Ngày 11/1, Công ty CP Giao dịch hàng hóa TP HCM báo cáo đã mua 30.000 cổ phiếu của Công ty CP Sản xuất và Thương mại Tùng Khánh (HNX: TKG) vào ngày 18/7/2023, tức hơn 6 tháng trước. Sau giao dịch, Công ty CP Giao dịch hàng hóa TP HCM nâng sở hữu tại TKG lên thành 290.000 đơn vị, tương ứng với 4,59% vốn. Giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn HNX.
Cùng ngày 11/1, ông Trần Phú, Thành viên Hội đồng quản trị của Giao dịch hàng hóa TP HCM, đã mua 190.000 cổ phiếu, tương ứng với 3,01% vốn TKG (chưa sở hữu trước giao dịch).
Theo đó, nhóm cổ đông gồm ông Trần Phú (3,01% vốn) và bên liên quan (4,59%) đã trở thành cổ đông lớn với tổng sở hữu 480.000 cổ phiếu, tương đương 7,6% vốn kể từ 24/7/2023. Như vậy, Giao dịch hàng hóa TP HCM và nhóm cổ đông ông Trần Phú đã chậm báo cáo giao dịch so với quy định (không quá 5 ngày làm việc kể từ khi kết thúc giao dịch).
Danh sách và tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn tại TKG liên tục biến động xuyên suốt từ tháng 7/2023 đến nay. Gần nhất, cùng ngày 27/12/2023, ông Vũ Khánh Hòa và bà Đinh Thị Thùy đã mua lần lượt 262.000 cổ phiếu và 380.000 cổ phiếu, trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 5,5% vốn và 6,02% vốn (chưa sở hữu trước giao dịch).
Song song đó, thị giá TKG cũng ghi nhận những biến động khó lường trên sàn HNX. Mã này từng có chuỗi giảm sàn 7 phiên liên tiếp 21-29/9/2023, mất phân nửa giá, rơi về 6.000 đồng/cp. Từ 26/12/2023 đến 11/1/2024, thị giá gấp đôi trở lại, từ 7.000 đồng/cp lên trên 14.700 đồng/cp. TKG giảm sàn phiên 12/1 về 13.300 đồng/cp. Khối lượng giao dịch bình quân phiên qua 1 tháng gần nhất đạt khoảng 570.000 đơn vị, gấp 2,5 lần mức bình quân phiên qua 1 năm.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Tùng Khánh được thành lập vào tháng 3/2000, lĩnh vực hoạt động chính của công ty là sản xuất đồ inox và kinh doanh đệm cao cấp trên thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm như phụ kiện trang trí nội, ngoại thất, đệm Hàn Quốc cao cấp, đồ gia dụng và thiết bị nhà bếp inox.
Về kết quả kinh doanh quý III/2023, Tùng Khánh ghi nhận doanh thu thuần 4,7 tỷ đồng, giảm 87,7% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế 113,7 tỷ đồng, giảm 62,5%. Công ty cho biết do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm (đặc biệt hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn) có xu hướng tiếp tục giảm, dẫn đến doanh thu quý giảm mạnh so với cùng kỳ, trong khi đó công ty vẫn phải duy trì các loại chi phí phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đây là nguyên nhân dẫn đến lãi sau thuế quý III/2023 giảm mạnh.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Tùng Khánh đạt 57,1 tỷ đồng, giảm 40,2% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế 298,3 triệu đồng, giảm 83,4%.
VN-Index đảo chiều, dòng tiền cá mập "tháo chạy" khỏi thị trường Diễn biến phiên giao dịch 12/01, dòng tiền cá mập liên tục "rút chân" khỏi thị trường. Nhóm Ngân hàng có tới 5 cổ phiếu ... |
Tâm lý mua-bán giằng co kịch liệt, nhóm Ngân hàng vẫn được khối ngoại mạnh tay "gom ròng" Diễn biến phiên giao dịch 12/01, tâm lý mua-bán của khối ngoại giằng co kịch liệt trên HOSE khi giá trị giao dịch bán và ... |
Phó Tổng Giám đốc CII muốn thoái sạch vốn trước thềm ĐHĐCĐ Mới đây, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (HOSE: CII) vừa có văn bản thông báo về đăng ký giao ... |
Nguyên Nam