Điểm đến đầu tư được quan tâm
Thời gian gần đây, xuất hiện sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc sang một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có dự báo cho rằng, sẽ có sự thay đổi đáng kể, khi Trung Quốc đang chuẩn bị đưa ra gói kích thích kinh tế liên quan đến giảm thuế để thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ cũng nổi lên như một thị trường có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này liệu có tạo ra những bất lợi cho Việt Nam trong thu hút FDI trong giai đoạn tới đây không?.
Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư |
Trước câu hỏi như vậy, ông Pao Jirakulpattana – Phó Chủ tịch Warbung Pincus – Singapore – cho rằng: Căng thẳng về địa chính trị đang diễn ra và trở thành vấn đề nổi bật tại các thị trường chính trên thế giới. Do đó, nếu như trước đây nhà đầu tư có thể thỏa mái lựa chọn đầu tư, thì hiện họ đã có sự băn khoăn trong sự lựa chọn của mình.
Với thị trường Trung Quốc, ông Pao Jirakulpattana cho rằng, đây là thị trường được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, tuy nhiên Việt Nam cũng là một sự lựa chọn đang được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong khu vực ASEAN bởi những lợi thế riêng của mình, trong đó, tăng trưởng GDP trung bình mỗi năm lên đến gần 6% chính là cơ hội để Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại.
Cũng theo ông Pao Jirakulpattana, trên thực tế, Việt Nam đã rất thành công trong thu hút FDI thời gian qua. Việt Nam cũng đã làm rất tốt trong xác định ưu tiên các ngành như điện, điện tử ở phía Bắc để thu hút đầu tư và Việt Nam đã xây dựng hẳn 1 hệ sinh thái để hỗ trợ nhà đầu tư vào ngành này.
Còn theo ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C: Thay vì suy nghĩ làm sao để cạnh tranh với một số quốc gia trong thu hút FDI, Việt Nam cần tạo ra sự khác biệt trong thu hút FDI dựa trên những lợi thế sẵn có của mình. Bởi, Việt Nam là một quốc gia tuyệt vời và chúng ta nên tập trung vào tính hiệu quả của nền kinh tế và chúng ta cũng định giá đúng lợi thế của mình trong thu hút đầu tư.
Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam khẳng định: Không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, thời gian gần đây Việt Nam còn là điểm đến được quan tâm của nhiều doanh nghiệp châu Âu và Hoa Kỳ. Đặc biệt, bà Trang Bùi dự báo, xu hướng này vẫn được tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Cần xác định một số ngành ưu tiên và có xu hướng tốt để tăng trưởng trong vòng 10-15 năm tới để tập trung thu hút đầu tư |
Tạo ra sự thay đổi từ chính sách thu hút đầu tư
Đánh giá rất cao môi trường đầu tư của Việt Nam, ông Pao Jirakulpattana cho rằng, hiện một số lĩnh vực của Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của các tập đoàn lớn trên thế giới, điển hình như lĩnh vực bán lẻ. Tập đoàn bán lẻ Central Group đang quan tâm rất mạnh đến Việt Nam, ngoài ra có một số tập đoàn bán lẻ của Philippines cũng đang dành sự quan tâm đến môi trường đầu tư Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam hiện nay là thiếu cách tiếp cận với những nhà đầu tư lớn trên thế giới, cùng với đó, thiếu các sản phẩm tài chính và giải pháp tài chính để thu hút được nguồn vốn FDI từ các tập đoàn lớn. Theo đó, Việt Nam cần có những giải pháp để khắc phục tình trạng này.
“Tất nhiên, Việt Nam không thể ưu tiên thu hút FDI vào tất cả các ngành kinh tế, mà cần xác định một số ngành ưu tiên và có xu hướng tốt để tăng trưởng trong vòng 10-15 năm tới” – ông Pao Jirakulpattana khuyến nghị.
Vẫn giữ quan điểm Việt Nam là một quốc gia có môi trường đầu tư tốt, đó là lý do, dù đã đầu tư vào Việt Nam hơn 20 năm, nhưng tăng trưởng của Deep C tại Việt Nam luôn gấp đôi cả trong thời điểm trước và trong Covid-19. Tuy nhiên, vấn đề “thiếu hụt” ở Việt Nam hiện nay, theo ông Bruno Jaspaert không chỉ đơn giản là cơ sở hạ tầng hạn chế, mà còn là vấn đề dịch vụ, logistics, giá trị gia tăng.
Trong đó, logistics tại Việt Nam được đánh giá cao nhất khu vực châu Á, để giải quyết được vấn đề này, ông Bruno Jaspaert cho rằng, Việt Nam cần có sự thay đổi và tạo ra sự thay đổi trong góc nhìn chính sách, nhằm cải thiện môi trường đầu tư.
“Nếu “giải quyết” được vấn đề này, thì Việt Nam sẽ không cần bận tâm đến cạnh tranh trong thu hút FDI”. – ông Bruno Jaspaert nhấn mạnh.
Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong 4 tháng đầu năm 2022, đã có 10,8 tỷ USD vốn FDI đã đăng ký vào Việt Nam. Trong đó, vốn đầu tư tăng thêm là 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ, cho thấy nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. |
Nguyễn Hòa