Novaland chốt 2 phương án kinh doanh, nhưng tại sao đều là...thua lỗ?
Novaland vừa thông qua 2 phương án kinh doanh cho năm 2025, tuy nhiên đáng chú ý là ở cả 2 phương án này, doanh nghiệp đều dự kiến thua lỗ.
Ngày 24/4, Tập đoàn Novaland (HOSE: NVL) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Sự kiện thu hút sự chú ý lớn trong bối cảnh doanh nghiệp đang nỗ lực tái cấu trúc toàn diện sau giai đoạn nhiều biến động.
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn khẳng định năm 2025 sẽ là bước ngoặt, đánh dấu sự trở lại của Novaland với một chiến lược phát triển mới, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố bền vững và đóng góp cho nhu cầu nhà ở của người dân. Một trong những trọng tâm của giai đoạn mới là mở rộng phân khúc nhà ở dành cho người thu nhập trung bình, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các dự án hiện hữu.

Ông Nhơn cho biết, Novaland đang làm việc với các cơ quan chức năng để xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại hai khu vực gồm khu cảng Phú Định (quận 8) rộng gần 50 ha và khu Quán Tre (quận 12) rộng gần 10 ha sang mục đích phát triển nhà ở xã hội và nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình.
Theo lãnh đạo tập đoàn, chiến lược này không mang lại mức lợi nhuận lớn trong ngắn hạn, nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo dòng tiền ổn định cho doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển đô thị quốc gia và chính sách an sinh xã hội.
Tại đại hội, Novaland trình cổ đông hai phương án cho kế hoạch kinh doanh năm 2025. Ở phương án cơ bản, doanh thu thuần mục tiêu đạt 13.411 tỷ đồng và dự kiến lỗ sau thuế khoảng 12 tỷ đồng. Phương án còn lại khiêm tốn hơn, với doanh thu thuần dự kiến 10.453 tỷ đồng và mức lỗ sau thuế có thể lên tới 688 tỷ đồng. Ban lãnh đạo nhấn mạnh rằng kết quả kinh doanh trong năm tới sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến độ tháo gỡ pháp lý cho các dự án hiện tại.
Với kết quả năm 2024 chưa có cổ tức, phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại hơn 13.281 tỷ đồng sẽ được tập trung sử dụng cho các kế hoạch phục hồi và tái đầu tư nhằm ổn định hoạt động kinh doanh.
Đại hội cũng đã thông qua một số nội dung đáng chú ý trong công tác huy động vốn. Cụ thể, Novaland hủy bỏ phương án phát hành thêm tối đa 1,17 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đồng thời thay thế phương án phát hành tối đa 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ bằng kế hoạch mới là phát hành tối đa 350 triệu cổ phiếu riêng lẻ, với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu này sẽ được phân phối cho tối đa 20 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Song song đó, tập đoàn cũng trình đại hội phương án tái cấu trúc gói trái phiếu chuyển đổi quốc tế đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore sau các vòng đàm phán với trái chủ.
Về nhân sự, đại hội đã ghi nhận đơn từ nhiệm của hai thành viên Hội đồng quản trị là ông Ng Teck Yow và bà Nguyễn Mỹ Hạnh. Đồng thời, cổ đông đã thông qua việc bầu bổ sung hai nhân sự mới là ông Dương Văn Bắc và ông Đoàn Minh Trường vào Hội đồng quản trị.

Trong năm 2025, Novaland dự kiến phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với tổng tỷ lệ phát hành 5%, tương ứng gần 97,5 triệu cổ phiếu. Đây được xem là một phần trong kế hoạch giữ chân và thu hút nhân tài trong giai đoạn chuyển mình chiến lược của tập đoàn.
Bên cạnh việc kiện toàn bộ máy quản trị và cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, Novaland cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số và từng bước triển khai các tiêu chuẩn phát triển bền vững theo bộ tiêu chí ESG.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn nhiều thách thức, những điều chỉnh chiến lược và phương án tài chính thận trọng được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho Novaland tiếp tục quá trình tái cấu trúc và hướng tới tăng trưởng ổn định trong các năm tới.