Chứng khoán Mỹ ngày 23/2/2022 ghi nhận chỉ số S&P 500 giảm 1,8% và đóng cửa ở 4.225,5 điểm. Hiện nay chỉ số đại diện thị trường này đang thấp hơn gần 12% so với đỉnh lịch sử thiết lập hôm 3/1, tức là đang chìm sâu trong vùng điều chỉnh.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất gần 465 điểm, tương đương gần 1,4%, và đóng cửa ở 33.132 điểm.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng sụt tới 2,6%. Nasdaq và Dow Jones cùng kết phiên ở dưới đáy trong ngày (intra-day) ghi nhận hôm 24/1 và hiện ở mức thấp nhất nhiều tháng, như thể hiện trong biểu đồ phía trên. S&P 500 cũng có lúc phá đáy nhưng đóng cửa hồi phục nhẹ lên trên.
Theo CNBC, sau phiên lao dốc 23/2, Nasdaq hiện đang thấp hơn khoảng 18% so với đỉnh lịch sử hồi tháng 11 năm ngoái, tức là tiến gần hơn tới vùng thị trường gấu (giảm 20% từ đỉnh). Như biểu đồ bên dưới cho thấy, đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của S&P 500. Dow Jones và Nasdaq đã có 5 phiên đỏ lửa liền nhau.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại công ty môi giới Oanda nhận định: "Giá cổ phiếu sẽ không tìm được phương hướng cụ thể nếu thị trường tài chính chưa có một câu trả lời rõ ràng về việc cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ được giải quyết bằng ngoại giao hay bằng chiến tranh trong khu vực".
Những cổ phiếu phụ thuộc vào hoạt động mở cửa kinh tế như hàng không và du thuyền đồng loạt đi xuống, một số cổ phiếu công nghệ cũng diễn biến tiêu cực. Delta Air Lines và United Airlines giảm lần lượt 4,1% và 5,3%, Tesla sụt 7%, Amazon và Apple cũng mất tương ứng 3,6% và 2,6%.
Cổ phiếu bán lẻ chìm trong biển đỏ. Macy's và TJX Companies giảm lần lượt 5,2% và 4,2%. Best Buy và Nordstrom cũng mất 2,1% và 3,4%. Walmart giảm hơn 1%. Như biểu đồ dưới đây cho thấy, cổ phiếu dầu khí là nhóm duy nhất khởi sắc trong phiên 23/2 khi giá dầu tăng.
Căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư thời gian gần đây. Ngày 23/2, Ukraine khuyến cáo công dân không nên đến Nga và nếu đang ở Nga thì hãy rời đi ngay.
Trong khi đó, Anh tuyên bố đã sẵn sàng áp thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố công nhận chủ quyền hai nước cộng hòa ly khai là Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine.
Bộ Chuyển đổi số của Ukraine ngày 23/2 cho biết tiếp tục xảy ra một cuộc tấn công mạng DDoS khiến cho nhiều người không thể truy cập vào các website của chính phủ.
Cùng lúc đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ cấm vận công ty xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Hôm 22/2, ông Biden đã ký lệnh trừng phạt một số ngân hàng của Nga, nợ chính phủ của Nga cũng như một số nhân vật thân cận với Tổng thống Putin.
"Hôm nay, tôi đã chỉ đạo chính phủ Mỹ áp lệnh trừng phạt với công ty Nord Stream 2 AG cũng như các lãnh đạo của công ty này", ông Biden tuyên bố trong một bản thông cáo ngày 23/2. "Những hành động này là một phần trong đợt trừng phạt đầu tiên của chúng tôi nhằm đối phó với hành động của Nga ở Ukraine".
Chứng chỉ quỹ VanEck Russia ETF, một quỹ giao dịch tại Mỹ chuyên đầu tư vào các công ty lớn của Nga, lao dốc 9,3% trong phiên 23/2. Ngày trước đó (22/2), chứng chỉ quỹ này đã mất 8,9%.
CNBC dẫn lời ông Eylem Senyuz, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại Truist nhận định: "Những bất định còn ở phía trước. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng các sự kiện quân sự/khủng hoảng trong lịch sử thường khiến thị trường thêm biến động và gây ra các đợt giảm ngắn. Tuy nhiên, giá cổ phiếu thường có xu hướng hồi phục, trừ khi sự kiện đó đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái".
Ngoài vấn đề ở Ukraine, nhà đầu tư còn đang lo lắng về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Phố Wall đang đặt cược rằng Fed chắc chắn sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp ngày 15-16/3, có thể nâng 25 hoặc 50 điểm cơ bản.
Thu Thủy
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam