên hạn chế việc dự báo thị trường trong ngắn hạn, thay vào đó cần xác định rằng đây là một giai đoạn thị trường ở vùng sát đáy nhưng nó không dễ dàng xác định và có thể kéo dài thêm một thời gian.
Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp, Đại học Bristol (Anh) |
“Thay vì cố gắng dự báo mức đáy thì chúng ta sẽ chia tiền ra thành nhiều phần khác nhau, giải ngân trước một phần để tránh tình trạng nếu thị trường có phục hồi trở lại sớm hơn bình thường lại không có sẵn sàng những cổ phiếu ở trong tài khoản, còn những phần giải ngân sau thì sẵn sàng giải ngân khi thị trường bắt đầu phục hồi trở lại. Giai đoạn này, những ngành thiên về phòng thủ, liên quan đến năng lượng, điện, hóa chất… là những ngành đang chiếm ưu thế và đang thu hút dòng tiền. Ngoài ra, bất cứ một đợt suy giảm nào bao giờ cũng sẽ có những đợt phục hồi đi kèm với nó, quy mô phục hồi tùy vào sức mạnh của thị trường. Nhưng nếu nhà đầu tư nào quan tâm đến yếu tố ngắn hạn thì có thể quan tâm vào những ngành nào suy giảm nhiều nhất trong giai đoạn trước đó”, ông Long khuyến nghị.
Ông Hồ Quốc Tuấn chia sẻ thêm, quá trình phân bổ vốn của các quỹ đầu tư hiện nay là đi vào phòng thủ trước, tức là vốn đang đổ vào các cổ phiếu giá trị (Value Stock), nó không có kỳ vọng tăng trưởng quá lớn nhưng có thể chi cổ tức tốt hoặc có mức định giá hợp lý.
"Trong giai đoạn phòng thủ ở Việt Nam, nhà đầu tư nên xem xét những cổ phiếu có xu thế tốt về mặt lợi nhuận. Ví dụ như xu thế chuyển đổi số, về cung cấp phần mềm, xuất khẩu phần mềm… Tiếp đến là những cổ phiếu về hàng tiêu dùng thiết yếu vì lợi nhuận của họ vẫn ổn định và chia cổ tức, trả cổ tức tốt", ông Tuấn gợi ý.
Ngành nào mới đang thực sự hấp dẫn?
Dựa trên 86 công ty trong phạm vi phân tích của SSI Research, ước tính tăng trưởng lợi nhuận bình quân sẽ đạt 19,6% cho năm 2022 (giảm so với mức 21,3% trong báo cáo tháng trước) và 14,8% cho năm 2023.
P/E của thị trường đang được định giá là 11 lần cho năm 2022 và 9,7 lần cho năm 2023. Tuy nhiên, ngành ngân hàng được dự báo vẫn tiếp tục có những kết quả khả quan trong ngắn hạn, do rủi ro từ bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự lộ diện rõ nét.
Không tính lĩnh vực ngân hàng, thì tỷ lệ P/E năm 2022 và 2023 sẽ lần lượt là 14,5 lần và 13,1 lần, đây không phải là mức quá hấp dẫn so với mức trong quá khứ.
Các ngành đang có sự phân hóa khá rõ nét với mức tăng trưởng lợi nhuận đạt đỉnh ở các thời điểm khác nhau. Một số ngành được dự báo triển vọng lợi nhuận không khả quan trong 1-2 quý tới, và trên thực tế giá cổ phiếu những ngành này đã bắt đầu điều chỉnh từ khi tăng trưởng lợi nhuận đạt đỉnh (ví dụ ngành thép với tăng trưởng lợi nhuận đạt đỉnh trong quý 2 năm 2021).
Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận ở một số ngành khác vẫn chưa đạt mức đỉnh. SSI Research khuyến nghị giảm tỷ trọng đối với những ngành mà lợi nhuận đã đạt đỉnh trong quý 2 hoặc quý 3 năm 2022.
Năm 2023 sẽ là một năm tăng trưởng dựa vào hoạt động đầu tư. Các gói kích thích kinh tế có thể sẽ giải ngân mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022, nhưng dự đoán phần lớn các gói kích thích này sẽ được giải ngân vào năm 2023. Mặt khác, FDI vẫn là động lực quan trọng đối với tăng trưởng của Việt Nam. Cả hai yếu tố này sẽ là chủ điểm đầu tư của Việt Nam trong dài hạn.
Các ngành được đánh giá tích cực gồm bất động sản công nghiệp, bảo hiểm, công nghệ thông tin, y tế. Các ngành còn lại bị đánh giá gồm liên quan đến hàng hóa may mặc, thủy sản, đồ gỗ, cảng.
SSI Research cũng nêu quan điểm tích cực trong ngắn hạn đối với ngành ngân hàng. Rủi ro từ nợ tái cấu trúc do Covid có thể không đáng lo ngại tại các ngân hàng lớn. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu ở mức 38-39%. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn của ngành ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023.
Theo ước tính, một phần tư tổng số trái phiếu bất động sản đã phát hành sẽ đáo hạn vào năm 2022, trong khi 65% sẽ đến hạn vào năm 2023 và 2024. Rủi ro này sẽ thể hiện rõ hơn vào chất lượng tài sản của các ngân hàng từ năm 2023.
Chi phí huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản đang tăng lên, trong khi các khoản vay mua nhà có thời gian ân hạn 2020-2022 sẽ hết thời gian ưu đãi và có rủi ro trở thành nợ xấu vào năm 2023 khi các khoản thanh toán gốc và lãi đến hạn (trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất động sản bị thắt chặt).
Cổ phiếu ngân hàng là nhóm ngành ưa thích trong ngắn hạn SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu ở mức 38-39%. ... |
Thị trường chứng khoán vượt qua giai đoạn khó khăn, VN-Index sẽ đạt mốc 1.260-1.300 điểm? Sau nhịp điều chỉnh mạnh thời gian qua, thị trường đã xuất hiện nhiều cổ phiếu có mức P/E và P/B tốt để đầu tư ... |
Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra 2 kịch bản cho VN-Index trong tháng 8/2022 Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), sau nhịp hồi phục, tâm lý tiêu cực quay trở lại có thể lấn át những nỗ lực ... |
Linh Đan