Chủ tịch Trần Đình Long: “Không có chuyện Hòa Phát dừng dự án ở Hưng Yên"
Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định tại ĐHĐCĐ 2025 rằng Hòa Phát không dừng dự án ở Hưng Yên, bác bỏ tin đồn sai lệch và cam kết tiến độ vẫn được đảm bảo.
Sáng 17/4, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 tại Hà Nội, ghi dấu một cột mốc đáng nhớ khi số lượng cổ đông tham dự trực tiếp và ủy quyền lên tới 1.046 người – mức cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử hoạt động của tập đoàn. Các đại biểu đại diện cho 4,12 tỷ cổ phần, tương đương 64,5% số cổ phần có quyền biểu quyết, đáp ứng đủ điều kiện tổ chức đại hội theo Luật Doanh nghiệp.

Tại sự kiện, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long công bố thông tin đáng chú ý: Hòa Phát hiện có 194.000 cổ đông – con số kỷ lục trong số các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Ông gọi đây là minh chứng cho niềm tin của thị trường vào doanh nghiệp, khẳng định Hòa Phát không chỉ là “cổ phiếu quốc dân” mà còn được ví như “công ty quốc dân”, gắn liền với sứ mệnh phục vụ nền kinh tế Việt Nam.
Chia sẻ tại đại hội, ông Trần Đình Long cũng thừa nhận năm 2025 đang diễn ra trong bối cảnh nhiều bất định. Dù Mỹ đã tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Theo ông, Hòa Phát luôn duy trì tinh thần phòng thủ, vận hành bài bản và cẩn trọng để thích nghi linh hoạt trước mọi kịch bản, kể cả kịch bản xấu.
Về kết quả kinh doanh quý I, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 37.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.300 tỷ đồng. Đây được xem là bước khởi đầu tích cực để hướng tới kế hoạch cả năm với mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ đồng và lợi nhuận 15.000 tỷ đồng.
Trả lời cổ đông về tiến độ Dự án Dung Quất 2, ông Long cho biết giai đoạn 1 của dự án đang được triển khai gấp rút, với sự tham gia của hơn 1.400 cán bộ kỹ thuật và công nhân. Các hạng mục cán và đúc đã hoàn tất, chỉ còn chờ lò cao đi vào hoạt động. Dự kiến đến tháng 9 năm nay, lò cao số 6 sẽ vận hành, đưa Dung Quất 2 bước vào giai đoạn sản xuất thực tế. Khi hoàn thành toàn bộ dự án, Hòa Phát sẽ nâng tổng công suất lên khoảng 15 triệu tấn thép mỗi năm.
Về hoạt động kinh doanh thép cuộn cán nóng (HRC), ông Long cho biết toàn bộ sản lượng hiện tại đều đã có đơn đặt hàng. Khách hàng thường ký trước hợp đồng từ một đến hai tháng và thanh toán trước, giúp công ty duy trì dòng tiền ổn định và hạn chế phát sinh công nợ. Mặc dù biên lợi nhuận không dễ cải thiện do giá nguyên vật liệu đầu vào và áp lực cạnh tranh trong nước, việc không tồn kho và tiêu thụ hết sản phẩm được xem là tín hiệu tích cực đối với hiệu quả sản xuất.
Đề cập đến sự xuất hiện của các đối thủ mới trong ngành, Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định Hòa Phát không lo ngại trước cạnh tranh. “Đã có thêm vài doanh nghiệp mới như Xuân Thiện hay ở Lào Cai. Tuy nhiên, tôi cho rằng làm thép là cuộc chơi rất dài và gian nan. Hoà Phát chưa bao giờ sợ cạnh tranh. Tôi từng nói đùa là mất cái thần sợ lâu rồi, nên tôi không lo ngại những cái tên mới vào thị trường”, Chủ tịch Hòa Phát chia sẻ.
Trước câu hỏi của cổ đông liên quan đến dự án container, ông Long thông tin rằng nhà máy sản xuất container đang hoạt động hết công suất với sản lượng tiêu thụ tháng 4 đạt trên 4.000 TEU. Các đơn hàng đã ký kín đến tháng 6. Dù ngành hàng hải toàn cầu phục hồi chưa đồng đều, Hòa Phát vẫn duy trì vận hành tối đa và sẵn sàng điều chỉnh linh hoạt theo thị trường.
Một trong những điểm được cổ đông đặc biệt quan tâm là kế hoạch cổ tức năm 2024. HĐQT đã trình phương án chia cổ tức 15%, gồm 5% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu. Ông Long cho biết, mặc dù đang ở trạng thái phòng thủ do ảnh hưởng từ biến động thuế quan, việc vẫn đảm bảo cổ tức là nỗ lực lớn của tập đoàn. Ông cũng cam kết, nếu không có gì đột biến, từ năm 2026–2027, Hòa Phát sẽ quay trở lại chính sách cổ tức truyền thống, phù hợp với kỳ vọng cổ đông lâu năm.
Liên quan đến mảng bất động sản, ông Long tái khẳng định rằng Hòa Phát là một tập đoàn thép, bất động sản chỉ chiếm từ 5–7% trong tổng cơ cấu. Tuy nhiên, trong phân khúc nhà ở xã hội, Hòa Phát đã triển khai thí điểm một dự án tại Hưng Yên và đạt kết quả ban đầu tích cực. Trong thời gian tới, nếu có quỹ đất và điều kiện phù hợp tại các địa phương khác, tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai nhưng vẫn giữ tỷ lệ bất động sản ở mức kiểm soát.
Về thông tin lan truyền trên thị trường liên quan đến việc dừng dự án tại Hưng Yên, Chủ tịch Trần Đình Long bác bỏ tin đồn này và khẳng định không có bất kỳ thay đổi nào. Một số trục trặc hành chính nhỏ tại Thái Bình có thể đã gây hiểu lầm nhưng không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai tại Hưng Yên hay các dự án khác của tập đoàn.
Trả lời cổ đông về kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất HRC, ông Long cho biết tập đoàn hiện đang khảo sát và chưa đưa ra quyết định đầu tư chính thức. Với tốc độ tiêu thụ tăng trưởng 3–5% mỗi năm, tiềm năng mở rộng vẫn còn, nhưng Hòa Phát sẽ tính toán kỹ lưỡng trước khi công bố dự án mới.
Một phần quan trọng khác trong định hướng chiến lược dài hạn được ông Long chia sẻ là kế hoạch sản xuất thép đường ray – một lĩnh vực mới mà Hòa Phát chưa từng tham gia trước đó. Tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 9/2024, Hòa Phát được giao nhiệm vụ sản xuất đường ray tàu hỏa cho các tuyến đường sắt quốc gia. Doanh nghiệp hiện đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất đường ray nằm trong dự án Dung Quất 2 với tổng vốn khoảng 14.000 tỷ đồng.
Ông Long cho biết Hòa Phát có đủ năng lực để cung cấp toàn bộ các hạng mục từ thép ray, thép kết cấu cho cầu hầm, đến vật tư cho đường sắt cao tốc và đô thị. Nếu nghị định của Bộ Xây dựng được Chính phủ phê duyệt, doanh nghiệp sẽ chính thức nhận đơn hàng và tiến hành sản xuất quy mô lớn. Hòa Phát cũng đã đưa ngành “xây dựng công trình đường sắt” vào danh mục ngành nghề đăng ký kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ cho giai đoạn triển khai.
Chia sẻ cuối cùng tại Đại hội, ông Trần Đình Long nhấn mạnh rằng Hòa Phát luôn lấy lợi ích quốc gia làm trọng tâm. Ông dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Quyền lợi dân tộc, quyền lợi đất nước là trên hết” và khẳng định đây cũng là kim chỉ nam cho mọi quyết định chiến lược của tập đoàn trong bối cảnh thế giới đang nhiều biến động.