Cổ đông Cảng Đà Nẵng ‘tâm tư’ vì công ty đang rất nhiều tiền

28/04/2025 - 16:11
(Bankviet.com) Cổ đông Cảng Đà Nẵng cho rằng, hiện nay lượng tiền mặt của công ty đang rất nhiều, đề nghị có giải pháp xử lý vì sợ tiền mất giá.
Chuyển động

Cổ đông Cảng Đà Nẵng ‘tâm tư’ vì công ty đang rất nhiều tiền

Cao Thái 28/04/2025 08:30

Cổ đông Cảng Đà Nẵng cho rằng, hiện nay lượng tiền mặt của công ty đang rất nhiều, đề nghị có giải pháp xử lý vì sợ tiền mất giá.

ĐHCĐ thường niên 2025 của Công ty CP Cảng Đà Nẵng (HNX: CDN) mới đây chỉ ghi nhận 01 ý kiến thảo luận của cổ đông. Đó là phát biểu đáng chú ý của cổ đông Nguyễn Hữu Sia, về cơ cấu sở hữu và lượng tiền mặt dồi dào của công ty.

Theo biên bản đại hội, cổ đông này có ý kiến đề xuất Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMIC) thực hiện việc giảm tỷ lệ sở hữu để thu hút thêm nguồn vốn và các nhân sự chất lượng từ bên ngoài. Ngoài ra, việc đầu tư của Cảng Đà Nẵng nên tập trung vào dự án lớn như Cảng Liên Chiểu, không nên đầu tư dàn trải ở nhiều dự án.

dsc02578-1536x1024.jpg
ĐHCĐ thường niên 2025 vừa được Cảng Đà Nẵng tổ chức thành công

Đặc biệt, cổ đông Nguyễn Hữu Sia cho rằng, lượng tiền mặt hiện nay của Cảng Đà Nẵng đang rất nhiều, đề nghị đưa ra các giải pháp để xử lý việc này vì trong tương lai đồng tiền sẽ mất giá.

Trước đề xuất giảm sở hữu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam của cổ đông này, ông Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch HĐQT Cảng Đà Nẵng cho rằng: Cảng Đà Nẵng là công ty có tới 75% vốn sở hữu thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. VIMIC là một doanh nghiệp Nhà nước nên việc này cũng phải phụ thuộc quyết định của chủ sở hữu là Nhà nước. Tăng vốn phải phù hợp với nhu cầu trong quá trình đầu tư của Cảng Đà Nẵng.

Cơ cấu sở hữu của CDN hiện rất cô đặc với 02 cổ đông lớn: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nắm 75% vốn; Wan Hai Lines (Singapore) nắm 20,29% vốn CDN.

Ngoài ra theo ông Chung, việc phát hành cổ phần ưu đãi cho người lao động, do Cảng Đà Nẵng đã trải qua quá trình cổ phần hóa và trước đây đã thực hiện việc này một lần cho nên phát hành thêm có thể sẽ không phù hợp với quy định pháp luật.

Liên quan ‘tâm tư’ của cổ đông Sia về lượng tiền mặt dồi dào công ty đang sở hữu, TGĐ CDN Trần Lê Tuấn cho biết: Hiện nay Cảng Đà Nẵng vẫn đang vay gần 420 tỷ đồng để thực hiện đầu tư các dự án trọng điểm. Cảng Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều dự án nên nhu cầu về vốn rất lớn. Ban điều hành đã tính toán, cân đối tài chính để thực hiện các dự án lớn như Trung tâm logistics Hòa Vang, Khách sạn Cảng Đà Nẵng, Tòa nhà 26 Bạch Đằng. Trong thời gian tới, nếu thực hiện đầu tư vào Cảng Liên Chiểu thì công ty sẽ báo cáo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam để tăng vốn.

dsc02606-1536x1056.jpg
Ông Trần Lê Tuấn, TGĐ Cảng Đà Nẵng

"Việc đầu tư vào dự án Khách sạn Cảng Đà Nẵng và Tòa nhà 26 Bạch Đằng là để tận dụng nguồn lực và tăng doanh thu cho Cảng, đồng thời giúp tăng tài sản làm đối ứng khi đi vay để thực hiện các dự án lớn sắp tới”, ông Trần Lê Tuấn cho biết tại Đại hội.

Cảng Đà Nẵng đang rủng rỉnh thế nào?

Quý 1/2025, Cảng Đà Nẵng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định. Doanh thu thuần đạt 369,8 tỷ đồng, tăng so với mức 353,9 tỷ đồng cùng kỳ 2024. Lãi gộp đạt 142,2 tỷ đồng, biên lãi gộp duy trì ở mức cao, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 84 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với 77 tỷ đồng cùng kỳ.

ca.jpg
Doanh thu và lợi nhuận Cảng Đà Nẵng tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Từ năm 2021, doanh thu CDN đã vượt 1.000 tỷ đồng.

Điểm nổi bật trong bức tranh tài chính của CDN là dòng tiền cực kỳ mạnh. Cuối quý 1/2025, tiền và tương đương tiền ghi nhận 46,7 tỷ đồng, trong đó riêng tiền mặt lên tới 40,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, yếu tố thực sự cho thấy nội lực tài chính vượt trội của doanh nghiệp chính là khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn lên tới 627,7 tỷ đồng. Khoản mục này phản ánh lượng tiền nhàn rỗi lớn đang được CDN đầu tư sinh lời an toàn, chủ yếu ở các tài sản tài chính ngắn hạn có tính thanh khoản cao.

Tổng tài sản của CDN tính đến 31/03/2025 đạt gần 2.481 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm khoảng 1.000,6 tỷ đồng, trong đó khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và tiền mặt chiếm tỷ trọng lớn. Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả giảm mạnh từ 629,7 tỷ đồng xuống còn 566,6 tỷ đồng, cho thấy công ty chủ động giảm áp lực tài chính trong giai đoạn đầu tư mạnh mẽ. Nợ vay ngắn hạn chỉ còn khoảng 56,9 tỷ đồng, trong khi toàn bộ nợ dài hạn 363,9 tỷ đồng là nợ vay trung-dài hạn, tập trung cho các dự án lớn.

ca2.jpg
Thu nhập của dàn nhân sự chủ chốt Cảng Dà Nẵng trong năm 2024

Vốn chủ sở hữu CDN đạt gần 1.915 tỷ đồng, tăng so với đầu năm. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 385,4 tỷ đồng và quỹ đầu tư phát triển tích lũy 539,3 tỷ đồng, tạo nền tảng tài chính vững chắc cho các kế hoạch mở rộng.

Năm 2024, CDN lập kỷ lục doanh thu hơn 1.450 tỷ đồng và lợi nhuận 301,34 tỷ đồng. Bước sang 2025, công ty đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng, với sản lượng hàng hóa dự kiến đạt 15,1 triệu tấn và doanh thu hơn 1.640 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 420 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với năm trước.

Việc duy trì lượng tiền lớn trong đầu tư tài chính ngắn hạn cho thấy CDN không chỉ đảm bảo thanh khoản vững vàng mà còn tối ưu hóa dòng tiền nhàn rỗi. Đây là nền tảng quan trọng để công ty tự tin bước vào giai đoạn đầu tư trọng điểm như mở rộng kho bãi và phát triển Cảng Liên Chiểu trong tương lai gần.

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán