Cơ hội từ Nghị quyết 68: Nhà đầu tư nên để mắt tới những cổ phiếu nào?

26/05/2025 - 08:44
(Bankviet.com) Hơn 30 cổ phiếu niêm yết được dự báo hưởng lợi kép từ loạt chính sách kích thích kinh tế hậu thuế quan, bao gồm đầu tư công, năng lượng, tiêu dùng, cải cách thể chế và đàm phán thương mại với Mỹ, mở ra cơ hội giải ngân cho nhà đầu tư trung – dài hạn.
Báo cáo - Phân tích

Cơ hội từ Nghị quyết 68: Nhà đầu tư nên để mắt tới những cổ phiếu nào?

Nguyên Nam 24/05/2025 17:42

Hơn 30 cổ phiếu niêm yết được dự báo hưởng lợi kép từ loạt chính sách kích thích kinh tế hậu thuế quan, bao gồm đầu tư công, năng lượng, tiêu dùng, cải cách thể chế và đàm phán thương mại với Mỹ, mở ra cơ hội giải ngân cho nhà đầu tư trung – dài hạn.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với rủi ro địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, Việt Nam đang chủ động thực thi nhiều chính sách “hậu thuế quan” nhằm củng cố sức đề kháng nội địa và thúc đẩy tăng trưởng. Các động thái này không chỉ phản ứng linh hoạt trước áp lực từ thuế đối ứng Mỹ, mà còn tạo ra các cú hích quan trọng cho nền kinh tế tư nhân và thị trường chứng khoán.

Theo báo cáo ngành quý II/2025 của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), có hơn 30 doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng sẽ hưởng lợi kép từ các gói kích thích mới và chương trình cải cách thể chế theo định hướng Nghị quyết 68-NQ/TW.

cophieuhomnay.jpg
Hơn 30 doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng sẽ hưởng lợi kép từ các gói kích thích mới và chương trình cải cách thể chế theo định hướng Nghị quyết 68-NQ/TW (Ảnh minh họa)

Hạ tầng và đầu tư công

Vinhomes (VHM) và Vingroup (VIC) là hai cái tên đáng chú ý trong nhóm được hưởng lợi gián tiếp từ làn sóng phát triển hạ tầng khi nhu cầu nhà ở và các khu đô thị vệ tinh ngày càng tăng cao. Hòa Phát (HPG), Coteccons (CTD), Vinaconex (VCG) và Đèo Cả (HHV) hưởng lợi trực tiếp từ vai trò cung ứng thép, tổng thầu thi công và triển khai các dự án BOT. Ngoài ra, Đạt Phương (DPG), Hoàng Huy (TCH) và Đất Xanh (DXG) được kỳ vọng cải thiện kết quả kinh doanh nhờ tham gia xây dựng nhà ở xã hội và các dự án đô thị mới.

Năng lượng – dầu khí

PTSC (PVS), PV GAS (GAS) và PV Coating (PVB) là ba doanh nghiệp nổi bật trong nhóm này khi các dự án trọng điểm như Lô B – Ô Môn, khí LNG và điện khí được tái khởi động và đẩy nhanh tiến độ. Khối lượng công việc trong lĩnh vực cơ điện, trung chuyển khí và xây lắp công trình dự báo tăng mạnh từ năm 2025.

Tiêu dùng – du lịch

FPT Retail (FRT), Thế giới Di động (MWG) và Masan (MSN) hưởng lợi từ chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa và xu hướng phục hồi sức mua của người dân. ACV (Tổng công ty Cảng hàng không), Vietnam Airlines (HVN), Vietjet (VJC) và Vincom Retail (VRE) đón dòng khách du lịch tăng nhờ chính sách visa thông thoáng và sự trở lại của thị trường hàng không – bán lẻ.

Kinh tế tư nhân và cải cách thể chế

VIC, VHM và VRE là ba đại diện tiêu biểu cho các tập đoàn tư nhân có hệ sinh thái đa ngành, hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân theo định hướng Nghị quyết 68. Masan (MSN), Gelex (GEX) và Viettel cũng là những cái tên đáng theo dõi khi có tiềm lực tài chính và khả năng đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Ngân hàng – tài chính

BIDV (BID), Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), Techcombank (TCB), MBBank (MBB), HDBank (HDB), VPBank (VPB) và ACB là những ngân hàng có nền tảng bán lẻ mạnh, tệp khách hàng lớn, được đánh giá sẽ dẫn dắt dòng tín dụng ưu tiên trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thương mại Việt – Mỹ

Dabaco (DBC) và BAF được hưởng lợi từ việc nhập khẩu ngô, đậu nành và thịt heo từ Mỹ với chi phí thấp, giúp giảm áp lực giá đầu vào cho ngành chăn nuôi. GAS, POW và NT2 tận dụng nguồn LNG nhập khẩu ổn định, còn HVN và VJC có lợi thế khi đàm phán mua máy bay với giá ưu đãi hơn.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán