Ngày 27/11/2023, SMFG đã ra thông cáo báo chí cho biết, ông Jun Ohta, Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn, đã qua đời vào hôm thứ Bảy ngày 25/11/2023. Do đó, Phó chủ tịch đương nhiệm là ông Toru Nakashima sẽ tạm thời đảm đương vị trí mà ông Ohta để lại cho tới khi Tập đoàn lựa chọn được người kế nhiệm mới.
Thông cáo báo chí của SMFG |
Chia sẻ với Bloomberg, người phát ngôn của tập đoàn tài chính này tiết lộ, ông Ohta qua đời vì căn bệnh ung thư tuyến tuỵ. Trước đó, tình trạng sức khoẻ của người đứng đầu SMFG đã thu hút sự chú ý của dư luận khi ông không thể tham dự cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh diễn ra hồi đầu tháng. Khi ấy, SMFG cho biết, ông Ohta vắng mặt vì lý do sức khoẻ. Đây cũng là lần đầu tiên tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản thừa nhận có gì đó không ổn đối với CEO của họ.
Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) là một trong ba định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản, hoạt động tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với quy mô tổng tài sản ước tính lên tới 2.110 tỷ USD. SMFG cũng được biết đến với tư cách là một megabank (siêu ngân hàng) khi sở hữu sở hữu một hệ sinh thái đồ sộ gồm một loạt các nhà băng và công ty tài chính, chứng khoán. Trong đó,“linh hồn” của SMFG là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - ngân hàng thương mại đầu tiên của Nhật Bản và cũng là ngân hàng lớn thứ hai tại quốc gia này. |
Từng làm việc ở Singapore với tư cách quản lý cấp trung, ông Ohta trở thành người ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch phát triển các dịch vụ ngân hàng toàn diện tại các thị trường trọng điểm ở châu Á của SMFG. Bên cạnh đó, ông cũng là người phụ trách việc tăng cường đầu tư của “siêu ngân hàng” này vào Jefferies Financial Group Inc, nhằm thúc đẩy hoạt động tại thị trường Mỹ.
Trong các cuộc phỏng vấn, ông Ohta thường sử dụng cụm từ “ngân hàng là một ngành kinh doanh theo GDP”, với ngụ ý vận mệnh của doanh nghiệp gắn liền với sự tăng trưởng kinh tế của nước sở tại.
Dưới thời ông Ohta, trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm và rơi vào tình trạng giảm phát, SMFG đã chọn bốn quốc gia châu Á – Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines – làm thị trường trọng tâm và đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực này.
Ông Jun Ohta, Chủ tịch kiêm CEO của SMFG, người đứng sau chiến lược mở rộng tại châu Á của Tập đoàn, đã qua đời ở tuổi 65 |
Từng là cầu thủ trong đội tuyển bóng đá của một trường Đại học tại Mỹ, ông Ohta nổi tiếng bởi tính cách thẳng thắn và khiêm tốn. Cố Chủ tịch kiêm CEO của SMFG đã phá vỡ khuôn mẫu đối với nhân sự ngành ngân hàng khi thông qua quy định cho phép nhân viên của mình mặc đồ thoải mái hơn ở công sở và khuyến khích những người lao động trẻ tuổi thành lập các công ty khởi nghiệp nội bộ.
Ông Toyoki Sameshima, nhà phân tích của Công ty Chứng khoán SBI tại Tokyo khẳng định, những di sản mà ông Ohta để lại sẽ có giá trị lâu dài: “Ohta là một người thẳng thắn. Chính sách của ông ấy sẽ được tiếp tục bởi bất cứ người kế nhiệm nào”.
Ông Jun Ohta là một trong những lãnh đạo ngân hàng đầu tiên ở Nhật Bản công khai nhấn mạnh về sự cần thiết phải chuẩn bị đón đầu những cơ hội từ kỷ nguyên lãi suất tăng cao. Khi lạm phát bắt đầu gia tăng ở Nhật Bản, cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh với kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương nước này sẽ sớm bãi bỏ chính sách lãi suất âm kéo dài suốt 7 năm trước đó.
