Cổ phiếu VPB thăng hoa cùng sự kiện âm nhạc G-Dragon đến Việt Nam
Cổ phiếu VPB thăng hoa trong phiên 14/5 từ kết quả kinh doanh tích cực và sự kiện đại nhạc hội quốc tế VPBank K-Star Spark in Vietnam 2025, với sự góp mặt của G-Dragon. Liệu đây có phải cơ hội đầu tư hấp dẫn trong sóng hồi phục thị trường?
Phiên giao dịch ngày 14/5, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tạo nên “cơn sốt” khi bứt phá kịch trần lên 18.900 đồng/cổ phiếu, đánh dấu mức giá cao nhất trong hơn một tháng qua.
Không chỉ tăng giá mạnh, VPB còn dẫn đầu toàn thị trường về thanh khoản với hơn 95,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch lên tới 1.755 tỷ đồng – một con số ấn tượng, phản ánh dòng tiền mạnh mẽ đang đổ dồn về mã cổ phiếu này.

Đà tăng ngoạn mục của VPB diễn ra trong bối cảnh thị trường chung đang hồi phục mạnh mẽ, với VN-Indexvượt ngưỡng tâm lý 1.300 điểm. Đặc biệt, sức hút của cổ phiếu này được củng cố thêm nhờ dòng vốn ngoại mua ròng 322 tỷ đồng, tương ứng hơn 17,5 triệu đơn vị – một tín hiệu quan trọng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang dần quay trở lại với nhóm ngân hàng.
Động lực tăng giá của VPB không chỉ đến từ dòng tiền đầu cơ mà còn đến từ các yếu tố cơ bản rõ ràng và chiến lược phát triển dài hạn đầy nhất quán. Ngày 15/5 tới, ngân hàng sẽ chốt quyền nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương đương 500 đồng/cổ phiếu. Với hơn 7,93 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VPBank dự kiến chi gần 4.000 tỷ đồng cho đợt cổ tức này – đánh dấu năm thứ ba liên tiếp ngân hàng thực hiện chính sách chia cổ tức tiền mặt, đúng như cam kết duy trì cổ tức ổn định trong 5 năm được đưa ra từ năm 2023.
Chủ tịch HĐQT VPBank – ông Ngô Chí Dũng từng chia sẻ rằng, suốt 12 năm trước đó (2010–2022), ngân hàng không chia cổ tức để ưu tiên tối đa nguồn lực cho tăng trưởng. Từ năm 2023, khi nền tảng tài chính đã đủ vững chắc, VPBank bắt đầu cân đối giữa lợi ích cổ đông và định hướng phát triển dài hạn. Tổng cộng trong ba năm gần nhất, ngân sách dành cho cổ tức tiền mặt đã lên tới gần 20.000 tỷ đồng, thể hiện rõ cam kết “sẻ chia” giá trị bền vững với cổ đông.
Kết quả kinh doanh tích cực củng cố niềm tin
Cùng với đó, kết quả kinh doanh quý I/2025 của VPBank cho thấy nền tảng tăng trưởng ổn định và hiệu quả. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt gần 15.600 tỷ đồng (+16,1% so với cùng kỳ), trong khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.015 tỷ đồng, tăng mạnh 20%. Tổng tài sản hợp nhất tính đến cuối quý I vượt mốc 994.000 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị thế trong nhóm đầu các ngân hàng tư nhân về quy mô.
Điểm đáng chú ý khác là định giá cổ phiếu VPB hiện đang ở mức hấp dẫn. Chỉ số P/E ở mức 9,31, thấp hơn trung bình ngành ngân hàng, trong khi P/B là 0,99, tức đang giao dịch gần sát giá trị sổ sách – yếu tố thường thu hút nhà đầu tư giá trị. Bên cạnh đó, EPS đạt 2.030 đồng, ROE ở mức 11,6% và ROA đạt 1,84%, phản ánh hiệu quả sử dụng vốn của VPBank vẫn đang ở mức ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho đà tăng dài hạn.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, VPB đang phát ra tín hiệu mua, trạng thái tích lũy tích cực. Các chỉ báo SMA(50), EMA(50) và ADX(14) đều cho tín hiệu mua. Bên cạnh đó, sự bùng nổ về thanh khoản và lực cầu áp đảo lại hé lộ khả năng hình thành sóng tăng nếu thị trường tiếp tục diễn biến thuận lợi.
Sự kiện văn hóa – truyền thông: VPBank chơi lớn mang “ông hoàng” KPOP G-DRAGON đến Hà Nội
Bên cạnh yếu tố tài chính, VPBank còn thu hút sự chú ý mạnh mẽ của công chúng khi thông báo tổ chức đại nhạc hội quốc tế “VPBank K-Star Spark in Vietnam 2025” vào ngày 21/6/2025 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Sự kiện quy tụ dàn nghệ sĩ đình đám K-pop như G-Dragon, CL, DPR IAN, TEMPEST và tripleS, với quy mô 40.000 khán giả.

Đây không chỉ là hoạt động truyền thông thương hiệu, mà còn là bước đi chiến lược nhằm tăng mức độ nhận diện và kết nối với thế hệ trẻ – nhóm khách hàng tiềm năng trong hệ sinh thái số hóa của ngân hàng. Việc VPBank kết hợp tài chính và âm nhạc tạo ra dấu ấn khác biệt, giúp thương hiệu ngân hàng trở nên gần gũi và giàu cảm xúc hơn với cộng đồng.