Một công ty trong hệ sinh thái Hoàng Huy (TCH) phát hành cổ phiếu để… mua lại chính “người nhà”
Một doanh nghiệp trong hệ sinh thái Hoàng Huy đang thu hút sự chú ý với thương vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ, sử dụng vốn để tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty bất động sản sắp niêm yết. Bước đi này được xem là mở ra thế cờ vốn hóa mới cho toàn hệ sinh thái của doanh nhân Đỗ Hữu Hạ.
Dòng tiền “nội bộ” và thương vụ mua lại gián tiếp cổ phần CRV
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HoSE: HHS), theo Giấy đăng ký số 20/HHS-CV ngày 5/5/2025. Đây là bước đi tiếp theo sau khi phương án phát hành được cổ đông thông qua tại đại hội thường niên và Hội đồng quản trị chính thức phê duyệt đầu tháng 5 vừa qua.

Theo kế hoạch, HHS sẽ chào bán 64 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 12.500 đồng/cp cho duy nhất một nhà đầu tư: Công ty mẹ là Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH). Tổng giá trị huy động dự kiến lên tới 800 tỷ đồng. Đáng chú ý, số cổ phần phát hành mới sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Điểm đáng chú ý nằm ở mục đích sử dụng vốn. Theo HHS công bố, toàn bộ số tiền thu được từ phát hành, kết hợp với 502,5 tỷ đồng vốn tự có sẽ dùng để mua hơn 50 triệu cổ phiếu của Công ty CP HHS Capital – đơn vị hiện đang nắm giữ 7,45% vốn của Công ty CP Tập đoàn Bất động sản CRV (CRV).
Nếu thương vụ này hoàn tất, HHS sẽ nâng sở hữu tại CRV lên 51,03% theo cả hình thức trực tiếp và gián tiếp, tức nắm quyền chi phối chính thức. Hiện tại, HHS đã sở hữu 43,56% CRV qua các khoản đầu tư liên kết, với giá trị sổ sách hơn 3.200 tỷ đồng tính đến cuối quý I/2025.
Theo tìm hiểu, CRV lại chính là pháp nhân phụ trách mảng bất động sản trong hệ sinh thái mà doanh nhân Đỗ Hữu Hạ đứng đầu. CRV hiện đang triển khai loạt dự án lớn tại Hải Phòng như Hoàng Huy Commerce hay Hoàng Huy New City giai đoạn 2 tại Thủy Nguyên – dự án quy mô 49 ha với tổng mức đầu tư hơn 350 triệu USD. Công ty này cũng đã nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE từ giữa năm 2024 và hiện vẫn trong quá trình chờ xét duyệt.
Có thể thấy, sự kết nối giữa các thành viên trong hệ sinh thái Hoàng Huy là khá chặt chẽ, với HHS là công ty con do TCH sở hữu 51%, nay lại phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho chính TCH để gom cổ phần của một công ty liên kết (CRV) thông qua một pháp nhân trung gian (HHS Capital).
Chiến lược cấu trúc lại hệ sinh thái hay chuẩn bị cho một thế cờ vốn hóa?
Xét trên phương diện tài chính, việc HHS phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho công ty mẹ vẫn sẽ làm tăng số lượng cổ phiếu lưu hành và gây pha loãng. Tuy nhiên, do chỉ phát hành cho cổ đông nội bộ, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư bên ngoài không bị thay đổi, ít tạo áp lực chuyển dịch quyền kiểm soát. Bản chất dòng sẽ tiền không thay đổi trong toàn hệ thống khi mà tiền chỉ chuyển từ công ty mẹ sang công ty con, rồi tiếp tục đầu tư vào một thành viên liên kết.
Về mặt chiến lược, việc nâng tỷ lệ sở hữu CRV lên mức chi phối cũng mang lại lợi thế kiểm soát cho HHS. Từ đó có thể hợp nhất kết quả kinh doanh, chủ động hơn trong điều phối các dự án bất động sản quy mô lớn tại khu vực Hải Phòng.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là thời điểm thực hiện thương vụ. Khi CRV đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ niêm yết, việc gom cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% không thể không gợi liên tưởng đến việc “chuẩn hóa” cơ cấu trước ngày lên sàn, từ đó có thể kiểm soát tốt hơn cả về chiến lược hoạt động lẫn thông điệp truyền thông ra thị trường.
Mặt khác, với mức giá cổ phiếu HHS tăng hơn 85% chỉ trong 3 tháng, chạm mốc 13.900 đồng/cp kết phiên 23/5 (cao nhất từ tháng 6/2015) thì hiệu ứng thông tin phát hành và gom sở hữu CRV dường như đã tác động rõ rệt đến kỳ vọng của nhà đầu tư. Vốn hóa thị trường hiện đạt hơn 5.100 tỷ đồng cũng một con số đáng chú ý nếu đặt trong bối cảnh HHS vốn xuất phát là doanh nghiệp phân phối xe tải, mới chỉ lấn sân mạnh sang bất động sản vài năm gần đây.

Thêm nữa, năm nay HHS đặt mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 500 tỷ, tăng lần lượt 75% và 36% so với năm trước. Con số này nếu đạt được cũng sẽ là bước tiến lớn trong quá trình chuyển hướng từ mảng thương mại truyền thống sang đầu tư phát triển tài sản.
Tuy nhiên, yếu tố then chốt vẫn nằm ở CRV – doanh nghiệp mà HHS đang dồn lực nắm giữ chi phối. Với quy mô vốn điều lệ 6.724 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 8.900 tỷ đồng, mục tiêu lãi sau thuế 1.600 tỷ trong năm nay và tăng lên 2.000 tỷ vào 2026, CRV chính là “mảnh ghép” then chốt trong bài toán định giá dài hạn của toàn hệ sinh thái Hoàng Huy.
Việc CRV lên sàn thành công không chỉ giúp củng cố năng lực tài chính cho cả hệ thống, mà còn mở ra dư địa tái định giá đối với cổ phiếu HHS nói riêng. Khi đó, khoản đầu tư hiện tại này có thể trở thành bước đi chiến lược, tạo nền tảng cho một chu kỳ tăng trưởng mới về giá trị miễn là thị trường thuận lợi và quá trình niêm yết của doanh nghiệp liên quan diễn ra suôn sẻ.