Theo Bloomberg, cổ phiếu của SMFG đã tăng 42% trong năm nay và tăng hơn 90% kể từ khi ông Ohta nhậm chức hồi tháng 4/2019. Trong phiên giao dịch thứ Hai ngày 27/11/2023 tại Tokyo, cổ phiếu này đã tăng 2,1%, ngang bằng với mức tăng của các doanh nghiệp cùng ngành.
Triển vọng về doanh thu là trợ lực quan trọng cho sự tăng trưởng nói trên, đồng thời cũng mang lại lợi ích cho cả các “kỳ phùng địch thủ” của của SMFG là Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. và Mizuho Financial Group Inc.
Bloomberg cho hay, trong tháng này, Sumitomo Mitsui đã nâng dự báo doanh thu ròng lên mức 920 tỷ yên (tương đương 6,2 tỷ USD) cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3 - mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động của “siêu ngân hàng” này. Ngoài ra, nhà băng lâu đời nhất Nhật Bản cũng tiết lộ kế hoạch chi 150 tỷ yên để mua lại cổ phiếu.
Ông Jun Ohta được người trong ngành đánh giá là người có tầm nhìn xa |
Chia sẻ về sự ra đi của ông Jun Ohta, Hiệp hội Ngân hàng Nhật Bản cho rằng, đây là một mất mát vô cùng đáng tiếc. Ông Masahiko Kato, Chủ tịch nhóm vận động hành lang kiêm Giám đốc điều hành của Ngân hàng Mizuho bày tỏ: “Là người quản lý cấp cao của một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất đất nước, ông ấy đã tích cực làm việc vì sự thành công của ngành tài chính”.
Điều tồi tệ nhất xảy ra đối với SMFG dưới thời ông Ohta đó là việc công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities Inc, bị cáo buộc thao túng thị trường hồi đầu năm nay. Hiện tại, một số cựu giám đốc điều hành của công ty này vẫn đang trong quá trình xét xử. Sự kiện này đã khiến ông Ohta bị giảm lương trong 6 tháng.
Dù vậy, không thể phủ nhận những đóng góp mà cố doanh nhân đã đóng góp cho SMFG. Trong đó phải kể đến sự nỗ lực thúc đẩy số hoá ngân hàng. Cố Chủ tịch kiêm CEO Ohta đã tăng cường liên minh với SBI Holdings Inc. bằng cách mua cổ phần trong công ty điều hành công ty môi giới trực tuyến lớn nhất Nhật Bản này, qua đó thu hút thế hệ khách hàng trẻ tuổi, am hiểu công nghệ.
Hồi tháng 3, Sumitomo Mitsui đã ra mắt ứng dụng di động “all-in-one” (tất cả trong một) nhằm thu hút người dùng bằng các chương trình tặng thưởng. Thời điểm đó, ông Ohta cho biết, một khi lãi suất của Nhật Bản bắt đầu tăng, quy mô của ngân hàng và tiền gửi sẽ mang lại lợi thế lớn cho lợi nhuận của SMFG.
“Ohta đã thực hiện một bước đi quan trọng để thu hút tiền gửi và khách hàng trước các đối thủ bằng ứng dụng Olive. Ông ấy là người có tầm nhìn xa”, nhà phân tích Toyoki Sameshima nhận xét.
Như đã nói ở trên, dưới thời ông Jun Ohta, SMFG có xu hướng đẩy mạnh rót vốn vào các thị trường mới nổi châu Á như Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines... Hàng loạt thương vụ đầu tư có giá trị lên tới hàng trăm, hàng tỷ USD vào các thị trường này đã phản ánh đúng chiến lược tìm kiếm động lực tăng trưởng bên ngoài Nhật Bản mà “thuyền trường” của SMFG theo đuổi.
