Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm, cảnh báo tác động từ chính sách thương mại Mỹ
Kinh tế Nhật Bản suy giảm mạnh hơn dự báo, đối mặt áp lực từ chính sách thương mại Mỹ
Theo số liệu sơ bộ do chính phủ Nhật Bản công bố ngày 16/5, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn tháng 1–3, thấp hơn nhiều so với mức dự báo giảm 0,2% của thị trường. Tính theo quý, GDP cũng giảm 0,2% so với kỳ vọng giảm 0,1%.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ tiêu dùng cá nhân trì trệ và xuất khẩu sụt giảm – những động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế Nhật Bản vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại. Diễn biến này phản ánh tác động ban đầu của các chính sách bảo hộ thương mại từ Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp dụng thuế quan trả đũa diện rộng từ đầu tháng 4.

Ngành công nghiệp ô tô là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ chính sách thuế mới của Washington. Việc Mỹ áp mức thuế nhập khẩu lên tới 24% đối với ô tô Nhật dự kiến triển khai từ tháng 7 đã tạo áp lực lớn lên triển vọng ngành.
Theo phân tích của các chuyên gia, nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng không tạo được lực đẩy rõ rệt khi chi tiêu hộ gia đình – chiếm hơn 50% GDP – không ghi nhận tăng trưởng trong quý I, trái với dự báo tăng 0,1%.
Trong khi đó, nhu cầu từ bên ngoài kéo giảm tăng trưởng 0,8 điểm phần trăm, khi xuất khẩu giảm 0,6% và nhập khẩu tăng 2,9%, cho thấy cán cân thương mại đang trở thành điểm trừ trong bức tranh tăng trưởng.
Dù tổng thể số liệu cho thấy tín hiệu tiêu cực, thị trường vẫn hiện hữu một vài điểm sáng. Chi tiêu vốn tăng 1,4%, cao hơn kỳ vọng, đóng góp tích cực 0,7 điểm phần trăm vào GDP. Đồng thời, tăng trưởng quý IV/2024 được điều chỉnh tăng nhẹ từ 2,2% lên 2,4%.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn giữ quan điểm thận trọng. Ông Yoshiki Shinke, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Daiichi Life nhận định: "Kinh tế Nhật thiếu động lực tăng trưởng do xuất khẩu và tiêu dùng yếu. Nền kinh tế rất dễ tổn thương trước các cú sốc như chính sách thuế quan của Tổng thống Trump".
Ông cho rằng, với dữ liệu kinh tế hiện tại, nhiều khả năng sẽ có thêm những lời kêu gọi chính phủ tăng cường chi tiêu tài khóa để kích thích tăng trưởng, đặc biệt nếu kinh tế tiếp tục suy yếu trong quý II khi tác động từ thuế quan bắt đầu lan rộng.
Chính sách tiền tệ chịu áp lực điều chỉnh
Dữ liệu kinh tế đáng thất vọng cũng đang làm phức tạp thêm quyết sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) liên quan đến điều hành lãi suất. Sau khi chấm dứt chương trình kích thích kéo dài một thập kỷ, BOJ đã nâng lãi suất lên 0,5% hồi tháng 1 và phát tín hiệu sẵn sàng thắt chặt tiếp nếu nền kinh tế cải thiện bền vững.
Tuy nhiên, lo ngại về suy thoái toàn cầu và bất định chính sách thương mại từ Mỹ đã buộc BOJ cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng tại cuộc họp chính sách cuối tháng 4. Chỉ số giảm phát GDP quý I tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước cho thấy doanh nghiệp đang bắt đầu chuyển chi phí sang người tiêu dùng, nhưng chưa đủ để tạo đà phục hồi mạnh.
Tác động thực tế từ chính sách thương mại của Mỹ sẽ là yếu tố then chốt quyết định hướng đi của kinh tế Nhật trong những quý tới. Tổng thống Trump đã áp thuế 10% đối với phần lớn đối tác thương mại và 25% với các mặt hàng nhạy cảm như ô tô, thép và nhôm.
Đây là động thái khiến nhiều nhà sản xuất Nhật Bản như Toyota hay Mazda cắt giảm dự báo lợi nhuận, thậm chí trì hoãn công bố kế hoạch tài chính do thiếu chắc chắn. Khả năng Nhật Bản được miễn trừ thuế quan trong khuôn khổ đàm phán song phương với Mỹ vẫn là ẩn số.