Công ty CP Đầu tư Hải Thạch B.O.T là tổ chức liên quan đến người nội bộ của HHV. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT HHV hiện là thành viên HĐQT Hải Thạch B.O.T. Đồng thời, ông Võ Thuỵ Linh, thành viên HĐQT HHV cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, là người đại diện theo pháp luật của Hải Thạch B.O.T.
Mục đích giao dịch là huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hải Thạch B.O.T. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 16/1 đến ngày 14/2. Phương thức giao dịch là khớp lệnh và/hoặc thoả thuận. Tạm tính theo giá kết phiên ngày 10/1, lô cổ phiếu trên có giá thị trường khoảng 455 tỷ đồng.
Hiện, Hải Thạch B.O.T đang là cổ đông lớn của HHV với lượng nắm giữ đạt 103,6 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 33,68 vốn. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn này tại HHV sẽ hạ xuống 20,11% vốn, tức 61,9 triệu cổ phiếu.
Hải Thạch B.O.T đăng ký bán ra số lượng lớn cổ phiếu trong bối cảnh HHV tăng nóng thời gian gần đây. Kết phiên 10/1, cổ phiếu HHV tăng trần lên mức giá 10.900 đồng/cp. Tính từ phiên 7/11/2022 đến nay, HHV đã tăng gần 38%. Tuy nhiên so với mức đỉnh 27.000 đồng/cp hồi đầu năm 2022 thì mã này vẫn còn cách rất xa.
Diễn biến giá cổ phiếu HHV thời gian gần đây. Nguồn: TradingView |
HHV được quan tâm thời gian gần đây nhờ triển vọng từ nhóm đầu tư công. Các mã khác thuộc nhóm này như LCG (Công ty CP Lizen), VCG (Vinaconex), C4G (Tập đoàn CIENCO4)... đều bứt phá với nhiều phiên tăng trần, tăng mạnh. Đây đều là các doanh nghiệp được nhận những gói thầu đầu tiên tại Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 được khởi công vào ngày 1/1/2023, với các liên danh nhà thầu được Bộ GTVT chỉ định.
Ngoài hiệu ứng đẩy mạnh giải ngân vào cuối năm thì thực tế chỉ ra rằng 2023 sẽ là năm của đầu tư công. Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sẽ được khởi công từ đầu năm 2023, bao gồm: Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (tháng 1/2023); nhà ga hành khách và đường băng sân bay tại Sân bay Long Thành (tháng 1/2023); cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (tháng 4/2023) và cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (tháng 6/2023).
Trong khi đó, 11 dự án thành phần của Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 vẫn sẽ được đẩy mạnh thi công và hoàn thành lần lượt trong giai đoạn 2022 - 2024.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá HHV có nhiều lợi thế để tham gia các dự án cao tốc với vai trò tổng thầu, nhờ hưởng lợi từ danh tiếng và năng lực của công ty mẹ (Tập đoàn Đèo Cả) cùng nguồn việc lớn tại các dự án cao tốc do Tập đoàn Đèo Cả là chủ đầu tư PPP.
Bên cạnh đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Tập đoàn Đèo Cả có kế hoạch đầu tư 3 dự án BOT với mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 – 2026, hứa hẹn một dư địa lớn cho Giao thông Đèo Cả.
VCBS dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2022 của HHV đạt 2.038 tỷ đồng và 286 tỷ đồng, tương ứng tăng 9,5% và 6,3% so với cùng kỳ. Cho năm 2023, doanh thu thuần ước đạt 2.482 tỷ đồng, tăng 22%, lợi nhuận ròng đạt 345 tỷ đồng, tăng 21%.
Bên cạnh đó, Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, nhờ nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Đèo Cả, HHV đang được thừa hưởng năng lực thi công ấn tượng, đặc biệt tại các dự án khó như hầm chui, hầm xuyên núi và đường cao tốc. Công ty thường xuyên thi công vượt tiến độ và đã tham gia giải cứu nhiều dự án hạ tầng giao thông “đắp chiếu” nhiều năm.
Do đó VNDirect tin rằng, HHV sẽ có nhiều cơ hội tham gia các gói thầu quy mô lớn tại cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 và là tiền đề cho mảng xây lắp của công ty bứt phát trong giai đoạn 2023-25. Mảng thu phí BOT của công ty cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới nhờ (1) Các hoạt động kinh tế phục hồi sau Covid-19 sẽ là động lực tăng trưởng lưu lượng phương tiện qua trạm BOT và (2) đóng góp mới của dự án Trung Lương – Mỹ Thuận (bắt đầu thu phí từ tháng 8/2022). Trong dài hạn HHV cũng sẽ được bổ sung nguồn thu từ các dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tân Phú - Bảo Lộc và Hữu Nghị - Chi Lăng.
Quỳnh Nga