Như một phần trong nỗ lực tìm kiếm cơ hội tăng trưởng ở Đông Nam Á, tháng 9/2022, cố Chủ tịch kiêm CEO Jun Ohta đã từng có chuyến thăm trụ sở Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) để tận mắt chứng kiến hoạt động của nhà băng này. Đây được xem là khởi đầu cho thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam: SMBC – pháp nhân lõi trong hệ sinh thái SMFG chi 1,5 tỷ USD (35.900 tỷ đồng) cho 15% cổ phần của VPBank.
Sau khi “chốt deal” bằng một lễ ký kết diễn ra vào cuối tháng 3, ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2023 của VPBank, SMBC đã cọc 10%. Đến ngày 20/10, hai bên đã chính thức “về chung một nhà” sau khi VPBank hoàn tất giao dịch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho hàng lớn thứ hai Nhật Bản.
SMBC đã chi 35.900 tỷ đồng (1,5 tỷ USD) cho 15% cổ phần của VPBank |
VPBank cho hay, sự xuất hiện của Sumitomo Mitsui với tư cách cổ đông chiến lược góp phần củng cố năng lực tài chính dài hạn và giúp nhà băng này đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong chiến lược phát triển 5 năm lần thứ 3 (2022-2026). Sau thương vụ M&A đình đám này, tổng vốn chủ sở hữu của VPBank được nâng từ mức 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng, theo tính toán của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, tăng lên gần 19% – dẫn đầu trong các ngân hàng tại Việt Nam.
Về phía Sumitomo Mitsui, “gã khổng lồ” ngành ngân hàng Nhật Bản kỳ vọng, thông qua một ngân hàng bản địa như VPBank, Tập đoàn có thể gia tăng sự hiện diện và mở ra cơ hội cung cấp vốn cho các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà họ quan tâm như như xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kinh doanh tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường, phát triển bền vững.
Trước VPBank, SMBC đã từng tham gia nhiều thỏa thuận đầu tư quy mô lớn với các định chế tài chính lớn tại Việt Nam. SMBC đã chi khoảng 225 triệu USD (khoảng 3.650 tỷ đồng) cho 15% vốn điều lệ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) vào năm 2007 nhưng đã rời đi vào năm 2018, sau cuộc chiến quyền lực dai dẳng tại nhà băng này. Ngân hàng lớn thứ hài Nhật Bản cũng đã rót 173 triệu USD (khoảng 4.012 tỷ đồng) đê rmua thêm 41,4 triệu cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH). Đến năm 2021, SMBC tiếp tục chi 1,4 tỷ USD (khoảng 33.000 tỷ đồng) để mua lại 49% vốn của FE Credit - một đơn vị thành viên của VPBank.
Trong lĩnh vực bất động sản, năm 2019, SMBC từng bắt tay với Tập đoàn BRG thành lập liên doanh để triển khai dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội nằm trong quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD đã chính thức động thổ vào tháng 10/2019 và từ đó đến nay chưa triển khai thêm.
Cũng trong năm 2019, SMBC đã đạt được thỏa thuận với tỉnh Hưng Yên về việc phát triển giai đoạn 3 để mở rộng khu công nghiệp Thăng Long II tại huyện Yên Mỹ và Mỹ Hào và từng bày tỏ ý định rót thêm 3.000 tỷ đồng vào đây.
Ngoài ra, SMBC còn đầu tư vào Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (vốn đầu tư 2,58 tỷ USD) và theo đuổi dự án này suốt 12 năm.
VPBank sắp “bỏ túi” 1,5 tỷ USD từ thương vụ bán vốn cho SMBC Ngày 15/9, Ngân hàng VPBank vừa công bố thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có văn bản xác nhận về việc ... |
41 thương vụ M&A tổng trị giá 3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, ngành tài chính và tiêu dùng dẫn sóng VPBank bán 49% vốn tại FE Credit cho đại gia Nhật Bản Sumitomo Mitsui (SMBC) là thương vụ M&A lớn nhất Việt Nam trong 9 ... |
Eximbank và SMBC của Nhật Bản chính thức “đường ai nấy đi” Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corp (SMBC) đã công bố văn bản chính thức về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với ... |
Hà Lê