Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trước áp lực lạm phát
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trước áp lực lạm phát tại Nhật Bản và kỳ vọng kích thích kinh tế từ Trung Quốc. Cổ phiếu Nvidia tăng mạnh, USD điều chỉnh sau chuỗi tăng giá.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 chốt phiên giảm 55,13 điểm (0,14%) xuống còn 38.128,13 điểm. Áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng khi chỉ số giá bán buôn (PPI) trong tháng Tư tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh xu hướng các doanh nghiệp chuyển phần chi phí nguyên liệu và nhân công tăng cao sang người tiêu dùng.
Diễn biến này làm gia tăng khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ duy trì lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đi lên trước kỳ vọng về các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Chỉ số Shanghai Composite tăng 0,86% lên 3.403,95 điểm; CSI 300 tăng 1,21% đạt mức 3.943,21 điểm. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng bật tăng 2,31% lên 23.640,65 điểm, dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu công nghệ và năng lượng tái tạo.
Động lực tăng điểm một phần đến từ cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc thúc đẩy hiện diện kinh tế tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, thông qua khoản tín dụng mới trị giá 9 tỷ USD và các khoản đầu tư vào hạ tầng.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Trung Quốc–CELAC tại Bắc Kinh, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ giải ngân 66 tỷ nhân dân tệ (tương đương 9,18 tỷ USD) nhằm hỗ trợ tài chính cho các quốc gia thành viên CELAC.
Trên thị trường IPO, nhà sản xuất pin xe điện hàng đầu Trung Quốc CATL dự kiến định giá cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông ở mức 263 HKD/cổ phiếu (tương đương 33,70 USD), qua đó có thể huy động khoảng 4,6 tỷ USD. Theo dữ liệu từ LSEG, đây sẽ là thương vụ chào sàn lớn nhất toàn cầu trong năm 2025.
Thị trường Đài Loan dẫn đầu đà tăng khu vực với chỉ số Taiex tăng mạnh 452,73 điểm (2,12%) lên 21.782,87 điểm. Tại Ấn Độ, chỉ số Sensex gần như đi ngang ở mức 81.155,66 điểm (+0,0071%).
Thị trường Hàn Quốc ghi nhận mức tăng ổn định với chỉ số Kospi tăng 1,23% lên 2.640,57 điểm. Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 nhích nhẹ 0,13% lên 8.279,60 điểm. Ngược lại, chỉ số SET của Thái Lan giảm 0,74%, còn 613,44 điểm.
Cổ phiếu ngành trí tuệ nhân tạo tiếp tục thu hút sự chú ý. Nvidia tăng 5,6%, trở thành động lực lớn nhất kéo chỉ số S&P 500 đi lên. Công ty hiện đang hợp tác với startup AI Humain, được hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư quốc gia Ả Rập Xê Út, để cung cấp 18.000 chip xử lý phục vụ trung tâm dữ liệu mới tại Trung Đông.
Dữ liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy lạm phát tháng trước tại Mỹ giảm nhẹ xuống 2,3% từ mức 2,4%. Sự suy giảm lạm phát phần nào giúp xua tan lo ngại về kịch bản “đình lạm” – tình trạng tăng trưởng chững lại đi kèm lạm phát cao – vốn là bài toán nan giải với chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chỉ số USD Index, đo sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt, giảm nhẹ 0,1% xuống còn 100,87 điểm sau khi đã giảm 0,8% trong phiên liền trước. Đồng USD trước đó đã tăng vọt 1% vào thứ Hai, lên mức cao nhất trong một tháng nhờ kỳ vọng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hạ nhiệt.
Trên thị trường ngoại hối, USD tăng 0,24% lên 7,2122 nhân dân tệ, phục hồi nhẹ sau khi chạm đáy sáu tháng ở mức 7,1791 vào hôm thứ Ba. Tuy nhiên, USD giảm 0,41% so với đồng Yên, còn 146,89 JPY, nối dài đà giảm từ phiên trước. Đồng bạc xanh cũng giảm 0,1% so với franc Thụy Sĩ, xuống còn 0,8384 CHF.
Trong khi đó, Euro và bảng Anh gần như đi ngang, giao dịch lần lượt ở mức 1,1191 USD và 1,3307 USD. Tính từ thời điểm Tổng thống Trump công bố loạt biện pháp thuế quan ngày 2/4, chỉ số USD đã giảm khoảng 3% do làn sóng rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi thị trường tài chính Mỹ.