Chứng khoán phiên sáng 3/2: Áp lực bán dâng cao, QCG gây bất ngờ lớn

03/02/2025 - 19:25
(Bankviet.com) Chỉ số chính thị trường chứng khoán VN-Index giảm hơn 13 điểm về mốc 1.250 trong phiên đầu năm Ất Tỵ, chịu áp lực từ nhóm VN30 như FPT, VNM, VIB. Trong khi đó, nhóm thép, vận tải, đầu tư công và bất động sản khởi sắc, đáng chú ý QCG tăng trần sau khi công bố lợi nhuận quý IV/2024 tăng 360%.

Tạm dừng phiên sáng, sàn HOSE ghi nhận 156 mã tăng và 293 mã giảm, VN-Index giảm 9,57 điểm (-0,76%) xuống còn 1.255,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 305,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 7.785,3 tỷ đồng, tăng mạnh gần 86% về khối lượng và hơn gấp đôi về giá trị so với phiên sáng cuối năm Giáp Thìn (ngày 24/1). Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18 triệu đơn vị, giá trị 604 tỷ đồng.

Nhóm VN30 tiếp tục là lực cản lớn khi đóng cửa giảm gần 18,5 điểm, với 24 mã giảm và chỉ 6 mã tăng. GVR dẫn đầu mức tăng với 3%, tiếp theo là SHB tăng 1,5% với thanh khoản cao nhất thị trường, đạt hơn 13,1 triệu đơn vị khớp lệnh. Các mã khác như CTG, BCM, BVH, MSN cũng ghi nhận mức tăng nhẹ dưới 0,5%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu FPT giảm mạnh nhất nhóm VN30 với mức giảm 4%, lấy đi hơn 2,1 điểm của VN-Index. Khối lượng khớp lệnh FPT đạt gần 7 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại bán ròng hơn 2,1 triệu đơn vị. Ngoài ra, SSB giảm 2,4%, VNM giảm 2,1%, MWG mất 1,8%, VIB giảm 1,7%...

Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã ghi nhận diễn biến tích cực. DLG, TNT, QCG đồng loạt tăng trần với khối lượng dư mua lớn. Cặp đôi GEE - GEX cũng thu hút dòng tiền, trong đó GEE tăng trần và dư mua gần 1 triệu đơn vị, còn GEX tăng 3,7% và lọt vào nhóm có thanh khoản cao nhất với gần 10,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Xét theo ngành, cổ phiếu công nghệ chịu áp lực lớn khi ngoài FPT, CMG giảm 3,7%, CTR mất 3,72%, VGI và ELC cũng điều chỉnh hơn 1%...

Trên sàn HNX, sau thời gian giằng co, thị trường đã lấy lại đà tăng. Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,53 điểm (+0,24%) lên 223,54 điểm, với 70 mã tăng và 68 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 27,66 triệu đơn vị, giá trị 422,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 3,3 tỷ đồng.

SHS hồi phục với mức tăng 0,8% và dẫn đầu thanh khoản trên HNX với gần 11,3 triệu đơn vị khớp lệnh. Bên cạnh đó, CEO và VGS cùng ghi nhận thanh khoản hơn 1,5 triệu đơn vị, trong đó VGS tăng kịch trần 10%. Mã DDG cũng gây chú ý khi tăng 7,4% lên mức giá trần 2.900 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh gần 1 triệu đơn vị và dư mua trần 0,25 triệu đơn vị.

Trên thị trường UPCoM, sau giai đoạn giằng co, chỉ số đã lấy lại sắc xanh. Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,13%) lên 94,42 điểm. Thanh khoản đạt hơn 24 triệu đơn vị, giá trị 285 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 9,5 tỷ đồng.

Tính tới 10h30, áp lực bán tiếp tục gia tăng ở nhóm VN30, đẩy VN-Index giảm hơn 13 điểm về vùng 1.250 điểm. Những mã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường gồm FPT (-4,4%), VNM (-2,4%), VIB (-2,2%), SSI (-1,6%) và STB (-1,5%).

Chứng khoán phiên sáng 3/2: Áp lực bán dâng cao, QCG gây bất ngờ lớn
Ảnh minh họa

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thép, vận tải, đầu tư công và sản xuất ghi nhận nhiều mã bứt phá mạnh. Đáng chú ý, VGS tăng trần, NKG tăng 3,8%, GEX tăng 4,2%, HAH tăng 3,8%, HHV tăng 1,6% và VCG tăng 1,5%.

Bất động sản cũng là điểm sáng trong phiên khi nhiều cổ phiếu tăng tích cực. Đặc biệt, QCG bật trần lên 11.150 đồng/cổ phiếu sau khi công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 với doanh thu gấp ba lần cùng kỳ, đạt 486 tỷ đồng. Nhờ đó, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận lãi sau thuế 63 tỷ đồng, tăng 360% so với con số lãi gần 14 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.

Cổ phiếu HAH cũng gây chú ý khi sớm bật tăng mạnh từ đầu phiên sáng kèm theo khối lượng giao dịch vượt mức trung bình 20 phiên cho thấy tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đang hiện hữu. Hiện tại, cổ phiếu này tiếp tục duy trì xu hướng tăng dài hạn và đã lập đỉnh 52 tuần.

Tại lúc 9h30 - đầu phiên giao dịch đầu tiên của năm Ất Tỵ 2025, VN-Index giảm hơn 6 điểm, sau đó tiếp tục lùi sâu về mốc 1.256 điểm, tương đương giảm gần 9 điểm. Sắc đỏ chiếm ưu thế trên thị trường với 274 mã giảm so với 183 mã tăng.

Nhóm cổ phiếu VN30 là tác nhân chính kéo chỉ số đi xuống, trong đó SSB giảm 3,5%, FPT mất 3,3%, VRE giảm 1,2%, GASLPB cùng giảm 1%.

Dù vậy, một số cổ phiếu Midcap giữ được đà tăng, góp phần thu hẹp đà giảm của VN-Index. Đáng chú ý, HAH tăng 5,5%, VCG và HHV cùng tăng 2%, GEX cũng ghi nhận mức tăng 2%.

Thép Tiến Lên lỗ kỷ lục vì bán hàng dưới giá vốn, "mắc kẹt" ở cổ phiếu VND và DGC

Thép Tiến Lên báo lỗ kỷ lục 585,94 tỷ đồng trong năm 2024, xóa sạch lãi lũy kế và ghi nhận dòng tiền kinh doanh ...

Chứng khoán trở lại sau Tết Nguyên đán, mua cổ phiếu nào?

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chuyên gia dự báo nhóm ngân hàng, bất động sản và xuất khẩu sẽ dẫn dắt thị trường nhờ ...

Đầu tư chứng khoán năm 2025: 8 sai lầm quan trọng mà nhà đầu tư cần tránh

Nhà đầu tư chứng khoán năm 2025 cần tránh 8 sai lầm phổ biến như không chốt lãi kịp thời, không cắt lỗ sớm, mua ...

Nguyên Nam

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán