Chứng khoán Tiên Phong (TPS) vay hàng nghìn tỷ đồng từ các ngân hàng

21/08/2024 - 18:16
(Bankviet.com) Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (HoSE: ORS) vừa thông qua nghị quyết vay tối đa 1.500 tỷ đồng từ Vietcombank. Trước đó, TPS đã vay từ VietinBank và VPBank, tập trung vào đầu tư trái phiếu và công cụ nợ. Xếp hạng tín nhiệm của TPS được đánh giá ở mức BBB- với triển vọng ổn định.

"Con nợ" của Vietcombank, VietinBank, VPBank

Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HoSE: ORS) vừa công bố thông tin về việc vay tối đa 1.500 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Cụ thể, HĐQT Chứng khoán Tiên Phong vừa thông qua nghị quyết vay tối đa 1.500 tỷ đồng từ Vietcombank. Khoản vay này có tài sản đảm bảo là chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá, trái phiếu chính chủ, trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành thuộc sở hữu của TPS và/hoặc bên thứ ba.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) vay hàng nghìn tỷ đồng từ các ngân hàng
Nghị quyết HĐQT số 18/2024/NQ-HĐQT về việc "Thông qua việc vay vốn của TPS tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam-Chi nhánh Thăng Long”

Chứng khoán Tiên Phong cho biết, 1.500 tỷ đồng được huy động từ Vietcombank sẽ được dùng để thanh toán tiền mua Công cụ nợ của Chính phủ, Trái phiếu chính quyền địa phương và các mục đích khác phù hợp với quy định pháp luật và quy định của Vietcombank. Thời hạn sử dụng hạn mức sẽ tuỳ thuộc vào TPS và Vietcombank tại từng thời điểm.

Biện pháp đảm bảo cho khoản vay là các chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành thuộc sở hữu của TPS và/hoặc bên thứ 3 đáp ứng điều kiện của Vietcombank.

Phía TPS sẽ giao cho Bà Bùi Thị Thanh Trà - Tổng giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật (hoặc người được bà Trà uỷ quyền hợp pháp bằng văn bản) thay mặt HĐQT thực hiện việc vay vốn, sử dụng hạn mức tín dụng.

Trước đó, vào tháng 4/2024, Chứng khoán Tiên Phong cũng đã thông qua việc vay vốn tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) với mức vay tối đa là 1.000 tỷ đồng. Trong đó, 700 tỷ đồng là hạn mức tối đa có tài sản đảm bảo và 300 tỷ đồng là hạn mức tối đa không có tài sản đảm bảo.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) vay hàng nghìn tỷ đồng từ các ngân hàng
TPS công bố Nghị quyết về việc "Thông qua việc vay vốn của TPS tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam-Chi nhánh Thăng Long

Tài sản đảm bảo cho hạn mức tín dụng có TSBĐ là tài sản thuộc sở hữu của TPS bao gồm trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, hợp đồng tiền gửi do các tổ chức tín dụng phát hành hoặc tài sản thanh khoản cao khác theo quy định của VietinBank và/hoặc tài sản khác thuộc sở hữu bên thứ 3.

Vào cuối năm 2023, TPS đề nghị VPBank cho vay theo hạn mức/cấp cho công ty hạn mức tín dụng với giá trị tối đa 1.000 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Hạn mức này không có tài sản đảm bảo và các tài sản khác.

TPS dùng số tiền vay để đầu tư, hoặc kinh doanh trái phiếu Chính phủ và chứng chỉ tiền gửi do các tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng là công ty con của VPBank) phát hành. Hạn mức tín dụng sẽ được VPBank giải ngân cho TPS sử dụng phù hợp với mục đích sử dụng nêu trên và hợp đồng/thỏa thuận cho vay ký kết giữa công ty và VPBank. Thời hạn sử dụng hạn mức tín dụng là 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng.

Vào tháng 10/2023, FiinRatings thông báo kết quả Xếp hạng tín nhiệm Dài hạn Nhà phát hành lần đầu đối với Chứng khoán Tiên Phong ở mức điểm BBB- (thấp nhất nhóm 4 theo thang điểm của FiinRatings) với triển vọng xếp hạng ở mức ổn định.

Theo FiinRatings, kết quả xếp hạng nói trên phản ánh đánh giá về vai trò chiến lược ở mức vừa phải của TPS đối với một trong những ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Mức xếp hạng BBB- cũng phản ánh đánh giá của FiinRatings về ba yếu tố. Thứ nhất, vị thế kinh doanh của TPS với nguồn doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động tư vấn phát hành và dịch vụ trái phiếu.

Thứ hai, lợi thế cạnh tranh trong vai trò tư vấn và phân phối trái phiếu nhờ vào tập khách hàng ổn định và mạng lưới phân phối tương đối hiệu quả.

Thứ ba, khả năng đa dạng hóa nguồn vốn huy động từ hạn mức tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu giúp giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn.

Ngoài ra, cũng theo FiinRatings, mức điểm xếp hạng BBB- cũng phản ánh nhận định về đòn bẩy tài chính tiếp tục gia tăng của TPS, khả năng sinh lời ở mức trung bình, cũng như những rủi ro tập trung trong hoạt động đầu tư, kinh doanh liên quan đến trái phiếu, cho vay kỹ quỹ và tự doanh cổ phiếu, là những rủi ro cố hữu tiềm ẩn từ biến động trên thị trường vốn.

Chứng khoán Tiên Phong báo lãi quý 2 tăng gấp đôi cùng kỳ

Về kết quả kinh doanh quý 2/2024, TPS ghi nhận lãi trước thuế quý đạt gần 126 tỷ đồng, tăng mạnh 95% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 100 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ.

Doanh thu và lợi nhuận TPS
Doanh thu và lợi nhuận TPS

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ được dẫn dắt bởi sự cải thiện tích cực từ các mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty chứng khoán này. Cụ thể, lãi ròng từ các tài sản tài chính (FVTPL) và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) trong quý 2 đạt 87 tỷ đồng, tăng 205% so với quý 2/2023.

Tài sản tài chính tính đến ngày 30/6/2024 ở mức 9.782 tỷ đồng, tăng 42,3% so với đầu năm. Trong đó, tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) đạt 2.166 tỷ đồng, tăng 4,2% so với đầu năm và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 945 tỷ đồng, tăng 170% so với đầu năm. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay ký quỹ cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, quy mô các khoản cho vay đạt 2.306 tỷ đồng, tăng 111% so với đầu năm. Nhờ vậy, lãi từ các khoản cho vay và phải thu trong quý 2 ghi nhận tăng 57,4% so với cùng kỳ, đạt gần 41 tỷ đồng.

Mảng môi giới chứng khoán cho thấy sự cải thiện về kết quả hoạt động qua từng quý. Ở quý 2/2024, TPS ghi nhận lãi từ hoạt động môi giới đạt gần 1 tỷ đồng so với mức lỗ 1,5 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán trong quý 2 ghi nhận lãi gần 13 tỷ đồng.

Được biết, TPS đã và đang áp dụng nhiều chương trình nhằm mang lại lợi ích vượt trội cho khách hàng như Sản phẩm “Năng động – M7” hay Gói sản phẩm margin siêu tiết kiệm “M-STK”. Các chương trình ưu đãi đã góp phần thúc đẩy dư nợ cho vay ký quỹ của TPS tăng đột biến trong quý 2 năm nay.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, TPS ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt hơn 1.038 tỷ đồng, giảm 36% so với kết quả thực hiện nửa đầu năm 2023. Lợi nhuận trước và sau thuế đạt 137,4 tỷ và 110,2 tỷ đồng; lần lượt tăng 59% và 60%.

Trong năm 2024, Chứng khoán Tiên Phong lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu dự kiến đạt 2.551,6 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 357,9 tỷ đồng. Như vậy với kết quả trên, Công ty đã thực hiện gần 41% kế hoạch doanh thu và hơn 38% kế hoạch lợi nhuận năm.

Quy mô tài sản tính đến cuối quý 2/2024 đã tăng 41,8% so với đầu năm, đạt 9.832 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 2.242 tỷ đồng. Tiềm lực tài chính vững chắc là nền tảng cho TPS đảm bảo thanh khoản và nhu cầu vốn, giúp ổn định cho các hoạt động kinh doanh.

Trước đó, vào tháng 4/2024 Đại hội đồng cổ đông của TPS đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.608 tỷ đồng, trong đó phát hành 36 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 100:12), phát hành 14,5 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành ESOP và phát hành thêm 210,3 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành quyền mua. Tính đến thời điểm hiện tại, TPS đã hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và sẽ tiếp tục triển khai các đợt phát hành ESOP và phát hành quyền mua trong thời gian sắp tới như kế hoạch đã được phê duyệt.

Trên thị trường chứng khoán, mở cửa phiên sáng 21/8, giá cổ phiếu ORS lình xinh đi ngang trong vòng 1 tháng qua tại vùng 12.850 đồng/cp, thanh khoản bình quân đạt hơn 2 triệu đơn vị, song giá hiện tại đã giảm 5% so với đỉnh hồi cuối tháng 5/2024.

diễn biến giá cổ phiếu ORS
Diễn biến giá cổ phiếu ORS
Chứng khoán Tiên Phong và Chứng khoán HSC hút về 3.300 tỷ đồng sau khi tăng vốn

Chứng khoán HSC (HOSE: HCM) và Chứng khoán TPS (HOSE: ORS) được chấp thuận chào bán lần lượt 229 triệu cổ phiếu và 100 triệu ...

Chứng khoán Tiên Phong (ORS) chốt ngày chào bán 100 triệu cổ phiếu

Số tiền huy động được dự kiến sẽ dùng để nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn để thực hiện các nghiệp ...

ĐHĐCĐ Chứng khoán Tiên Phong: Mục tiêu lãi trước thuế tăng 26%, x2 vốn điều lệ

Ngày 24/4, Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HOSE: ORS) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán