HDBank vừa chốt danh sách cổ đông để thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Với hơn 2,9 tỷ cổ phiếu HDB đang lưu hành, ước tính HDBank sẽ chi hơn 2.900 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt. Ngày thanh toán cổ tức bằng tiền mặt là 26/7/2024.
Ảnh minh họa. |
Đáng chú ý, HDBank cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay với tỷ lệ 20%, tức mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 20 cổ phiếu phát hành thêm. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 582 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong quý 3/2024 sau khi được sự chấp thuận của Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng lên hơn 35.900 tỷ đồng, lọt Top những ngân hàng có vốn điều lệ cao.
Nguồn: HDBank |
HDBank là một trong những nhà băng có chính sách chia cổ tức khá đều đặn trong nhiều năm qua. Năm 2023 vừa, nhà băng này đã chi trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ tương tự là 10%, ngoài ra cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. Đáng chú ý, giai đoạn Covid-19, trong 3 năm 2020 - 2022, nhà băng này đều chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ khá cao 25-30%.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/7 cổ phiếu HDB giao dịch tích cực tăng 250 đồng lên mức 24.400 đồng/cp. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HDB là một trong những mã ngân hàng có diễn biến tích cực với mức tăng hơn 25%, riêng trong nửa đầu tháng 7 tăng 11%.
Về tình hình kinh doanh, trong quý 1/2024, HDBank ghi nhận hơn 7.160 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng tới 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, trở thành động lực tăng trưởng chính trong kết quả kinh doanh quý đầu năm của ngân hàng này.
Đối với các nguồn thu ngoài lãi thì kết quả không tăng trưởng đồng nhất. Cụ thể, lãi từ dịch vụ của HDBank đã giảm 47%, còn gần 357 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối báo lãi gần 175 tỷ đồng, so với mức lỗ hơn 49 tỷ đồng trong quý 1/2023.
Về phía chi phí phát sinh, chi phí hoạt động của ngân hàng trong quý 1/2024 đã tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.455 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí cho nhân viên và các hoạt động quản lý tăng lên.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng tới 33% do nhà băng này này trích lập dự phòng thêm gần 314 tỷ đồng, đạt gần 1.270 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi trừ đi các khoản chi phí, HDBank vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong quý 1/2024 tăng tới 47%, đạt 4.028 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 3 tháng đầu năm, ngân hàng này đã hoàn thành 25% mục tiêu lợi nhuận cho cả năm 2024.
Tính đến cuối quý 1/2024, tổng tài sản của nhà băng đi ngang so với hồi đầu năm, duy trì ở mức 602.552 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 6%, đạt 363.449 tỷ đồng, chủ yếu là cho vay hộ kinh doanh và cá nhân.
Về chất lượng tài sản, tính đến cuối quý 1/2024, tổng nợ xấu của ngân hàng này đạt 8.062 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu theo đó cũng tăng từ mức 1,79% hồi đầu năm lên mức 2,22% vào cuối quý 1/2024. Ngân hàng HDBank hiện đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu cả năm nay ở dưới mức 2%.
Năm 2024, HDBank đẩy mạnh thực thi chiến lược tăng trưởng và phát triển bền vững (ESG). Ngân hàng đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng cao và toàn diện các chỉ tiêu. Trong đó kế hoạch lợi nhuận trước thuế lên đến 16.000 tỷ đồng, tăng 21,8% so với năm 2023. Tỷ lệ ROE đạt 24,6% đồng thời duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp dưới 1,5%.
ĐHĐCĐ HDBank: Quyết định thay đổi tờ trình vào phút chót, tăng tỷ lệ trả cổ tức từ 25% lên 30% Sáng nay (26/4), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank - HOSE: HDB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) ... |
HDBank "bạo chi" 2.600 tỷ đồng mua lại 2 lô trái phiếu trước hạn Ngày 4/6, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hà Nội (HNX) đã công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của Ngân ... |
Gọi tên 3 nhà băng niêm yết lãi suất tiết kiệm trên 8%/năm Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hiện nay đang ở mức thấp. Dưới đây là 3 ngân hàng niêm yết lãi suất kỳ ... |
Tường San